- Miêu lệ: Thời Thanh cách gọi Miêu Cương là phiếm chỉ khu vực Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, Quảng Châu và Hồ Nam, là các tỉnh mà dân tộc Miêu phân bố Cách
108 Ví dụ như điều 348: Lăng mạ sứ thần và trưởng quan sở tạ i, điều 349: Quan tá chức và quan Thống thuộc
3.1.6. Pháp luật triều Thanh chứa đựng nhiều yếu tố dân tộc đặc sắc.
Mặc dù luật Thanh đã tiếp thu rất nhiều yếu tố pháp luật Nho giáo của Hán tộc, nhưng trong quá trình xây dựng và phát triển từ pháp luật chiếm hữu nô lệ tiến lên pháp luật phong kiến, pháp luật triều Thanh vẫn bảo lưu nhiều yếu tố riêng của Mãn tộc. Đồng thời, xuất phát từ thực tiễn, để phù hợp với việc cai trị và đảm bảo sự thống nhất của quốc gia đa dân tộc, triều Thanh rất chú trọng xây dựng pháp luật điều chỉnh các quan hệ ở khu vực dân tộc thiểu số. Điều này khiến cho pháp luật triều Thanh có đặc trưng nổi bật đó là tính dân tộc đặc sắc.
Ngay từ thời kì đầu, mặc dù nhận thức được tính tất yếu của việc tiếp thu nền văn minh chính trị pháp lý tiên tiến của Hán tộc, nhưng các vị hoàng đế đầu triều Thanh vẫn luôn hiểu sâu sắc rằng, việc tiếp thu đó phải phù hợp với nhu cầu cai trị và phù hợp với dân tộc Mãn, đồng thời phải bảo lưu những giá trị của dân tộc mình. Không phải ngẫu nhiên một ông vua xuất sắc như Hoàng Thái Cực lại đưa ra tư tưởng “tham Hán chước Kim” để chỉ đạo hoạt động lập pháp của vương triều. Tư tưởng này đã được thực hiện rất hiệu quả ở giai đoạn đầu, và đã khiến cho nền pháp luật triều Thanh có được những sắc thái đặc biệt mà giai đoạn sau không có được. Mặc dù giai đoạn sau, yếu tố “tham Hán” có phần trở lên vượt trội và chi phối so với yếu tố “chước Kim”, nhưng dù vậy, tư tưởng này vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiến lập và hoàn thiện nền pháp chế triều Thanh.
- Tính dân tộc đặc sắc trong pháp luật triều Thanh thể hiện trước tiên ở việc bảo lưu rất nhiều các tập quán pháp của dân tộc Mãn Châu cũng như các dân tộc thiểu số khác. Đồng thời cũng thể hiện trong những quy định pháp luật mang tính riêng biệt, phù hợp với phong tục tập quán từng dân tộc. Tập quán pháp là một hình thức pháp luật đầu tiên và chiếm một vai trò đặc biệt quan trọng trong thời kì đầu khi nhà nước của một dân tộc được thành lập. Dân tộc Mãn Châu khi mới thành lập nhà nước Hậu Kim, trong việc xây dựng pháp luật với tư cách là công cụ để quản lí và điều hành xã hội vẫn lựa chọn và bảo lưu rất nhiều phong tục tập quán của dân tộc mình và nâng nó lên trở thành pháp luật. Sau này, trong quá trình phát triển bộ phận tập quán pháp này vẫn được bảo lưu rất nhiều trong hệ thống pháp luật triều Thanh. Đó vừa xuất phát từ nhu cầu cai trị xã hội, vừa là sự thể hiện tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của các vị hoàng đế triều Thanh, là kết quả của việc thực hiện tư tưởng “Tham Hán chước Kim”. Đó cũng là lí do vì sao chúng ta hiểu và lí giải được trong thời kì đầu, mặc dù luật Thanh tiếp thu “Thập ác” trong luật Minh, nhưng lại bỏ “Bát nghị”, tại sao lại cho phép nô bộc tố cáo gia chủ, không theo phục chế định tội, không thực hiện trách nhiệm liên đới đối với những người trong dòng tộc phạm tội, trảm quyết phạm nhân không cần chờ
thời tiết, cha mẹ biệt tích mà chia tài sản thì không bị tội….Giai đoạn sau, khi những
yếu tố của pháp luật phong kiến Hán tộc ảnh hưởng sâu sắc hơn và toàn diện hơn tới nội dung pháp luật, mặc dù vậy, nhiều yếu tố pháp luật của dân tộc Mãn vẫn được bảo lưu. Ví dụ, trong quy định về chế độ thừa kế, việc chia đều tài sản cho các con trai không phân biệt là con của vợ chính, vợ thứ, thiếp, nô tì, nàng hầu…chính là một trong những tập quán trước đây của dân tộc Mãn. Hay những hình phạt, như hình phạt “chiết hình”: chiết phạt súc vật, chiết phạt vòng cấm…đều là những hình phạt thi hành theo tập quán trước đây. Đặc biệt là những quy định pháp luật hoàng tộc chứa dựng rất nhiều yếu tố khác so với chế độ pháp luật truyền thống của người Hán. Chế độ tước phong trong tôn thất mặc dù học theo người Hán nhưng bảo lưu nhiều đặc sắc dân tộc. Tước phong của Tôn thất triều Thanh gồm 14 bậc là: Hòa Thạc Thân Vương, Thế Tử, Đa La Quận Vương, Trưởng tử, Đa La Bối Lặc, Cố Sơn Bối Tử, Phụng Ân Trấn Quốc Công, Phụng Ân Bổ Quốc Công, Bất Nhập Bát Phận Trấn Quốc Công, Bất Nhập Bát Phận Bổ Quốc Công, Trấn Quốc Tướng Quân, Bổ Quốc Tướng Quân, Phụng Quốc Tướng Quân, Phụng Ân Tướng Quân, cách gọi tên các tước phong đều theo tên của người Mãn….Trong hôn nhân, mặc dù thừa nhận và cổ vũ chế độ đa thê nhưng pháp
luật hoàng thất lại quy định số vợ lẽ, thiếp mà những người trong hoàng thất được lấy tùy theo tước phong…
Bên cạnh đó, trong cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước, mặc dù về cơ bản học theo cách thức tổ chức của triều Minh, nhưng vẫn bảo lưu nhiều yếu tố của người Mãn, đặc biệt là cơ cấu tổ chức quyền lực của Bát Kỳ và Lí Phiên Viện. Bát Kỳ là là cơ cấu tổ chức được thiết lập từ thời kỳ triều Thanh khai quốc, xây dựng trên cơ sở tổ chức Ngưu Lục, là tổ chức săn bắn có từ lâu đời của dân tộc Nữ Chân mà phát triển hoàn thiện. Cơ cấu này sau khi vào Trung Nguyên vẫn được triều Thanh bảo lưu bên cạnh cơ cấu hành chính lãnh thổ học theo triều Minh. Những quy định về cơ cấu tổ chức, hoạt động của Bát Kỳ là một điểm đặc sắc trong pháp luật hành chính của triều Thanh. Ở các khu vực dân tộc thiểu số khác, lần đầu tiên triều Thanh đã thiết lập một cơ quan chuyên trách quản lí mọi mặt công việc các dân tộc thiểu số là Lí Phiên Viện, đồng thời xây dựng một bộ tắc lệ chuyên biệt quy định về chức năng, cách thức tổ chức và làm việc của cơ quan này, đó là bộ “Lí Phiên Viện tắc lệ”. Đây là một bước tiến đồng thời cũng là một thành tựu quan trọng trong chế độ pháp luật triều Thanh mà các triều đại trước đó không có được. Nó góp phần quan trọng trong việc quản lý các dân tộc ở vùng biên, đảm bảo sự ổn định của quốc gia đa dân tộc, nhưng cũng tạo nên sự đặc sắc trong pháp luật Mãn Thanh.
Với các dân tộc thiểu số khác, đặc biệt là các dân tộc thiểu số vùng biên cương, triều Thanh đã tăng cường sự khống chế thông qua việc xây dựng một hệ thống pháp luật dân tộc. Để nâng cao hiệu quả ràng buộc và quản lí, trong chế độ pháp luật, triều Thanh đã kết hợp một cách mềm dẻo giữa pháp luật nhà nước và tập quán của các dân tộc, thực hiện phương châm “nhân tục chế nghi, Hoa Di bính dụng”, “Nhân địa chế nghi, duyên lệ vi trị” (tùy phong tục mà quy định chính sách phù hợp, sử dụng đồng thời cả luật Hán và luật của các dân tộc thiểu số; tùy khu vực mà có chính sách khác nhau, dựa theo tập quán để cai trị). Đồng thời với việc tăng cường quản lý các dân tộc thiểu số bằng các cơ quan quản lý nhà nước và chế tài pháp luật như thiết lập Lí Phiên Viện quản lý công việc chung, còn đặt ở mỗi khu vực một Đại thần trực tiếp quản lý công việc từng dân tộc (như Trú Tạng Đại Thần chuyên quản lý ở khu vực Tây Tạng, Ninh Hải Biện Sự đại thần chuyên quản lý khu vực Thanh Hải)… Triều Thanh còn bảo lưu những thiết chế quản lý xã hội của các dân tộc thiểu số trước đây và thể hiện vai trò của mình thông qua việc quy định về chức năng, quyền hạn, cách thức tổ chức và làm việc cũng như nắm quyền bổ nhiệm các quan lại cao cấp ở các khu vực dân tộc
thiểu số, quy định chế độ tước phong đối với quan lại ở khu vực này. Điển hình như, ở khu vực Tây Tạng, mặc dù vẫn duy trì Đạt La Lạt Ma nhưng triều đình đã quy định cụ thể quyền hạn, chức năng, hoạt động, thậm chí còn pháp luật hóa chế độ kế thừa ngôi vị Đạt La Lạt Ma. Việc phong tước cho quan lại ở các khu vực này cũng quy định theo lệ phong vương công của Mông Cổ. Những tranh chấp thông thường phát sinh giữa những người cùng một dân tộc thiểu số thì xử theo lệ của dân tộc đó mà không xử theo những quy định pháp luật của nhà nước…Để thuận lợi cho việc cai trị, ổn định vùng biên cương và tăng khả năng ràng buộc, triều Thanh còn thực hiện chính sách “chính giáo hợp nhất” (chính trị và tôn giáo hợp nhất), tức là sử dụng những thiết chế tôn giáo ở các khu vực dân tộc thiểu số làm công cụ để quản lý xã hội và coi đó là một cơ quan thực hiện các chính sách của nhà nước, giúp nối dài bàn tay quyền lực của nhà nước tới những vùng biên giới xa xôi. Những điều này cho thấy trong hệ thống pháp luật triều Thanh, mặc dù nổi bật lên là những quy phạm pháp luật mang dấu ấn của pháp luật Nho giáo truyền thống Trung Hoa thì vẫn chứa đựng rất nhiều dấu ấn của pháp luật các dân tộc khác. Nó đã làm cho pháp luật triều Thanh mang thêm dấu ấn riêng và làm cho pháp chế Trung Quốc thêm tính đặc sắc.