ích hợp pháp của công dân đòi hỏi nâng cao hơn nữa vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong giải quyết khiếu nại hành chính
Khiếu nại, tố cáo nói chung và khiếu nại hành chính nói riêng là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp nước ta, đặc biệt là Hiến pháp năm 1992 và đã được quy định cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật. Giải quyết khiếu nại là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, của các cơ quan thanh tra. Giải quyết tốt các khiếu nại của công dân thực chất là việc đảm bảo các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, là mục tiêu của việc xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta đang tiến tới xây dựng Nhà nước trong đó mọi quan hệ xã hội được điều chỉnh bằng pháp luật, đặc biệt là mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Trước hết, các cơ quan nhà nước phải hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, các khiếu nại của người dân cũng như các quyền về chính trị, kinh tế, dân sự, văn hóa, quyền tự do sản xuất kinh doanh và được hưởng thụ những giá trị vật chất và tinh thần từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính đáng của người dân đều được tôn trọng và bảo đảm, quyền được bảo vệ các lợi ích và giá trị lao động từ sản xuất kinh doanh của mình khỏi bị xâm phạm bởi các quyết định, việc làm của các cơ quan hành chính nhà nước và công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. Mọi kiến nghị, phản ảnh, khiếu nại của công dân phải được các cơ quan nhà nước tiếp nhận, giải quyết kịp thời theo đúng pháp luật, đúng thời gian quy định. Mọi hành vi thiếu trách
nhiệm, vi phạm pháp luật trong giải quyết khiếu nại, trong việc thực hiện quyền khiếu nại của công dân đều phải bị xử lý kịp thời, nghiêm minh. Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức đã gây thiệt hại cho công dân trong khi thực hiện nhiệm vụ, giải quyết khiếu nại phải bồi thường. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết các khiếu nại của công dân. Các cơ quan nhà nước, thông qua việc giải quyết tốt các khiếu nại của công dân góp phần thực hiện dân chủ, công bằng xã hội. Đó cũng là mục tiêu của việc xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đã từng nói: nước ta là nhà nước dân chủ nhân dân, từ nhân dân mà ra, nhà nước ta không có mục đích nào khác là đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Cán bộ, công chức là công bộc của nhân dân, phải biết lắng nghe ý kiến, tôn trọng và bảo vệ lợi ích của nhân dân. Với việc đề cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân khi bị xâm hại bởi việc làm từ phía Nhà nước đòi hỏi phải tăng cường vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại. Là bộ phận nằm trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, vì vậy cơ quan thanh tra một mặt phải tăng cường trách nhiệm của mình trong giải quyết khiếu nại, mặt khác cần phải làm tốt hơn vai trò thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khiếu nại đối với các cấp, các ngành. Bảo đảm thực hiện vai trò của các cơ quan thanh tra thực chất là tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan này trong giải quyết khiếu nại của công dân.