và phát triển chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ
Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ Về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 khẳng định:
“Cơ cấu lại khung chương trình; bảo đảm sự liên thông của các cấp học; giải
quyết tốt mối quan hệ về khối lượng kiến thức và thời lượng học tập giữa các môn giáo dục đại cương và giáo dục chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả đào tạo của từng môn học. Đổi mới nội dung đào tạo, gắn kết chặt chẽ với thực tiễn nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nghề nghiệp trong xã hội, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng lĩnh vực, tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới”.
“Xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển sang chế độ đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tạo điều kiện thuận lợi để người học tích lũy kiến thức, chuyển đổi ngành nghề, liên thông, chuyển tiếp tới các cấp học tiếp theo ở trong nước và ở nước ngoài”.
Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 nêu rõ “Nội dung CTĐT còn nặng về lý thuyết, chưa chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu xã hội” là một trong những bất cập của giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục đại học nói riêng. Vì thế, đổi mới chương trình, tài liệu dạy học dựa trên nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, phát triển các CTĐT đại học theo hai hướng: nghiên cứu và nghề nghiệp ứng dụng” và “từng bước vận dụng chuẩn của các nước tiên tiến” là những vấn đề thời sự, cấp thiết đối với các cơ sở giáo dục đại học.
Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 cho phép “Cơ sở giáo dục đại học tự
chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, thẩm định, ban hành CTĐT trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ”. Đây chính là “cơ hội” để các cơ sở giáo dục đại học chuyển mạnh mẽ sang đào tạo theo nhu cầu xã hội, thiết kế và phát triển CTĐT dựa trên nhu cầu xã hội. Bên cạnh “cơ hội”, Luật cũng đặt ra các “thách thức” đối với cơ sở giáo dục đại học khi yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học phải định kỳ đăng ký kiểm định CTĐT theo chuẩn đối với CTĐT do Bộ GD&ĐT quy định.
Thông tư số 37/2012/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học quy định về tiêu chuẩn đánh giá CTĐT trong các trường Đại học như sau:
1. Chương trình đào tạo của trường đại học được xây dựng theo các quy định
hiện hành do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; có sự tham khảo chương trình đào
tạo của các trường đại học có uy tín trong nước hoặc trên thế giới; có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên môn, giảng viên, cán bộ quản lý, đại diện của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhà tuyển dụng lao động và người đã tốt nghiệp.
2. Chương trình đào tạo có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống, đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của đào tạo trình độ đại học và đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.
3. Chương trình đào tạo chính quy và giáo dục thường xuyên được thiết kế theo quy định, đảm bảo chất lượng đào tạo.
4. Chương trình đào tạo được định kỳ bổ sung, điều chỉnh dựa trên cơ sở tham khảo các chương trình tiên tiến quốc tế, các ý kiến phản hồi từ các nhà tuyển dụng lao động, người tốt nghiệp, các tổ chức giáo dục và các tổ chức khác nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hoặc cả nước.
5. Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và chương trình đào tạo khác.
6. Chương trình đào tạo được định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá.
Những chỉ đạo trên của Đảng, Chính phủ và Bộ Giáo dục – Đào tạo chính là những định hướng lớn cho các trường đại học trong việc xây dựng và phát triển CTĐT theo HTTC