Về việc tham mưu giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết khiếu nại hành chính

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong giải quyết khiếu nại hành chính ở Việt Nam pdf (Trang 84 - 86)

định về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan thanh tra trong tham mưu giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp giải quyết khiếu nại; tổ chức tiếp công dân, nhận các khiếu nại; quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại. Chính vì vậy Nghị quyết số 30/QH11 đã yêu cầu: "Chính phủ khẩn trương tiến hành tổng kết toàn diện việc thi hành Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998, làm cơ sở cho việc nghiên cứu sửa đổi cơ bản Luật khiếu nại, tố cáo, xây dựng cơ chế hữu hiệu để giải quyết các khiếu kiện hành chính phù hợp với tình hình thực tế của nước ta và thông lệ quốc tế" [16, tr. 3].

Để tăng cường vai trò của các cơ quan thanh tra trong giải quyết khiếu nại hành chính, cần tập trung sửa đổi những nội dung sau:

3.2.1.1. Về việc tham mưu giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết khiếu nại hành chính quyết khiếu nại hành chính

Đây là nhiệm vụ truyền thống của các cơ quan thanh tra nhà nước đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật từ trước đến nay và tiếp tục được ghi nhận trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo. Theo tinh thần đó, các cơ quan thanh tra nhà nước có trách nhiệm xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Như vậy, tất cả các khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước sẽ do cơ quan thanh tra tiến hành thẩm tra, xác minh, ra kết luận và đề xuất hướng giải quyết vụ việc. Tuy nhiên trừ khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

Khiếu nại thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có nhiều loại: khiếu nại của thủ trưởng cơ quan cấp dưới đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại; khiếu nại đối với thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc quyền quản lý đã giải quyết nhưng còn khiếu nại. Theo quy định của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 thì thanh tra các cấp chỉ làm nhiệm vụ tham mưu cho thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết khiếu nại mà thủ trưởng cơ quan cấp dưới đã giải quyết

nhưng còn có khiếu nại (đó là các khiếu nại của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp dưới đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại) còn khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan chuyên môn (như khiếu nại quyết định giải quyết của Giám đốc sở, Thủ trưởng ban, ngành cấp tỉnh, Trưởng phòng, ban cấp huyện) thanh tra không có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết mà giao cho các cơ quan chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực tham mưu cho thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp. Quy định này nhằm phân cấp rõ hơn cho các cơ quan chuyên môn, đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cơ quan này trong việc giúp thủ trưởng xem xét giải quyết khiếu nại thuộc lĩnh vực do mình phụ trách. Tuy nhiên, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo thì tất cả các khiếu nại thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp do thanh tra làm tham mưu. Về vấn đề này hiện nay có hai loại quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất, cần quán triệt đúng quy định của Luật khiếu nại, tố cáo đã được sửa đổi, bổ sung tức là cơ quan thanh tra có trách nhiệm tham mưu giúp thủ trưởng giải quyết các khiếu nại thuộc thẩm quyền. Quan điểm thứ hai cho rằng, xuất phát từ thực tiễn, phải gắn trách nhiệm của cơ quan chuyên môn trong việc giải quyết khiếu nại, các cơ quan này có điều kiện nắm chắc những quy định và thông tin về vụ việc thuộc lĩnh vực do mình quản lý, do đó có thuận lợi khi giúp thủ trưởng xem xét giải quyết khiếu nại liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.

Qua nghiên cứu chúng tôi thấy rằng, cần đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thanh tra trong tham mưu giúp thủ trưởng giải quyết khiếu nại. Với việc thẩm tra, xác minh, kết luận và kiến nghị giải quyết khiếu nại, cơ quan thanh tra độc lập và khách quan trong đề xuất hướng giải quyết vụ việc, tránh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi", khắc phục biểu hiện bao che cho việc giải quyết khiếu nại không đúng từ cơ quan quản lý ngành và lĩnh vực. Trong khi tiến hành thẩm tra, xác minh để làm rõ nội dung vụ việc, các cơ quan thanh tra có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chuyên môn để làm rõ bản chất sự việc, từ đó có kết luận xác đáng, kiến nghị giải quyết đúng đắn. Trong trường hợp tách Luật khiếu nại, tố cáo thành hai luật riêng (Luật khiếu nại và giải quyết khiếu nại, Luật tố cáo và giải quyết tố cáo) thì quyết định hành chính cá biệt mà thanh tra được giao nhiệm vụ thẩm tra xác minh, kết luận không có gì phức tạp. Những khiếu nại phức tạp, do

lịch sử để lại, khiếu nại đông người sẽ do văn bản khác điều chỉnh. Do đó các cơ quan thanh tra có đủ khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu giúp thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp trong việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền.

Để tiến hành việc thẩm tra, xác minh đạt kết quả, thì cần phải trao cho các cơ quan thanh tra những quyền hạn nhất định nhằm thu thập các thông tin, tài liệu nhanh chóng, có hiệu quả, đồng thời có quyền xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, không chính xác các thông tin, tài liệu cần thiết đế phục vụ cho việc xác minh, kết luận. Trường hợp cần thiết có quyền áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm. Đồng thời cần bổ sung các quy định để tăng cường trách nhiệm của cơ quan thanh tra, cán bộ thanh tra khi tiến hành thẩm tra, xác minh. Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm tra, xác minh và kiến nghị của mình. Trường hợp gây thiệt hại cho người khiếu nại thì phải bồi thường. Mặt khác, cũng cần có quy định về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc sử dụng kết quả thẩm tra, xác minh, kết luận của thanh tra. Trường hợp không đồng ý, không sử dụng kết luận, đề xuất của thanh tra thì thủ trưởng phải nói rõ lý do. Cơ quan thanh tra có quyền bảo lưu ý kiến của mình và báo cáo với thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên và thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong giải quyết khiếu nại hành chính ở Việt Nam pdf (Trang 84 - 86)