Những hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ DH THƯƠNG MẠI Phát triển truyền thông thương hiệu Ngân hàng TMCP Đại Dương (Trang 96)

Lợi thế về nền tảng chiến lược và định hướng đúng đắn, song việc phát triển truyền thông thương hiệu của OceanBank vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục.

Sử dụng kênh truyền thông kém hiệu quả: nhiều chương trình truyền thông được thực hiện với mặc định các kênh truyền thông thường dùng, đặc biệt là kênh nội bộ. Việc sử dụng tối đa các kênh truyền thông trong nhiều trường hợp không phát huy tác dụng và gây lãng phí nguồn lực. Mặc dù có sự chọn lọc kênh khi sử dụng trong từng kế hoạch truyền thông, song càng ngày việc lệ thuộc vào các kênh hiện có càng được thể hiện rõ nét. Các chiến dịch truyền thông của OceanBank có dấu hiệu nhạt nhòa dần, thiếu sự đột phá về kênh. Bên cạnh đó, việc triển khai truyền thông trên các kênh cũng thường có độ trễ nhất định, dẫn tới hiệu ứng về truyền thông không được đồng loạt và nhiều khi mất đi tính thời sự của sự kiện. Việc phân bổ nguồn lực (chủ yếu là ngân sách) trên các kênh cũng phụ thuộc vào ngân sách của chương trình nên bị hạn chế về tần suất, vị trí, khung giờ,…không đảm bảo được phương án truyền thông tối ưu cho từng chiến dịch.

Một trong những bất cập của hoạt động phát triển truyền thông thương hiệu OceanBank chính là việc quy hoạch các kênh truyền thông nội bộ. Cụ thể là quy hoạch mặt tiền quảng cáo tại các điểm giao dịch đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Nhiều điểm giao dịch treo đặt quảng cáo không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, nhiều vật phẩm bị bạc màu, rách,…không được thay thế kịp thời,…mặt tiền của nhiều đơn vị không đảm bảo được tính thẩm mỹ theo đúng nhận diện của thương hiệu. Tình trạng này đang ảnh hưởng trực tiếp tới cảm nhận của khách hàng, công chúng về thương hiệu OceanBank.

Bên cạnh đó, nhiều kênh truyền thông đang được sử dụng thiếu sự đo lường và đánh giá, như email nội bộ, email marketing, sms,…những kênh truyền thông này được tận dụng cho hầu hết các chương trình truyền thông, song sử dụng với mục đích phủ sóng thông tin. Hiệu quả từ các kênh này đến nay chưa có phương án đo lường và đánh giá. Bởi vậy, phương án triển khai không có gì đổi mới, cải biến để tăng tính hiệu quả cho những kênh truyền thông nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng.

Quá nhiều chương trình tương tự và quá rối về thông điệp truyền thông: Với mong muốn đẩy mạnh truyền thông, OceanBank liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi, ra mắt sản phẩm mới, …điều này dẫn tới hệ quả là trong cùng thời

điểm, khách hàng được tiếp nhận rất nhiều thông tin, mỗi chương trình được gắn kèm với một thông điệp, một hình ảnh khác nhau,…và của những chương trình na ná nhau. Việc nhiễu thông tin, lẫn lộn thông tin là điều khó tránh khỏi trong trường hợp này, tất yếu hiệu quả truyền thông cho mỗi chương trình sẽ suy giảm. Ví dụ Thẻ visa với loạt chương trình Quẹt thẻ khắp nơi du ngoạn thế giới, Quẹt thẻ visa mua sắm thả ga, Quẹt thẻ rồi so trúng to độc đắc, …hoặc các chương trình thi đua của nhóm thẻ ghi nợ Đường đua tỷ phú, vòng đua rực lửa, triệu phú OceanBank,… Mặc dù những nỗ lực trong việc sáng tạo thông điệp truyền thông, làm mới chương trình là điều đáng ghi nhận, song việc truyền thông liên tục các chương trình tương tự đã và đang gây hiệu quả ngược cho các chương trình truyền thông của OceanBank. Có khách hàng nhớ lẫn lộn các chương trình, có khách hàng không quan tâm, cũng có những khách hàng nhớ sai thông điệp,…Đây thực sự là vấn đề lớn mà Ocean Bank cần khắc phục trong thời gian tới.

Công tác đo lường, đánh giá hiệu quả truyền thông thương hiệu còn thiếu và yếu: Hiện OceanBank đã có bộ phận nghiên cứu thị trường với 03 nhân sự, thực hiện nhiệm vụ đo lường kết quả truyền thông cho các chương trình đã triển khai. Tuy nhiên, bộ phận này chưa có đủ cơ sở hạ tầng để thực hiện đánh giá đúng hiệu quả cho các hoạt động truyền thông. Các cuộc khảo sát mới dừng lại ở quy mô nhỏ, đơn giản, và chưa đưa ra được các giải pháp có tính khả thi cao. OceanBank cũng đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường như Nielsen, song vấn đề chi phí quá cao dẫn đến các dự án nghiên cứu còn ở tình trạng kế hoạch chờ thực hiện, và các báo cáo từ Nielsen chưa có kết quả chuyên biệt dành riêng cho thương hiệu OceanBank. Bởi vậy, việc đo lường kết quả truyền thông thương hiệu chỉ mới dừng lại ở con số ước chừng của các đối tác theo từng kênh truyền thông.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ DH THƯƠNG MẠI Phát triển truyền thông thương hiệu Ngân hàng TMCP Đại Dương (Trang 96)