Công cuộc cải cách thể chế TTHC ở Hàn Quốc được bảo đảm trước hết ở quyết tâm chính trị của người đứng đầu Nhà nước và việc thành lập cơ quan chuyên trách rà soát và kiểm soát việc ban hành TTHC; cơ quan này có những thẩm quyền mạnh mẽ, trực thuộc Phủ Tổng thống. Năm 2003 Tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc đã công bố một Báo cáo về quá trình cải cách thể chế, trong đó khẳng định: “Cải cách thể chế không phải là loại bỏ các quy định một cách vô lối mà là hợp lý hóa quy định với cách tiếp cận chú trọng chất lượng hơn là số lượng”. Tuyên bố của Tổng thống đã đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ công cuộc cải cách, chuyển từ phương pháp tiếp cận tập trung vào số lượng sang tập trung vào chất lượng thể chế. Điều này cũng phù hợp với định hướng cải cách thể chế ở hầu hết các nước OECD. Tuyên bố này cũng thể hiện sự ủng hộ chính trị và cam kết ở cấp cao nhất đối với quá trình cải cách.
Với định hướng và quyết tâm trên, Hàn Quốc đã có nhiều tiến bộ quan trọng trong việc đơn giản hóa và làm rõ các quy định thủ tục, loại bỏ các quy định không cần thiết, lạc hậu, cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý thuộc Bộ và giữa các Bộ trong giải quyết TTHC. Chính phủ cũng thực hiện một số hành động nhằm nâng cao sức cạnh tranh và trách nhiệm giải trình của hệ thốnghành chính.
Trong việc rà soát các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Hàn Quốc quy định cơ quan cải cách thể chế phải tiến hành kiểm tra văn bản để tìm ra những hướng dẫn hay tuyên bố có thể hạn chế quyền và tự do của công dân mà chưa được ban hành tại một luật có hiệu lực. Năm 2005, Bộ Luật pháp Chính phủ (MOLEG) đã công bố “Hướng dẫn về minh bạch hóa hành động tùy ý”, nhằm cải thiện những luật mơ hồ và mở ra cơ hội làm rõ các luật đó. Ngoài ra, MOLEG đã rà soát tất cả các luật có chứa quyền tự quyết hành chính trong giai đoạn 2005-2007, mục đích là tìm ra và giảm thiểu mức độ tùy tiện trong giải thích pháp luật. Đồng thời, MOLEG đã xây dựng một cẩm nang về giải thích pháp luật dành cho các cơ quan quản lý và công chức.