Pháp luật triều Thanh tăng cường tính hà khắc, dã man

Một phần của tài liệu Pháp luật Triều Thanh quá trình hình thành, nội dung và đặc điểm (Trang 125)

- Miêu lệ: Thời Thanh cách gọi Miêu Cương là phiếm chỉ khu vực Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, Quảng Châu và Hồ Nam, là các tỉnh mà dân tộc Miêu phân bố Cách

108 Ví dụ như điều 348: Lăng mạ sứ thần và trưởng quan sở tạ i, điều 349: Quan tá chức và quan Thống thuộc

3.1.4. Pháp luật triều Thanh tăng cường tính hà khắc, dã man

Triều Thanh là vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Hoa. Xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử, là vương triều thiết lập vào giai đoạn mạt kì của chế độ phong kiến, khi chế độ phong kiến đang đi đến hồi kết. Thêm vào đó, triều Thanh là vương triều của một dân tộc thiểu số có nền văn minh thấp hơn đi cai trị một dân tộc văn minh lâu đời, chiếm số lượng áp đảo so với dân tộc cai trị. Xuất phát từ yêu cầu chủ quan và khách quan như vậy, để đảm bảo được nền thống trị của vương triều, cũng

như duy trì sự tồn tại của chế độ phong kiến thì cần phải xây dựng một thiết chế quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền mạnh. Thực tế, các hoàng đế triều Thanh đã sớm nhận thức được điều này thông qua các cuộc cải cách, họ đã từng bước thâu tóm quyền lực vào tay mình, xây dựng một nền quân chủ chuyên chế cực đoan.

Bên cạnh việc tiến hành cải cách bộ máy nhà nước theo hướng tập quyền chuyên chế thì trên phương diện pháp luật, để đáp ứng yêu cầu duy trì sự thống trị của dân tộc và vương triều, luật Thanh cũng mở rộng các hình phạt và dùng những hình phạt nặng hơn so với triều Minh.

Trước hết, trong hệ thống hình phạt, triều Thanh bên cạnh tiếp thu hệ thống hình phạt của triều Minh còn đặt thêm các hình phạt mới. Về cơ bản nhà Thanh vẫn dùng phổ biến hệ thống Ngũ hình tiếp thu từ triều Minh nhưng tăng thêm trọng hình. Hình phạt sung quân cũng là hình phạt tiếp thu từ triều Minh, nhưng mức độ hình phạt thì nặng hơn. Nhà Thanh phân hình phạt này thành 5 mức, nhưng mức sung quân thấp

nhất là phụ cận (2000 dặm) cũng đã xa hơn luật Minh (1000 dặm). Ngoài ra, luật

Thanh còn đặt thêm một hình phạt mới là “Phát khiển”, là hình phạt nặng hơn hình phạt Sung quân. Điều đáng nói là việc sử dụng hai hình thức sung quân và phát khiển thay thế cho hình phạt lưu đầy trước đây phổ biến hơn.

Thứ hai, các hình phạt xử tử tàn khốc được sử dụng rất phổ biến. Hình phạt tử theo qui định luật Thanh là xử trảm và giảo, chia thành trảm, giảo lập quyết và trảm, giảo giam hậu. Nhưng luật Thanh cũng quy định thêm các hình thức tử hình khác như lăng trì, chém bêu đầu, lục thi…Lăng trì được đưa vào trong luật từ triều Tống và thực tế

vẫn được dùng từ các triều đại trước. Triều Nguyên quy định về tội danh xử lăng trì có

9 điều. Cho đến triều Minh phạm vi sử dụng rộng hơn có 13 điều liên quan đến tội lăng trì. Triều Thanh ngoài việc tiếp thu cả 13 điều luật đó của triều Minh còn quy định

thêm 9 điều và 13 tội mới áp dụng hình phạt này. Hơn nữa, cách xử lăng trì cũng vô

cùng tàn khốc: phạm nhân bị xử lăng trì đầu tiên bị cắt 2 vú, sau đó cắt 2 vai, tiếp đó cắt lồng ngực, mổ bụng moi ruột gan ra ngoài, chặt làm 3 rồi mới chặt đầu. Theo một nhà nghiên cứu thì xử lăng trì của triều Thanh cắt hơn 3000 nhát dao, cắt dần trong 3 ngày thậm chí người cắt còn phải mặc áo giáp để cắt không được nhanh, gọi là xẻo từng miếng như vẩy cá. Các hình phạt trảm bêu đầu thị chúng, lục thi được sử dụng cũng rất phổ biến, đặc biệt giai đoạn cuối triều Thanh, phạm vi áp dụng ngày càng được mở rộng. Hình phạt chặt đầu đốt xác vứt tro cùng là một hình phạt quan trọng gần như chỉ được sử dụng dưới triều Thanh.

Thứ ba, nhục hình trở thành hình phạt thông dụng và phổ biến. Các hình phạt thích chữ được triều Thanh tiếp thu từ triều Minh nhưng đã có sự phát triển phương pháp thích chữ. Tội phạm lưu đầy, bỏ trốn, trộm cắp…là những tội phải thích chữ. Điều lệ thích chữ cũng khá phức tạp, qui định rõ về vị trí có thể trên mặt, cổ, vai, tay..., dòng thích chữ phải nói rõ lí do, chữ dùng để thích có cả chữ Hán và Mãn. Hình phạt đeo gông ban đầu chỉ dùng như một biện pháp đổi hình áp dụng đối với người Mãn phạm tội nhưng sau đó được dùng phổ biến như một nhục hình, thậm chí còn bắt tội phạm đeo gông giễu khắp thành rồi mới xử tử. Nhìn chung, tính trừng phạt và tính chất làm nhục tội phạm thì nhà Thanh hơn hẳn triều Minh.

Đối với các tội đe dọa đến hoàng quyền và trật tự phong kiến triều Thanh đã tiến một bước tăng cường hơn nữa mức độ cũng như phạm vi trừng phạt những tội này. “Đại Thanh luật lệ” lấy “cấm chỉ bạo loạn”, “tăng cường giáo hóa” làm tôn chỉ, cho nên tất cả các điều khoản bảo vệ trật tự thống trị phong kiến, đẩy mạnh quân chủ chuyên chế trong pháp luật Minh đều được nhà Thanh kế thừa áp dụng. Đặc biệt là đối với các tội mưu phản, mưu bạn, mưu đại nghịch vốn đã được đưa lên hàng đầu trong

“Thập ác tội” nhưng triều Thanh còn xử phạt rất nghiêm khắc. Điều luật “Mưu phản

đại nghịch” luật Minh quy định: “Phàm phạm tội mưu phản kể cả kẻ chủ mưu hay đồng mưu, không phân biệt thủ, tòng tất cả đều xử lăng trì”, nhưng luật Thanh quy

định thêm trong phần tiểu chú : “(đã hành động hay chưa hành động) đều bị xử lăng

trì”. Đồng thời đặt thêm lệ mới: con cháu của tội phạm mưu phản từ 11 đến 15 tuổi đều

bị hoạn đầy đi Tân Cương làm nô cho các quan lại ở đó. Để đề phòng quần chúng nhân dân chống đối và quan lại đại thần có âm mưu phản nghịch, triều Thanh còn mở rộng phạm vi tội mưu phản, mưu đại nghịch: “Những kẻ bất mãn, hòa máu ăn thề, liên kết với thổ hào, bọn côn đồ chợ búa, binh lính nha dịch, kẻ xướng xuất, người hưởng

ứng…” đều xếp vào tội mưu phản. Tội gian đảng, ngoài tiếp thu toàn bộ các điều

khoản của luật Minh, trong “Lại Bộ tắc lệ” luật Thanh còn bổ sung các quy định mới về tội này nhằm hạn chế việc kết bè tạo đảng của quan lại, đe dọa tới vương quyền.

Song hành với việc mở rộng phạm vi trừng phạt các trọng tội, triều Thanh còn đặt ra các tội mới, điển hình nhất là tội “Giang dương đại đạo” (trộm cướp trên sông trên biển), tội lưu hành, buôn bán và hút thuốc phiện. Phạm vi và mức độ trừng phạt tội này cũng ngày càng mở rộng và càng nặng. Ví dụ như tội “Giang dương đại đạo” được đặt ra vào giữa thời Càn Long, nếu như đã cướp được tài sản thì hình phạt là xử trảm lập quyết, đến năm Gia Khánh hình phạt là trảm kiêu, thậm chí còn xử lăng trì.

Tính cực đoan và tính hà khắc của pháp luật triều Thanh còn thể hiện qua việc phạm vi những vụ án “Văn tự ngục” ngày càng mở rộng. Triều Thanh chính là triều đại xảy ra nhiều vụ án văn tự oan uổng nhất và sự nghiêm ngặt trong văn tự, sự mở rộng các đối tượng liên đới của tội này dưới triều Thanh cũng rộng nhất. Thời kì được gọi là “Khang Càn thịnh thế” cũng là thời kì diễn ra những vụ Văn tự ngục lớn nhất. Càn Long đã vượt qua cả Tần Thủy Hoàng về “đốt sách”. Các vụ án văn tự ngục của triều Thanh nhìn từ góc độ pháp luật dù là trình tự tố tụng hay định tội lượng hình đều không theo chuẩn mực, quy tắc thường tùy tiện và hậu quả thường hết sức nghiêm trọng. Các vụ án này không theo trình tự thủ tục xét xử mà do nhà vua tự ý xét hỏi, tùy ý định tội. Do luật pháp triều Thanh không có điều khoản nào quy định về tội này, cho nên thường những người phạm tội trong những vụ án này đều bị xếp vào tội mưu phản, mưu đại nghịch, hình phạt rất nặng và phạm vi liên đới quá rộng, án oan rất nhiều. Thậm chí, những người già cả, “trung” với nhà nước phong kiến cũng có thể trở thành tử tù lúc nào không hay [28;292]; những người không có khả năng chịu trách nhiệm hình sự cũng không được khoan hồng, không những vẫn bị trị tội như người thường mà cả nhục hình cũng không được miễn [28;293]. Những vụ án văn tự ngục của triều Thanh chính là biểu hiện nổi bật của sự phát triển của chế độ phong kiến chuyên chế cực quyền, nó đã chà đạp, khống chế tư tưởng của quần chúng nhân dân và hậu quả của nó để lại cũng xấu hơn nhiều so với chính bản thân vụ án văn tự đó.

Một phần của tài liệu Pháp luật Triều Thanh quá trình hình thành, nội dung và đặc điểm (Trang 125)