Từ năm 1999 đến nay, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết được 459.243/639.590 khiếu nại [23, tr. 2]. Trong đó:
- Năm 1999 giải quyết được 92.025/ 113.668 khiếu nại thuộc thẩm quyền, chiếm 80,9%.
- Năm 2000 giải quyết được 107.386/124.063 khiếu nại thuộc thẩm quyền, chiếm 86,5%.
- Năm 2001 giải quyết được 106.479/128.063 khiếu nại thuộc thẩm quyền, chiếm 82,6%.
- Năm 2002 giải quyết được 81.224/92.519 khiếu nại thuộc thẩm quyền, chiếm 87,8%.
- Năm 2003 giải quyết được 67.860/84.855 khiếu nại thuộc thẩm quyền, chiếm 80%. - Quý I/2004 giải quyết được 4.369/14.400 khiếu nại thuộc thẩm quyền, chiếm 29,6%.
Qua công tác giải quyết khiếu nại đã thu hồi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng; hàng nghìn ha đất; hàng nghìn tấn lương thực; trả lại cho tập thể và công dân một số lượng tài sản lớn đã bị chiếm dụng; kỷ luật hành chính nhiều cán bộ có sai phạm, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự đối với nhiều người.
Thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đều quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại, coi đó là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, bộ, ngành, đồng thời có nhiều biện pháp cụ thể tích cực để tổ chức tốt việc tiếp công dân, nhận đơn khiếu nại, giải quyết và thi hành quyết định giải quyết khiếu nại. Công tác giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước từ khi có luật khiếu nại, tố cáo đến nay đã có những chuyển biến nhất định, góp phần ổn định tình hình chính trị, giữ vững an ninh, trật tự xã hội. Tuy nhiên, trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại còn nhiều bất cập.
- Việc tiếp công dân nhiều nơi thực hiện còn hình thức, kém hiệu quả, chưa gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại. Một số nơi còn khoán trắng cho cán bộ tiếp dân hoặc cơ quan thanh tra thực hiện, bố trí cán bộ không đủ năng lực, trình độ làm nhiệm vụ tiếp dân. Không ít thủ trưởng cơ quan hành chính đùn đẩy, né tránh việc gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại.
- Khi phát sinh khiếu nại một số nơi cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa tập trung chỉ đạo, giải quyết kịp thời, dứt điểm, còn có trường hợp né tránh trách nhiệm, không ít trường hợp giải quyết không đúng chính sách, pháp luật, xử lý cán bộ vi phạm không nghiêm, còn biểu hiện bao che, dung túng cho việc làm sai. Một số quyết định giải quyết khiếu nại chưa phù hợp với thực tế nên người dân không đồng tình, tiếp tục khiếu nại, gây khó khăn cho việc xem xét, giải quyết.
- ở những nơi khiếu nại đông người, cấp ủy Đảng, chính quyền một số địa phương lúng túng, bị động, nôn nóng, vội vàng xử lý thiếu hợp lý, không thực tế nên mất lòng dân, bị các phần tử xấu lợi dụng gây rối, làm mất trật tự, trị an. Trong khi đó, trình độ dân trí ngày càng được nâng lên, sự hiểu biết pháp luật của người dân cũng nâng cao, nhưng công tác quản lý có nhiều kẽ hở và nhiều bất cập, nên người dân khiếu nại nhiều. Trái lại cũng có người không hiểu biết pháp luật, cố chấp, khiếu kiện dai dẳng, cố tình không chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
- Trong quá trình xem xét, giải quyết khiếu nại một số cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức chưa chấp hành đúng quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết, giải quyết thiếu công bằng, không khách quan, thiếu dân chủ, quan liêu, cửa quyền trong việc tiếp dân nhận khiếu nại. Đã có quyết định giải quyết nhưng không tổ chức thi hành, gây mất lòng tin của nhân dân vào các cơ quan Đảng và Nhà nước.
- Việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện pháp luật trong giải quyết khiếu nại thực hiện chưa tốt. Việc rà soát, xử lý các vụ việc tồn đọng kéo dài chưa tiến hành thường xuyên.
- Sự kết hợp giữa các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và quần chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trong giải quyết chưa chặt chẽ nên nhiều quyết định giải quyết không thấu lý đạt tình, không phù hợp với lòng dân và không được sự ủng hộ của quần chúng.