trong giải quyết khiếu nại hành chính
2.2.1. Việc tham mưu giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong giải quyết khiếu nại hành chính trong giải quyết khiếu nại hành chính
Từ trước đến nay trong nhiều văn bản pháp luật cũng như trong thực tiễn, việc giải quyết khiếu nại luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan hành chính nhà nước. Hay nói cách khác các cơ quan hành chính đóng vai trò chính trong việc giải quyết khiếu nại của công dân. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ này các cơ quan hành chính hay thủ trưởng các cơ quan hành chính phải có bộ phận, cơ quan tham
mưu trong việc thẩm tra, xác minh làm rõ vụ việc, yêu cầu của người khiếu nại từ đó có hướng giải quyết vụ việc một cách đúng đắn, khách quan và kịp thời.
Tham mưu cho thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước có nhiều bộ phận, nhiều cơ quan, nhưng trong giải quyết khiếu nại thì các cơ quan thanh tra nhà nước có vai trò đặc biệt bởi vị trí, chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật đã trao cho. Nhiệm vụ tham mưu của các cơ quan thanh tra được thực hiện thông qua việc xác minh để làm rõ nội dung vụ việc, yêu cầu của người khiếu nại, kết luận về tính đúng đắn của quyết định hành chính, hành vi hành chính, hoặc việc giải quyết khiếu nại trước đó, kết luận tính đúng đắn về yêu cầu của người khiếu nại, từ đó kiến nghị với thủ trưởng hướng giải quyết vụ việc; khẳng định nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hay sai toàn bộ; giữ nguyên, sửa đổi hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại; việc bồi thường thiệt hại (nếu có).
Để thực hiện nhiệm vụ này, hàng năm các cơ quan thanh tra nhà nước tiến hành nhiều hoạt động như cử cán bộ hoặc thành lập các đoàn để tiến hành thu thập, thẩm tra, xác minh chứng cứ, kết luận về việc khiếu nại, có kiến nghị để thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp giải quyết khách quan, kịp thời. Có những vụ việc nhỏ lẻ chỉ cần cử một hoặc một số cán bộ tiến hành trong thời gian ngắn. Nhưng cũng có những vụ việc phức tạp phải bố trí nhiều cán bộ, tiến hành trong thời gian dài để xem xét, giải quyết. Hầu hết các vụ việc giải quyết của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện trên cơ sở kiến nghị, tham mưu của cơ quan thanh tra.
Đối với những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực quản lý, thanh tra được xác định là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan để tiến hành việc thu thập, thẩm tra xác minh, kết luận từ đó đưa ra kiến nghị xác đáng cho thủ trưởng quyết định.
Những vụ việc khiếu nại (hay khiếu tố) đông người xảy ra hoặc những điểm nóng về khiếu nại thì thanh tra địa phương trở thành cơ quan chủ yếu để giúp thủ trưởng cùng cấp trong việc xem xét, xử lý. Những vụ việc phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị, an toàn xã hội như ở Thái Bình, Nam Định, Hà Tây, Tây Nguyên v.v… Thanh tra nhà
nước ở cấp Trung ương dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ đã cử nhiều đoàn cán bộ ở cấp độ khác nhau, có sự tham gia tích của các Bộ, ngành phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở xem xét, tháo gỡ cho địa phương. Không chỉ dừng lại ở cấp tỉnh mà nhiều đoàn công tác của Thanh tra nhà nước phải xuống tận huyện, xã cùng với cán bộ, chính quyền cơ sở nắm bắt tình hình khiếu nại, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, nắm được những bức xúc của người dân, giải thích để quần chúng hiểu được chính sách, pháp luật từ đó tự nguyện chấp hành không gây sức ép với cán bộ và chính quyền cơ sở.
Do tổ chức được nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với thực tiễn để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và giải quyết những khiếu nại cụ thể mà vai trò của các cơ quan thanh tra ngày càng được nâng cao.
Qua theo dõi thực tiễn cho thấy, số các vụ việc khiếu nại mà các cơ quan hành chính đã giải quyết, thanh tra các cấp đảm nhiệm việc tham mưu chiếm tỷ lệ lớn, khoảng trên dưới 80%… ở một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An… Thanh tra tham mưu chiếm khoảng 85% vụ việc, còn ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ chiếm khoảng 80%, ở các tỉnh phía Nam chiếm khoảng dưới 80% vì ở đó khiếu nại chủ yếu liên quan đến vấn đề đất đai [24, tr. 5]. Vì vậy, ngoài các cơ quan thanh tra nhà nước còn có cơ quan quản lý nhà đất và cơ quan, tổ chức hữu quan cùng phối hợp tham mưu cho cơ quan hành chính trong việc xem xét, giải quyết.
Nhận xét: Luật khiếu nại, tố cáo đã giao cho các cơ quan thanh tra làm nhiệm vụ tham mưu cho cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại và trong thực tiễn thanh tra đã làm tốt nhiệm vụ này. Tuy nhiên để phát huy tốt hơn nữa vai trò của thanh tra, cần quy định cụ thể hơn: trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc phối hợp cùng thanh tra thực hiện, nhất là các cơ quan địa chính, nhà đất, lao động thương binh và xã hội, thuế… cần phân cấp, phân việc trong tham mưu của thanh tra với các cơ quan khác. Tránh tình trạng thanh tra làm thay cho các cơ quan hành chính đã ra quyết định hành chính bị khiếu nại.