có vi phạm pháp luật
Cần xác định rõ các căn cứ để xem xét lại đối với quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng có vi phạm pháp luật, đó là các căn cứ sau đây: phát hiện tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định giải quyết cuối cùng; quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng không phù hợp với các tình tiết khách quan của nội dung vụ việc khiếu nại; có các vi phạm về trình tự, thủ tục khi xác minh, kết luận, ra quyết giải quyết khiếu nại cuối cùng gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức; có những sai lầm
nghiêm trọng trong việc áp dụng chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức; quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng ban hành không đúng thẩm quyền.
Người đã giải quyết khiếu nại cuối cùng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu hoặc bản sao hồ sơ vụ việc khiếu nại khi người có thẩm quyền yêu cầu hoặc kiến nghị xem xét lại quyết định đó và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu đã cung cấp. Thời hạn yêu cầu xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng có vi phạm pháp luật là 12 tháng, kể từ ngày quyết định đó có hiệu lực thi hành; trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng.
Để tăng cường tính tích cực, chủ động của người đã ra quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng trong việc sửa chữa, khắc phục sai lầm, cần có hướng dẫn: Bộ trưởng. Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tự xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của mình khi phát hiện có một trong các căn cứ như đã nêu ở trên. Trong trường hợp có đủ căn cứ khẳng định việc giải quyết khiếu nại cuối cùng có vi phạm pháp luật thì phải ra quyết định mới thay thế quyết định cũ, giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân.
Cần quy định rõ chủ thể có quyền kiến nghị hoặc yêu cầu xem xét lại đối với quyết định giải quyết cuối cùng có vi phạm pháp luật: Tổng thanh tra với tư cách là thành viên Chính phủ, người đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, có thẩm quyền và trách nhiệm yêu cầu hoặc đề nghị người đã giải quyết xem xét lại quyết định giải quyết cuối cùng có vi phạm pháp luật.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khi phát hiện quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ ngành mình có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức thì kiểm tra, xem xét đối với quyết định đó; nếu thấy cần thiết yêu cầu người ra quyết định cung cấp thông tin, tài
liệu hoặc bản sao hồ sơ về vụ việc khiếu nại và báo cáo bằng văn bản về việc giải quyết khiếu nại đó.
Nếu có một trong các căn cứ vi phạm nêu trên thì ra văn bản yêu cầu Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét lại việc giải quyết khiếu nại đó.
Việc xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng có vi phạm pháp luật được tiến hành trên cơ sở xem xét hồ sơ của vụ việc; nếu thấy cần thiết thì người có thẩm quyền tiến hành việc thẩm tra xác minh để làm rõ nội dung khiếu nại, việc giải quyết khiếu nại cuối cùng của người đã giải quyết trước đó. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng nếu thấy có một trong các căn cứ vi phạm như đã nêu trên thì phải ra quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế và gửi quyết định giải quyết đó cho những người có thẩm quyền biết.