Quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại theo ủy quyền.
ủy quyền giải quyết khiếu nại là chế định mới trong pháp luật về giải quyết khiếu nại mà nhiều văn bản về quản lý chưa đề cập đến. Nhưng căn cứ vào yêu cầu thực tiễn nên Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 đã có quy định về vấn đề này nhằm tăng cường vai trò của các cơ quan thanh tra, đồng thời giảm nhẹ áp lực đối với các cơ quan quản lý trong việc giải quyết các khiếu nại. Theo đó ủy quyền giải quyết khiếu nại là việc Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện giao cho Tổng Thanh tra nhà nước, Chánh thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện ra quyết định giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cùng cấp. Điều 26, 27 Luật khiếu nại, tố cáo quy định: "Tổng Thanh tra nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại do Thủ tướng Chính phủ ủy quyền và theo quy định của Chính phủ"; "Chánh thanh tra cấp tỉnh, Chánh thanh tra cấp huyện có thẩm quyền giải quyết khiếu nại do Chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp ủy quyền theo quy định của Chính phủ".
Để phù hợp với vị trí vai trò của thanh tra, trên cơ sở của Luật khiếu nại, tố cáo, Nghị định 67/1999/NĐ-CP ngày 7/8/1998 đã quy định rõ hơn về việc ủy quyền cho thanh tra. ở địa phương, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm ra quyết định giải quyết hoặc ủy quyền cho Chánh thanh tra cùng cấp ra quyết định giải quyết đối với khiếu nại mà Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp dưới đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại, trừ những vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài (Điều 20 Nghị định 67/1999/NĐ-CP). Như vậy, đối với những loại việc này thì trách nhiệm chính trong việc giải quyết vẫn thuộc cơ quan quản lý cùng cấp, khi cần thiết có thể ủy quyền cho Chánh thanh tra giải quyết. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện không được ủy quyền cho thanh tra giải quyết trong những trường hợp sau:
- Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của chính mình;
- Khiếu nại mà thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân (như của Giám đốc sở, Trưởng các phòng ban chuyên môn của ủy ban nhân dân huyện) đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại;
Chánh thanh tra tỉnh theo ủy quyền của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết khiếu nại mà Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại. Quyết định này là quyết định giải quyết cuối cùng.
Tổng Thanh tra nhà nước giải quyết các khiếu nại thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: khiếu nại mà Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại, trừ khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng và khiếu nại đặc biệt phức tạp liên quan đến nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước.
Để bảo đảm hiệu lực trong việc ra quyết định giải quyết của Tổng thanh tra nhà nước, Điều 21 của Nghị định số 67/1999/NĐ-CP quy định: Trong trường hợp có ý kiến khác nhau giữa Tổng Thanh tra nhà nước và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ về việc giải quyết khiếu nại thì Tổng thanh tra nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc giải quyết hoặc ra quyết định giải quyết. Nhằm tăng cường sự chỉ đạo của Thủ tướng, Thủ trưởng cơ quan quản lý trong việc ủy quyền và đề cao trách nhiệm của thanh tra, pháp luật có quy định: người ủy quyền phải có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại của người được ủy quyền.
Việc giải quyết khiếu nại theo ủy quyền của các cơ quan thanh tra.
Theo tinh thần của Luật khiếu nại, tố cáo thì việc ủy quyền cho Chánh thanh tra cấp huyện, cấp tỉnh và Tổng Thanh tra nhà nước chỉ được thực hiện đối với từng vụ việc cụ thể, tức là khi xét thấy cần thiết, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn thì Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ra văn bản ủy quyền cho Chánh thanh tra cùng cấp, trên cơ sở đó thanh tra tiến hành xem xét giải quyết vụ việc. Còn đối với Tổng Thanh tra nhà nước thì Nghị định 67/1999/NĐ-CP quy định việc ủy quyền đương nhiên đối với toàn bộ khiếu nại thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy thực chất không phải là ủy quyền vụ việc mà giao thẩm quyền giải quyết cho Tổng thanh tra. Tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến ở một số địa phương. Nhiều nơi Chủ tịch ủy ban nhân dân ra văn bản chung, giao một số loại việc cho Chánh thanh tra cùng cấp giải quyết. Như vậy việc quy định của Nghị định số 67/1999/NĐ-CP và việc thực hiện ở một số địa
phương không phù hợp với nguyên tắc trong pháp luật quản lý. Vì vụ việc khiếu nại đã thuộc thẩm quyền trách nhiệm của mình, không được giao cho cấp dưới giải quyết.
Trong thực tiễn, việc giải quyết khiếu nại theo ủy quyền của thanh tra được tiến hành như sau: Cơ quan thanh tra thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, kết luận về vụ việc, từ đó, báo cáo với thủ trưởng cơ quan quản lý về hướng giải quyết vụ việc. Quyết định giải quyết chỉ được thực hiện trên cơ sở có sự nhất trí của thủ trưởng cơ quan cùng cấp và quyết định giải quyết được ban hành về thể thức là của cơ quan thanh tra, nhưng thực chất là do thủ trưởng cùng cấp quyết định.
Theo quy định, khiếu nại được ủy quyền giao cho Thanh tra tỉnh, Thanh tra nhà nước đều là quyết định giải quyết cuối cùng, nên vụ việc thường phức tạp, nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, khi ban hành quyết định giải quyết thì cơ quan thanh tra phải hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ra quyết định mới thay thế cho quyết định giải quyết khiếu nại trước đó. Do không phải là cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ quan hành chính bị khiếu nại, mặt khác cơ quan thanh tra lại không có quyền hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung quyết định hành chính nên việc ra quyết định giải quyết khiếu nại của thanh tra hiệu lực thi hành thấp, ít được các cơ quan cấp dưới chấp hành. Mặc dù giải quyết của thanh tra được Chủ tịch ủy quyền và thực chất là quyết định giải quyết của thủ trưởng cấp đó, nhưng người dân vẫn không tin tưởng, yên tâm mà muốn khiếu nại của mình phải được chính thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước giải quyết. Do đó sau khi đã nhận được quyết định giải quyết của cơ quan thanh tra, người dân vẫn tiếp khiếu lên trên, thậm chí cả khi đã có quyết định giải quyết cuối cùng của thanh tra cấp tỉnh, cấp Trung ương. Tình trạng đó làm cho hiệu lực thi hành các phán quyết của cơ quan thanh tra không nghiêm.
Theo báo cáo của thanh tra một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì số vụ việc mà thanh tra giải quyết theo ủy quyền không nhiều, chiếm khoảng 5% số vụ việc thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cùng cấp. Có địa phương hầu như Chủ tịch ủy ban nhân dân không giao cho thanh tra giải quyết như Quảng Ninh, Hà Tây, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đắc Lắc, Gia Lai, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng… [24, tr. 1].
Một số nơi việc giao giải quyết khiếu nại theo ủy quyền chiếm tỷ lệ rất thấp, Ví dụ như thành phố Hải Phòng, năm 1999: 0/468 vụ, năm 2000: 1/282 vụ, năm 2001: 1/204 vụ, năm 2002: 0/114 vụ, năm 2003: 2/141 [24, tr. 2].
Do có việc ủy quyền giải quyết khiếu nại nên một số nơi, chính quyền địa phương có tình trạng khoán trắng cho cơ quan thanh tra, với tâm lý ngại va chạm, đùn đẩy trách nhiệm nên nhiều cấp có thẩm quyền giao việc giải quyết của mình cho cơ quan thanh tra. Mặt khác các cơ quan thanh tra cũng rất dè dặt trong việc tiếp nhận, giải quyết những khiếu nại do thủ trưởng cùng cấp giao. Nếu có thực hiện thì thường xin ý kiến nhiều lần với chính quyền cùng cấp trước khi ra quyết định giải quyết hoặc chỉ dám đảm nhận những vụ việc đơn giản, ít phức tạp. Chính vì vậy mà tính tích cực chủ động của thanh tra trong việc giải quyết khiếu nại giảm đi.
Việc giải quyết khiếu nại theo ủy quyền của Tổng Thanh tra nhà nước
Mặc dù pháp luật quy định những khiếu nại thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ về cơ bản sẽ được ủy quyền cho Tổng Thanh tra nhà nước giải quyết. Nhưng thực tế cho thấy những vụ việc mà Tổng Thanh tra nhà nước giải quyết theo ủy quyền không nhiều. Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra nhà nước thì trong năm 1999 không có vụ việc nào được giải quyết theo ủy quyền, năm 2000 có 2 vụ, năm 2001 có 2 vụ, năm 2002 có 2 vụ, năm 2003 có 2 vụ, năm 2004 có 1 vụ. Những khiếu nại mà Thanh tra nhà nước giải quyết theo ủy quyền hầu hết rất phức tạp, bởi nó liên quan tới nhiều cấp nhiều ngành và đã qua nhiều lần giải quyết. Vì vậy, khi Thanh tra nhà nước ra quyết định giải quyết phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi đã thống nhất với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan hữu quan. Mặc dù vậy hiệu quả thi hành quyết định giải quyết khiếu nại không cao, số các vụ việc bị khiếu tiếp vẫn xảy ra.
Nhận xét: Như vậy, cơ chế giải quyết khiếu nại theo ủy quyền mà pháp luật giao cho Tổng Thanh tra nhà nước, Chánh Thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện chưa phù hợp với thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại, chưa phù hợp với quy định của pháp luật quản lý và sự phân cấp giữa các cơ quan. Vì vậy cần bỏ quy định này.