Chức năng, nhiệm vụ các cơ quan thanh tra nhà nước theo quy định của pháp luật

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong giải quyết khiếu nại hành chính ở Việt Nam pdf (Trang 33 - 35)

của pháp luật

Ngay từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời thì hàng loạt vấn đề quan trọng đặt ra cho nhà nước dân chủ non trẻ phải giải quyết nhằm củng cố, bảo vệ nền cộng hòa và lợi ích của người lao động [9, tr. 80]. Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban thanh tra đặc biệt để "giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của ủy ban hành chính và các cơ quan

Chính phủ" (Điều 1), "Có toàn quyền nhận đơn khiếu nại của nhân dân" (Điều 2) [11, tr. 15], Ban thanh tra đặc biệt có quyền kiểm tra, xem xét các tài liệu, giấy tờ của ủy ban nhân dân (sau này là ủy ban hành chính hay ủy ban kháng chiến hành chính) hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát; có quyền định chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào của ủy ban nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi đưa ra Hội đồng Chính phủ hay Tòa án đặc biệt để xét xử, đồng thời có thể tịch biên, hoặc niêm phong tang vật và dùng biện pháp điều tra, lập hồ sơ đưa sang Tòa án đặc biệt để xét xử.

Ngày 19/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 138/SL thành lập "Ban thanh tra Chính phủ" thay cho "Ban thanh tra đặc biệt trước đây". Ban thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ: Xem xét sự thi hành chính sách, chủ trương của Chính phủ; thanh tra các ủy viên ủy ban kháng chiến hành chính và viên chức về phương diện liêm khiết; thanh tra các sự khiếu nại của nhân dân (Điều 4 Sắc lệnh).

Ngày 28/3/1956, Nhà nước ta ban hành Sắc lệnh 261/SL thành lập Ban thanh tra Trung ương của Chính phủ. Tiếp đó, ngày 26/12/1956, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập cơ quan thanh tra ở các địa phương và các ngành, có nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành đường lối, chính sách, mệnh lệnh của Chính phủ, việc thực hiện kế hoạch của Nhà nước và ủy ban hành chính các cấp, nhanh chóng xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Năm 1977, Chính phủ ra Nghị định ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của ủy Ban thanh tra của Chính phủ, xác định việc xây dựng hệ thống thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương. Trong đó quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan thanh tra. ủy Ban thanh tra của Chính phủ có trách nhiệm: Hướng dẫn, đôn đốc và thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các ngành, các cấp trong công tác xét, giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, đồng thời tự xem xét, giải quyết các đơn khiếu tố trong phạm vi trách nhiệm của Chính phủ.

Năm 1990, Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh thanh tra, mở ra bước phát triển mới của ngành thanh tra. Các cơ quan thanh tra được thành lập theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương.

Các cơ quan Thanh tra nhà nước có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Cơ quan thanh tra cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn về công tác, tổ chức, nghiệp vụ thanh tra đối với thanh tra cấp dưới. Song cơ quan thanh tra cấp dưới còn chịu sự chỉ đạo trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

Nhiệm vụ quyền hạn chung của các cơ quan thanh tra nhà nước đã được xác định trong Điều 8 của Pháp lệnh thanh tra:

- Thanh tra việc thực hiện chính sách về pháp luật, nhiệm vụ kế hoạch của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trừ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, kiểm sát của cơ quan Điều tra, Kiểm sát, Tòa án và việc giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế, xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế của cơ quan Trọng tài kinh tế;

- Xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết hoặc giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo…

Như vậy, việc giải quyết khiếu nại và tham mưu cho các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cơ quan thanh tra. Để thực hiện những nhiệm vụ được giao, Pháp lệnh thanh tra đã trao cho các cơ quan thanh tra những quyền hạn quan trọng, đó là những quyền hạn của các cơ quan thanh tra được áp dụng trong quá trình thanh tra, song nó cũng được thực hiện khi giải quyết khiếu nại được thực hiện bởi đoàn thanh tra và được giải quyết theo quy trình thanh tra. Chính vì vậy mà các cơ quan thanh tra có ưu thế nhất định trong việc giải quyết khiếu nại hành chính so với các cơ quan khác.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong giải quyết khiếu nại hành chính ở Việt Nam pdf (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)