Khái niệm thực hiện pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay (Trang 40)

Thực hiện pháp luật là nội dung quan trọng của lý luận chung về nhà nước và pháp luật, là giai đoạn quan trọng không thể thiếu của cơ chế điều chỉnh pháp luật. Điều đó có lý do bởi pháp luật chỉ có thể phát huy được vai trò và những giá trị của mình trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, duy trì trật tự và tạo điều kiện cho xã hội phát triển khi nó được tôn trọng và thực hiện đầy đủ, nghiêm minh trong cuộc sống.

Thực hiện pháp luật là quá trình các tổ chức, cá nhân và các chủ thể pháp luật nói chung trên cơ sở nhận thức của mình, có các hành vi ứng xử thực tế và hợp pháp, phù hợp với mục đích, nội dung và yêu cầu của quy phạm pháp luật; đó là quá trình chuyển hóa quy tắc xử sự chung vào tình huống cụ thể bằng những hành vi cụ thể, hợp pháp.

Mục đích của thực hiện pháp luật là hiện thực hoá các quy định pháp luật trong thực tế đời sống thông qua các hoạt động có ý thức của chủ thể pháp luật nhằm đạt được những mục đích nhất định vì lợi ích của mỗi thành viên, cũng như của cả cộng đồng xã hội. Thực hiện pháp luật còn có ý nghĩa là phương pháp để kiểm chứng tính đúng đắn, khách quan và giá trị của pháp luật. Thông qua thực hiện pháp luật có thể phát hiện và làm rõ những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật và đưa ra những giải pháp để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật hiện hành, từđó phát huy được vai trò của pháp luật trong cuộc sống. Pháp luật được thực hiện nghiêm minh sẽ tạo ra trật tự cần thiết để các quan hệ xã hội tồn tại và phát triển theo những định hướng, mong muốn có lợi cho xã hội, cho nhà nước, cũng như cho mỗi tổ chức và cá nhân.

Thực hiện pháp luật là một quá trình bao gồm nhiều giai đoạn, nhiều hình thức, cách thức và quy trình khác nhau và do nhiều chủ thể thực hiện bằng những hành vi cụ thể. Để thực hiện pháp luật có chất lượng và hiệu quả thì cần có những giải pháp đồng bộ và phải chú trọng đến các yếu tố như tính chất, đặc điểm, nội dung và yêu cầu của mỗi loại quy phạm pháp luật, mỗi quy phạm pháp luật, ý thức, trình độ, năng lực của chủ thể thực hiện pháp luật, những điều kiện hoàn cảnh cụ thểđể tổ chức thực hiện pháp luật.

Tóm lại, thực hiện pháp luật là hoạt động có mục đích nhằm hiện thực hoá các quy định của pháp luật, làm cho chúng đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật.

Thực hiện pháp luật về giải quyết TTHC là thực hiện một bộ phận quy phạm pháp luật cụ thể, vì vậy nó cũng mang những đặc điểm của thực hiện pháp luật nói chung đồng thời có những đặc điểm riêng. Từ khái niệm chung về thực hiện pháp luật nêu trên, căn cứ vào những đặc điểm, nội dung của pháp luật về giải quyết TTHC có thể quan niệm thực hiện pháp luật về giải quyết TTHC như sau: Thực

hiện pháp luật về giải quyết TTHC là quá trình các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết TTHC, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết TTHC tiến hành các hành vi cụ thể, hợp pháp, phù hợp với nội dung, yêu cầu của các quy phạm pháp luật về giải quyết TTHC nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Về hình thức, thực hiện pháp luật về giải quyết TTHC là hình thức áp dụng pháp luật chỉ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành trong trường hợp tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết TTHC để thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, áp dụng pháp luật trong giải quyết TTHC là hình thức áp dụng pháp luật đặc thù bởi các chủ thể áp dụng pháp luật cũng là chủ thể giải quyết TTHC không chỉ tuân theo trình tự, cách thức mà quy phạm thủ tục quy định, mà còn phải thực hiện nghiêm nội dung yêu cầu của quy phạm pháp luật về giải quyết TTHC.

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)