Nhân tố bên trong

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ DH THƯƠNG MẠI Phát triển truyền thông thương hiệu Ngân hàng TMCP Đại Dương (Trang 34)

Nhân tố bên trong đồng thời là các yếu tố nền tảng tạo nên giá trị cốt lõi cho thương hiệu. Các yếu tố này thể hiện mức độ quan tâm của doanh nghiệp tới thương hiệu cũng như định hướng phát triển thương hiệu.

Các nhân tố bên trong ảnh hưởng tới truyền thông thương hiệu gồm:

Chiến lược thương hiệu: là nhân tố quan trọng quyết định hướng đi cho hoạt động truyền thông thương hiệu. Chiến lược thương hiệu hay định hướng phát triển

kinh doanh của doanh nghiệp chỉ ra mục tiêu mà doanh nghiệp cần đạt được thông qua các nỗ lực truyền thông. Tùy vào từng thời kỳ, doanh nghiệp có chiến lược ổn định vị thế cho thương hiệu, hoặc mở rộng thương hiệu (như tái cơ cấu, sát nhập, nhượng quyền hoặc xuất khẩu hàng hóa…) hoặc chiến lược nâng tầm thương hiệu để thu hút đầu tư,…theo đó, nhiệm vụ của hoạt động truyền thông thương hiệu cũng sẽ khác nhau. Chiến lược thương hiệu càng rõ ràng, lộ trình càng cụ thể thì hoạt động truyền thông thương hiệu càng được thực hiện dễ dàng và hiệu quả cao. Ngược lại, không ít các doanh nghiệp vẫn loay hoay với bài toán thương hiệu, không có chiến lược dài hạn và không xác lập mục tiêu định vị,…dẫn đến các hoạt động truyền thông thương hiệu mang tính tự phát, thời vụ theo các sự kiện hoặc đầu tư dàn trải cho các kênh truyền thông mà không thu được hiệu quả tương xứng.

Các ngân hàng vốn dĩ chặt chẽ trong từng món chi tiêu, trong đó có truyền thông thương hiệu. Song tại Việt Nam, không phải ngân hàng nào cũng có chiến lược phát triển thương hiệu, nên đâu đó vẫn có những khoản đầu tư cho truyền thông lãng phí và không mang lại hiệu quả cho thương hiệu của các nhà băng.

Nền tảng sản phẩm/dịch vụ: Đó là chất lượng sản phẩm, đặc tính ưu việt và những tiện ích dành cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ. Chỉ khi sản phẩm/dịch vụ đảm bảo về chất lượng và doanh nghiệp không ngừng cải tiến, nâng cao giá trị cho sản phẩm/dịch vụ của mình thì khi đó những nỗ lực truyền thông thương hiệu mới thực sự có ý nghĩa và hỗ trợ tốt cho hoạt động kinh doanh. Những nỗ lực mang lại cảm nhận tốt về thương hiệu đều nhằm mục đích dẫn khách hàng tới hành vi tiêu dùng sản phẩm/dịch vụ, nếu nhu cầu của họ không được thỏa mãn thì tất yếu cảm nhận về thương hiệu sẽ thay đổi và khách hàng sẽ mất đi niềm tin với các nỗ lực truyền thông sau đó của doanh nghiệp và ngược lại.

Những năm về trước, phần lớn khách hàng cá nhân không hài lòng khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ của Ngân hàng Agribank. Sản phẩm không có tính mới, không ứng dụng công nghệ, không bắt kịp xu thế thời đại (không internet banking, không mobile banking,…), dịch vụ hỗ trợ khách hàng phiền toái, chậm trễ,…tất cả tạo nên thái độ bất mãn của nhiều khách hàng khi thực hiện giao dịch tại ngân hàng

này. Trái ngược với hình ảnh thương hiệu ngân hàng phục vụ bà con, ngân hàng gần dân nhất và thấu hiểu người dân nhất…các sản phẩm/dịch vụ của Agribank đã không làm tốt vai trò của mình dẫn đến hình ảnh về thương hiệu này giảm sút đáng kể trong lòng công chúng.

Nguồn nhân lực: góp phần tạo nên hình ảnh và giá trị cho thương hiệu. Không ít thương hiệu nổi danh bởi sở hữu những cá nhân xuất chúng, hoặc một tập thể đoàn kết với bản sắc riêng về văn hóa trong nội bộ doanh nghiệp. Đó chính là tài sản quyết định giá trị cốt lõi cho thương hiệu. Năng lực của nhà lãnh đạo cấp cao quyết định chiến lược, đường lối cho thương hiệu; Năng lực của đội ngũ triển khai truyền thông quyết định mức độ hiện thực hóa các chiến lược. Phát triển nguồn nhân lực về chất và lượng chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của doanh nghiệp để đảm bảo sự thành công cho thương hiệu của mình.

Nếu như trước đây các ngân hàng chủ yếu sử dụng các đối tác bên ngoài đảm nhận công tác truyền thông thương hiệu, vừa tốn chi phí, vừa khó kiểm soát…thì những năm gần đây, nhiều ngân hàng đã chú trọng tuyển dụng và xây dựng đội ngũ chuyên môn thực hiện chức năng quản trị thương hiệu để chủ động trong công tác triển khai và đánh giá hiệu quả truyền thông. Các ngân hàng dần đưa vào cơ cấu tổ chức mô hình trung tâm truyền thông, hoặc phòng truyền thông, hoặc trung tâm marketing, hoặc khối marketing,…để đảm nhận vai trò là đơn vị chuyên trách về hoạt động truyền thông marketing, truyền thông thương hiệu. Việc tuyển chọn đội ngũ này cũng rất được chú trọng, hầu hết đòi hỏi trình độ tối thiểu là cử nhân kinh tế các chuyên nghành liên quan đến marketing, báo chí, …và kinh nghiệm làm việc không dưới 01 năm đối với vị trí chuyên viên, 03 năm đối với các vị trí quản lý.

Nguồn lực tài chính: quyết định mức ngân sách dành cho hoạt động truyền thông, phát triển thương hiệu. Với nguồn lực tài chính ổn định, hoạt động truyền thông thương hiệu sẽ đảm bảo tính dài hạn, liên tục và thuận lợi trong các tình huống ứng phó những biến cố bất ngờ. Hoạt động truyền thông thương hiệu được xem là hoạt động tốn kém với nhiều khoản chi. Mặc dù các hạng mục truyền thông luôn có dự trù kinh phí cụ thể, song thực tế triển khai luôn có phát sinh ngoài kế

hoạch. Khi doanh nghiệp sẵn sàng về tài chính, sẽ thuận lợi trong việc kiểm soát được các hiệu ứng có khả năng gây ảnh hưởng tới uy tín của thương hiệu.

Cơ sở hạ tầng: là nền tảng về công nghệ, thiết bị, và hệ thống thông tin …, cho phép thực hiện truyền thông với chất lượng cao nhất và hiệu quả tối đa.

Các yếu tố khác: như bề dày kinh nghiệm, bí quyết kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp hay các điều kiện về mối quan hệ với báo giới, với các tổ chức uy tín,…cũng có ảnh hưởng nhất định tới hiệu quả truyền thông thương hiệu.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ DH THƯƠNG MẠI Phát triển truyền thông thương hiệu Ngân hàng TMCP Đại Dương (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w