Những tác nhân gây ra sự thay đổi chương trình đào tạo

Một phần của tài liệu thực trạng quản lý sự thay đổi chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở trường đại học sư phạm thể dục thể thao thành phố hồ chí minh (Trang 33 - 35)

1.3. Thay đổi chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ

1.3.2.Những tác nhân gây ra sự thay đổi chương trình đào tạo

Do sự phát triển không ngừng của điều kiện kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt là sự phát triển công nghệ, các CTĐT của một trường chịu áp lực

đáng kể để thay đổi từ tình hình hiện tại của nó. Các tác nhân gây ra sự thay đổi CTĐT bao gồm:

* Môi trường xã hội – chính trị

Thay đổi CTĐT trong các trường đại học phản ánh những thay đổi trong xã hội nói chung. Nhiều thay đổi xã hội có thể có một tác động đáng kể vào CTĐT. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi giáo dục có chức năng chính trị - xã hội và một trong những tính chất quan trọng của giáo dục đó là tính chính trị. Điều này đã buộc các trường phải thay đổi CTĐT, định hướng đối tượng và sản phẩm đào tạo như một cách để cố gắng đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang ra sức đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, giáo dục đại học vì vậy phải tập trung thay đổi trong việc giảng dạy các môn khoa học theo định hướng của con người xã hội chủ nghĩa.

* Môi trường kinh tế

Những thay đổi kinh tế có ảnh hưởng quan trọng về giáo dục của một quốc gia. Những thay đổi này ảnh hưởng đến CTĐT để cung cấp đủ nguồn nhân lực có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu của địa phương và xã hội toàn cầu. Nó tạo ra nhu cầu lớn hơn cho năng lực cơ bản và định hướng nghề. Quá trình toàn cầu hoá, việc chuyển sang kinh tế thị trường và kinh tế tri thức phát triển đa dạng đòi hỏi nguồn nhân lực phải có khả năng thích ứng và chuyển đổi cao. Giáo dục không chỉ đào tạo những công dân phục vụ đất nước trong thời kỳ mới mà phải tiến tới đào tạo những công dân toàn cầu.

Từ năm 1986, nền kinh tế Việt Nam trải qua một quá trình chuyển đổi cơ cấu từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa và nay là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện nay đang thiếu rất nhiều các năng lực cơ bản cần thiết để đáp ứng những thách thức do những thay đổi cơ cấu kinh tế mới. Việc thay đổi CTĐT theo HTTC nhằm góp phần khắc phục hạn chế này.

* Môi trường công nghệ

Thay đổi công nghệ dẫn đến những thay đổi trong các giá trị và chuẩn mực của xã hội và do đó gây áp lực lớn về chương trình giảng dạy. Những thay đổi này chứng minh cho một thực tế rằng các nền tảng công nghệ mà sản phẩm và dịch vụ được xây dựng ngày càng phức tạp. Quy trình công việc được tổ chức lại và kiến thức mới liên tục được giới thiệu. Điều này làm xuất hiện yêu cầu có những năng lực mới, khả năng sử dụng các nguồn lực và thông tin mang tính xây dựng, khả năng hiểu các hệ thống và công nghệ cũng như sự linh hoạt để đối phó với sự thay đổi tại nơi làm việc. Thực tế hiện nay, Việt Nam đã gia nhập vào nền kinh tế quốc tế, trở thành một phần của nền kinh tế toàn cầu có nghĩa là các doanh nghiệp phải thích ứng với những thay đổi cơ cấu cần thiết. Tất cả những thay đổi này cần phải đánh giá liên tục để đảm bảo rằng các chương trình đào tạo và nội dung của các đối tượng được cung cấp trong các trường học có thực sự phù hợp và trang bị cho học viên phải đối mặt với những thách thức tại nơi làm việc.

Như vậy, mọi thay đổi đều nảy sinh dưới tác động của những tiến bộ khoa học

và công nghệ, các tác nhân xã hội và các yếu tố kinh tế. Giáo dục luôn cần đảm bảo mối “cân bằng động” với sự phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn nhất định, do đó giáo dục phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu xã hội luôn thay đổi. Nếu chúng ta quan niệm rằng đào tạo cũng là một loại hình dịch vụ trong đó sản phẩm là những con người đáp ứng được những yêu cầu về nhân lực có trình độ cao của xã hội thì rõ ràng việc thay đổi CTĐT theo HTTC hiện nay là một yêu cầu cấp bách.

Một phần của tài liệu thực trạng quản lý sự thay đổi chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở trường đại học sư phạm thể dục thể thao thành phố hồ chí minh (Trang 33 - 35)