Tình hình khiếu nại hành chính và nguyên nhân phát sinh

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong giải quyết khiếu nại hành chính ở Việt Nam pdf (Trang 46 - 48)

Từ năm cuối năm 1998 đầu năm 1999 đến nay, tình hình khiếu nại có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong 2 năm 2001 và 2002. Mỗi năm số lượt người khiếu nại vượt cấp lên Trung ương tăng khoảng 20%. Năm 2001, trụ sở tiếp công dân ở Trung ương Đảng và Nhà nước ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh tra nhà nước đã tiếp 20.525 lượt người (tăng 2,76%). Năm 2002 tiếp 25.734 lượt người (tăng 21,7%). Có thời điểm cả nước có trên 30 tỉnh, thành phố có nhiều đoàn khiếu kiện đông người, làm ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội. ở một số địa phương tiếp tục phát sinh những khiếu nại đông người, gay gắt, bức xúc, khiếu nại gắn liền với tố cáo, có yếu tố chính trị (như ở Tây Nguyên), xuất hiện nhiều điểm nóng, điển hình như vụ khiếu kiện ở 20/22 xã thuộc huyện Giao Thủy - tỉnh Nam Định. Vụ khiếu kiện tranh chấp đất của 2.000 hộ dân của hai huyện Ba Chi, Giồng Trôm, Thạch Phú (tỉnh Bến Tre) với chính quyền địa phương; vụ khiếu nại về đất đai của hơn 300 hộ nông dân ở nông trường 30/4 tỉnh Sóc Trăng với ban quản lý nông trường và chính quyền đại phương; vụ khiếu kiện của nhiều hộ nông dân, dân tộc Khơ Me ở tỉnh An Giang, khiếu nại đông người của các dân tộc Tây Nguyên với chính quyền đại phương [23, tr. 1].

Nội dung khiếu nại.

Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến đất đai, nhà cửa, chiếm tỷ lệ trên 60%. Các tỉnh phía Bắc khiếu nại tập trung về việc thu hồi đất, đền bù, giải tỏa; còn ở các tỉnh Nam Bộ nổi lên là việc đòi lại đất cho mượn, cho ở nhờ giữa chủ cũ và chủ mới, khiếu nại

về đất đai giữa nông dân với các nông, lâm trường, cơ quan đơn vị quân đội, tranh chấp đất đai của người dân mà trước đây đã đưa vào tập đoàn sản xuất nông nghiệp… các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc mua bán đất, cấp đất của nông, lâm trường, tranh chấp về đất đai giữa đồng bào dân tộc với các hộ di dân từ nơi khác đến, khiếu nại về việc quản lý và sử dụng đất đai của chính quyền địa phương.

Việc khiếu kiện đòi lại nhà đất do nhà nước quản lý theo diện cải tạo trước đây cùng diễn ra gay gắt ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ…

Khiếu nại liên quan đến chính sách xã hội như đòi chế độ, xác nhận đối với người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ, việc xóa đói giảm nghèo. Những vụ việc khiếu nại liên quan đến nội dung này chiếm tỷ lệ khá cao và diễn ra phổ biến trên cả nước.

Nguyên nhân chủ yếu phát sinh khiếu nại

- Trong quá trình chuyển đổi cơ chế, nhất là đổi mới kinh tế ở nước ta, nhiều chính sách, pháp luật chưa kịp ban hành hoặc ban hành thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, không phù hợp với tình hình thực tế cuộc sống đang diễn ra sôi động, đa dạng và phức tạp. Nhiều quy định cũ và mới đan xen, chồng chéo tạo ra sự bất hợp lý, mâu thuẫn, nhiều kẽ hở trong quản lý nhà nước là mầm mồng, tiền đề nảy sinh khiếu nại.

- Đất nước ta trải qua nhiều giai đoạn cách mạng, nhiều vấn đề do lịch sử để lại như nhà cửa, đất đai, việc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, chính sách thương binh, liệt sĩ v.v… Qua các thời kỳ có nhiều thay đổi nên chính sách, pháp luật thiếu đồng bộ, không đủ căn cứ, cơ sở để xem xét, giải quyết đối với những vụ việc tồn đọng kéo dài, do đó đã tạo ra tình trạng bức xúc cho người dân.

- Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhất là việc làm đường giao thông, xây dựng khu công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan đến việc thu hồi, giải tỏa mặt bằng đất đai. Nhưng trong khi đó việc đền bù nhiều nơi thực hiện thiếu khách quan, không công bằng, mất dân chủ, đồng thời còn bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

- Hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về quản lý đất đai chưa hoàn thiện, thiếu thống nhất, có nhiều thay đổi, đặc biệt là giá cả đền bù khi giải tỏa, thu hồi đất chưa sát với thực tế, chưa tạo điều kiện để ổn định cuộc sống cho người dân, tình trạng đó gây ra sự bất bình trong quần chúng.

- Tình trạng vi phạm pháp luật, mất dân chủ, tham nhũng, tiêu cực xảy ra khá phổ biến, nhất là ở cơ sở gây bất bình, bức xúc trong nhân dân, làm phát sinh khiếu kiện. Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa được làm tốt, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng trong việc thực hiện;

Công tác quản lý trên nhiều lĩnh vực bị buông lỏng. Mặt khác, nhiều tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền đoàn thể cơ sở còn yếu kém, chậm được củng cố. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, tham nhũng, tiêu cực. Có không ít trường hợp cán bộ, đảng viên ở cơ sở trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia, dính líu vào các vụ việc khiếu kiện, làm cho tình hình càng trở nên gay gắt, phức tạp hơn.

- Về phía người khiếu nại, do không hiểu chính sách pháp luật, nên một số người khiếu nại thiếu căn cứ, khiếu nại những nội dung không thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính, cố chấp được thua, cố tình không thừa nhận việc giải quyết đúng pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thậm chí một số người còn lợi dụng quyền khiếu nại để gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong giải quyết khiếu nại hành chính ở Việt Nam pdf (Trang 46 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)