TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG
2.1. Quan niệm của Phạm Văn Đồng về mục đích của việc dạy học văn trong nhà trường phổ thông trong nhà trường phổ thông
Phạm Văn Đồng thường tâm niệm rằng, làm giáo dục là thực hiện chiến lược về con người. Theo ông, chúng ta phải tập trung đầu tư nhiều nhất cho giáo dục. Hoạt động dạy học nói chung, DHV trong nhà trường phổ thông nói riêng có liên quan trực tiếp đến vấn đề chiến lược phát triển con người. Do tầm vóc và ý nghĩa lớn lao của việc DHV như vậy cho nên Phạm Văn Đồng cho rằng, mục đích của việc dạy học môn học này là tạo điều kiện để các em có được “một quá trình rèn luyện toàn diện”[40, tr389] nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông nói chung. Điều đó có nghĩa là việc DHV trong nhà trường phải nhằm tạo ra sản phẩm của mình là những con người phát triển toàn diện. Cái “toàn diện” của người học mà Phạm Văn Đồng muốn nói là sự phát triển cân đối, hài hoà giữa nội tâm và thể xác, giữa trí tuệ và tâm hồn, giữa tài năng và nhân cách cùng với khả năng thích ứng của họ với cuộc sống xã hội.
Đặt mục đích của việc DHV trong nhà trường phổ thông trong mục tiêu phát triển giáo dục phổ thông nói chung, ông đề nghị việc dạy học trong nhà trường “phải làm sao cho các môn học đều đóng góp vào việc đào tạo thế hệ trẻ trở thành những người dũng cảm, thông minh, sáng tạo. Phải làm cho bất cứ môn học nào cũng đều là công cụ để dạy những cái đúng, cái hay, cái đẹp, rất cần thiết đối với trẻ em của chúng ta… Phải làm thế nào qua giáo dục phổ thông, trong vòng mấy năm đó, đào tạo cho trẻ em của chúng ta có một trình độ phổ thông về tất cả các mặt: đức, trí, thể mỹ.v.v...Đó là cái nền tảng để cho các em tiến lên. Đó cũng là cái vốn quý để xây dựng đất nước”
[28, tr50]. Mục tiêu mà Phạm Văn Đồng nêu trên cũng nằm trong mục tiêu tổng quát của việc giáo dục lứa tuổi học đường.