hành chính theo quy định của các văn bản pháp luật
Vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong giải quyết khiếu nại hành chính theo quy định trong Pháp lệnh quy định xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân
Trên cơ sở Hiến pháp năm 1980, Hội đồng Nhà nước năm 1981 đã ban hành Pháp lệnh quy định về xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong đó đã xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan hành chính trong giải quyết khiếu nại, đồng thời cũng quy định
vai trò, trách nhiệm của thanh tra trong việc giúp thủ trưởng cơ quan cùng cấp trong giải quyết khiếu nại hành chính. Điều 19 quy định: "Chủ nhiệm ủy Ban thanh tra của Chính phủ có trách nhiệm:
- Xem xét và trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giải quyết các khiếu nại, tố cáo về việc làm trái chính sách, pháp luật của thủ trưởng các ngành Trung ương hoặc của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp Trung ương.
- Xem xét và kiến nghị giải quyết lại hoặc trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giải quyết các khiếu nại mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban nhà nước, Thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương đã giải quyết nhưng có sai lầm.
- Chủ nhiệm ủy ban thanh tra các địa phương, Trưởng Ban thanh tra các ngành có trách nhiệm giúp Chủ tịch ủy ban nhân dân, thủ trưởng ngành, xét và giải quyết các khiếu nại thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cùng cấp.
Pháp lệnh còn quy định trách nhiệm của các cơ quan thanh tra trong việc quản lý, kiểm tra công tác xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo, có quyền yêu cầu cơ quan hữu quan thi hành các biện pháp cần thiết nhằm chấm dứt các vi phạm đã dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Cơ quan được yêu cầu phải trả lời cơ quan thanh tra trong thời hạn 15 ngày.
Với các quy định nói trên trong thực tế các cơ quan thanh tra nhà nước đã phát huy được vai trò của mình trong việc tham mưu cho các cấp chính quyền giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại, thực hiện tốt nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc các cấp, các ngành trong việc tiếp công dân, nhận các khiếu nại, giải quyết khiếu nại và thi hành quyết định giải quyết khiếu nại. Những quy định này được tiếp tục ghi nhận trong những văn bản pháp luật sau này và được bổ sung, hoàn thiện đầy đủ hơn.
Vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong giải quyết khiếu nại hành chính theo quy định trong Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo năm 1991
Năm 1991, Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo thay thế cho Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân nhằm quy định
đầy đủ hơn, cụ thể hơn việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Pháp lệnh tiếp tục, khẳng định và đề cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của các cơ quan thanh tra trong công tác này. Với định hướng xây dựng thanh tra như cơ quan tài phán để độc lập trong việc giải quyết các khiếu nại hành chính, Pháp lệnh đã quy định thanh tra là một cấp giải quyết khiếu nại và có quyền kháng nghị đối với quyết định giải quyết khiếu nại của thanh tra cấp dưới khi phát hiện việc giải quyết có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới. Điều 11, Điều 13 quy định: Chánh thanh tra huyện, Chánh thanh tra tỉnh có trách nhiệm giải quyết khiếu nại mà Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp dưới hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn đã giải quyết nhưng đương sự còn khiếu nại hoặc phát hiện có tình tiết mới hoặc việc giải quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Điều 12, Điều 14, quy định: Chánh thanh tra sở, Chánh thanh tra Bộ có trách nhiệm giải quyết khiếu nại mà thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc quyền quản lý trực tiếp của Giám đốc sở, hoặc của Bộ trưởng đã giải quyết nhưng đương sự còn khiếu nại hoặc phát hiện có tình tiết mới hoặc việc giải quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Điều 17 quy định: Tổng Thanh tra nhà nước xem xét và ra quyết định về khiếu nại đối với quyết định của Bộ trưởng (quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng), quyết định này là quyết định cuối cùng.
Về quyền kháng nghị, Điều 13, Điều 17 qui định: Chánh thanh tra tỉnh khi thấy cần thiết kháng nghị các quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh thanh tra sở, Chánh thanh tra huyện; khi cần thiết Tổng Thanh tra nhà nước kháng nghị quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh thanh tra tỉnh, Chánh thanh tra Bộ.
Để quản lý thống nhất công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và giải quyết khiếu nại nói riêng Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân đã dành một chương (Chương IV) quy định về nội dung,trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó Tổng Thanh tra nhà nước, Chánh thanh tra các cấp, các ngành có vai trò quan trọng. Điều 38, Điều 39 quy định: Tổng Thanh tra nhà nước thực hiện quyền Thanh tra nhà nước đối với các cấp, các ngành trong việc thực hiện
pháp luật về khiếu nại, tố cáo; Chánh thanh tra các cấp, các ngành quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Có thể nói rằng, định hướng xây dựng thanh tra như cơ quan tài phán trong việc giải quyết khiếu nại hành chính và thanh tra có thẩm quyền kháng nghị đối với quyết định giải quyết khiếu nại của thanh tra cấp dưới là định hướng đúng. Song do điều kiện chưa cho phép, khi mà công cuộc đổi mới bộ máy nhà nước, cải cách hành chính chưa được đẩy mạnh thì cơ chế tài phán hành chính nằm trong cơ quan hành chính là chưa chín muồi và quyền kháng nghị chưa có điều kiện thực hiện. Mặt khác, việc trao cho thanh tra quyền tài phán đối với các khiếu nại hành chính song với vị trí và quyền hạn chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, do đó thanh tra chưa thể hoàn thành được trọng trách mới này.
Vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong giải quyết khiếu nại hành chính theo quy định trong Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998
Những năm 90, thực hiện công cuộc đổi mới mà trọng tâm là đổi mới kinh tế, đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Với việc phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần và mở rộng dân chủ thì công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, năm 1998 Quốc hội ban hành Luật khiếu nại, tố cáo. Đây là một đạo luật mới quy mô, điều chỉnh một cách toàn diện về khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan thanh tra trong việc giải quyết khiếu nại, cho phù hợp với điều kiện mới. Các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan thanh tra được kế thừa, phát triển có chọn lọc những quy định trong các văn bản pháp luật trước đây. Song được điều chỉnh cho phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của thanh tra trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, trong cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Thẩm quyền của các cơ quan thanh tra được quy định theo từng cấp, trong đó thanh tra có trách nhiệm tham mưu, giúp thủ trưởng cơ quan cùng cấp giải quyết khiếu nại; trực tiếp
giải quyết khiếu nại khi được ủy quyền và giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền mà pháp luật trao cho Tổng Thanh tra nhà nước.
Về nhiệm vụ tham mưu giúp thủ trưởng cùng cấp trong việc giải quyết khiếu nại được quy định như sau: Tổng Thanh tra nhà nước có thẩm quyền xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; Chánh thanh tra tỉnh, Chánh thanh tra huyện có thẩm quyền xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp; Chánh thanh tra Bộ, Chánh thanh tra Sở có trách nhiệm xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan cùng cấp (Điều 26, 27 Luật khiếu nại, tố cáo). Quy định về nhiệm vụ này phù hợp với vị trí, vai trò của thanh tra trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước. Đây cũng là nhiệm vụ mang tính truyền thống của các cơ quan thanh tra được xác định trong nhiều văn bản pháp luật từ trước đến nay.
Để đề cao hơn nữa vai trò của các cơ quan thanh tra, Luật khiếu nại, tố cáo còn quy định cơ quan thanh tra có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại khi có ủy quyền bằng văn bản của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Quyết định giải quyết của thanh tra trong trường hợp này được coi như quyết định của thủ trưởng cơ quan quản lý. Riêng Tổng Thanh tra nhà nước, với tư cách là thành viên Chính phủ nên có thẩm quyền giải quyết khiếu nại mà Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại này là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành ngay.
Tổng Thanh tra nhà nước có quyền kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng khi phát hiện có vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Các cơ quan Thanh tra nhà nước còn có trách nhiệm trong việc tiếp công dân, nhận các khiếu nại; quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại.
Tóm lại, thẩm quyền của các cơ quan thanh tra được quy định khá rõ ràng, đầy đủ trong Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 là tham mưu giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc giải quyết khiếu nại; giải quyết khiếu nại theo ủy quyền của thủ
trưởng cơ quan quản lý nhà nước. Tổng thanh tra còn có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cuối cùng đối với một số vụ việc, phát hiện, yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước xem xét lại đối với quyết định giải quyết cuối cùng có vi phạm pháp luật; tiếp công dân nhận khiếu nại; quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại.
Tuy nhiên, qui định về việc giải quyết khiếu nại theo ủy quyền của Chánh thanh tra huyện, Chánh thanh tra tỉnh, Tổng Thanh tra nhà nước không còn phù hợp với thực tiễn. Vì vậy cần phải được điều chỉnh trong Luật sửa đổi bổ, sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2004.