Nguyên tắc quản lý sự thay đổi chương trình đào tạo

Một phần của tài liệu thực trạng quản lý sự thay đổi chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở trường đại học sư phạm thể dục thể thao thành phố hồ chí minh (Trang 41 - 43)

Quản lý sự thay đổi là một trong những nội dung của công tác quản lý giáo dục, quản lý nhà trường. Do đó, bên cạnh những nguyên tắc chung của quản lý giáo dục, quản lý sự thay đổi CTĐT cần nhấn mạnh đến các nguyên tắc sau:

* Phải xây dựng được lòng tin ở mọi người

Thay đổi đòi hỏi rất nhiều ở GV, vì để thực hiện thay đổi trong nhà trường, người GV giữ vai trò quyết định. Những thay đổi đó có thể dẫn tới sự căng thẳng đối với mỗi GV, sự tự tin của họ có thể bị ảnh hưởng, khối lượng công việc tăng lên…Hơn nữa khi thực hiện sự thay đổi, người quản lý cũng không biết chắc chắn là có đạt được kết quả như ý muốn hay không…Vì vậy, để CBGV sẵn sàng đón nhận và ủng hộ sự thay đổi thì việc tạo dựng niềm tin cho họ là rất quan trọng. Muốn vậy, lãnh đạo nhà trường cần phải làm cho GV tin tưởng rằng họ điều khiển

được các quyết định gây ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của mình và họ đang nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng và từ cấp trên.

* Phải thay đổi bản thân trước khi yêu cầu người khác thay đổi

Để dự án thay đổi CTĐT thành công, lãnh đạo nhà trường cần phải tham gia cùng với đội ngũ CBVC. Đừng để CBVC nghĩ rằng sự thay đổi chỉ dành cho nhân viên chứ không phải dành cho đội ngũ cán bộ quản lý. Nên lãnh đạo bằng cách nên gương, thể hiện sự cam kết của lãnh đạo nhà trường đối với nguyên tắc thay đổi và với chương trình thay đổi: sẵn sàng thực hiện những điều nhà quản lý đã nói, chủ động tham gia thảo luận và thực hiện. Sự tham gia toàn tâm toàn ý của nhà quản lý sẽ là tấm gương động viên, khích lệ tinh thần của đội ngũ GV. Những lời nói và hành động của lãnh đạo nhà trường giúp củng cố niềm tin của GV vào thắng lợi cuối cùng của chương trình thay đổi và tăng cường sự cam kết của GV với dự án thay đổi.

* Nguyên tắc phù hợp thích ứng: Thay đổi phải phù hợp với điều kiện, nguồn

lực và trạng thái đang có của đơn vị, phù hợp với văn hóa của đơn vị mình. Thay đổi cũng phải phù hợp với khả năng quản lý của lãnh đạo nhà trường, bởi như Lênin đã nói: “Không thể nào QL nếu không am hiểu thông thạo công việc, không thể nào QL nếu không có tri thức đầy đủ về khoa học quản lý”

* Thay đổi phải đảm bảo tính kế thừa và phát triển: đừng “phủ nhận sạch trơn” và coi trọng “lịch sử để lại”. Thay đổi trong giáo dục/nhà trường có độ trễ so với trong các lĩnh vực khác. Hơn nữa, lợi ích của giáo dục/ nhà trường liên quan đến nhiều phía và đa chiều nên cần cân nhắc đến sự kế thừa và phát triển, chỉ ”phủ định cái phủ định” chứ đừng ”phủ định sạch trơn”. Sự thay đổi không thể diễn ra nhanh hơn khả năng tổ chức có thể hấp thụ. Không xáo trộn nếu sự xáo trộn đó không thật sự cần thiết.

* Phải đảm bảo “cân bằng động” trong thực hiện sự thay đổi.

Dưới góc nhìn của tiếp cận hệ thống, giáo dục muốn tồn tại và phát triển phải luôn giữ được “cân bằng động” với các yếu tố khác của xã hội và ở đây hệ thống giáo dục phải là một hệ tự điều chỉnh. Nếu hệ thống giáo dục không giữ vai trò đi

trước một bước sẽ không phát huy hết vai trò của mình trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tất nhiên, đến lượt mình nếu các yếu tố khác của xã hội không tạo điều kiện cho giáo dục phát triển thì cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình cải biến xã hội. Quản lý sự thay đổi trong giáo dục nói chung và nhà trường nói riêng thực chất là duy trì “cân bằng động” giữa yêu cầu của kinh tế - xã hội với chuẩn đầu ra của sản phẩm đào tạo của các nhà trường khi yêu cầu của kinh tế - xã hội luôn luôn thay đổi.

Một phần của tài liệu thực trạng quản lý sự thay đổi chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở trường đại học sư phạm thể dục thể thao thành phố hồ chí minh (Trang 41 - 43)