Trong bối cảnh ngân hàng sau loạt biến cố về các sự vụ liên quan tới các cá nhân trong Hội đồng quản trị, sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước và các chỉ thị liên quan đến việc tái cơ cấu Ngân hàng…, niềm tin của phần lớn khách hàng, cổ đông và người lao động với thương hiệu của ngân hàng sẽ bị sụt giảm. Bài toán đặt
ra cho công tác truyền thông thương hiệu là làm sao để chấn an tâm lý và duy trì sự tin tưởng của các nhóm công chúng mục tiêu.
Theo đó, công tác truyền thông trực tiếp tới khách hàng cần được huy động triển khai liên tục và nỗ lực tăng cường tương tác với khách hàng trên các kênh như email, sms, facebook fanpage, website,…đây là các kênh truyền thông tốn ít chi phí, có khả năng tiếp cận tới từng khách hàng,…do vậy việc sử dụng các kênh truyền thông này trong thời điểm nhạy cảm là tối ưu về chi phí và đảm bảo độ tin cậy của thông tin khi đưa ra công chúng.
Về nội dung, thường xuyên đẩy tin cập nhật sự ổn định và hoạt động bình thường của Ngân hàng, xen kẽ các thông tin cảm ơn khách hàng và cam kết về bảo toàn giá trị lợi ích cho mỗi khách hàng trong mọi hoàn cảnh. Về tần suất, triển khai hàng ngày, có sự phối hợp giữa các kênh nhằm đảm bảo tất cả khách hàng đều tiếp nhận được thông tin ít nhất từ một nguồn tin cậy.
Bên cạnh khách hàng, truyền thông nội bộ cho đội ngũ CBNV cũng cần được chú trọng trong thời gian này. Để ổn định hệ thống nhân sự trong thời điểm khó khăn cần nhiều yếu tố, công tác truyền thông giai đoạn hậu khủng hoảng có ý nghĩa quan trọng trong việc bình ổn tâm lý và lòng tin của nhân sự đối với Ngân hàng. Bên cạnh các chính sách, chủ trương về cắt giảm nhân sự, thì việc duy trì bộ máy, giữ lại nhân sự nòng cốt cần có sự phối hợp với các phòng ban chức năng để có phương án truyền thông phù hợp với từng đối tượng. Điều này đòi hỏi truyền thông nội bộ phải có những động thái tích cực và liên tục để giữ lửa cho toàn đội ngũ cũng như khơi dậy tinh thần đoàn kết của toàn hệ thống.