Pháp luật triều Thanh bảo vệ đặc quyền của người Mãn

Một phần của tài liệu Pháp luật Triều Thanh quá trình hình thành, nội dung và đặc điểm (Trang 128)

- Miêu lệ: Thời Thanh cách gọi Miêu Cương là phiếm chỉ khu vực Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, Quảng Châu và Hồ Nam, là các tỉnh mà dân tộc Miêu phân bố Cách

108 Ví dụ như điều 348: Lăng mạ sứ thần và trưởng quan sở tạ i, điều 349: Quan tá chức và quan Thống thuộc

3.1.5. Pháp luật triều Thanh bảo vệ đặc quyền của người Mãn

Triều Thanh là chính quyền phong kiến liên hợp địa chủ người Mãn và người Hán, theo chế độ pháp luật triều Minh nhằm bảo vệ chế độ đẳng cấp phong kiến. Tuy nhiên, vương triều này lại do dân tộc Mãn lập nên và luôn lấy tộc Mãn làm chủ thể. Do vậy, để bảo vệ và duy trì sự thống trị lâu dài của người Mãn, giai cấp thống trị triều Thanh luôn quán triệt và thực hiện nhất quán một nguyên tắc “Mãn Châu tối cao” và dùng pháp luật để hiện thực hóa. Trên thực tế, pháp luật triều Thanh luôn hướng tới bảo vệ đặc quyền của người Mãn trên mọi phương diện.

Trước hết, trên lĩnh vực kinh tế, pháp luật triều Thanh luôn chú ý duy trì và bảo vệ lợi ích kinh tế của người Mãn. Pháp luật quy định các loại tài sản như ruộng đất, nhà cửa của người Kỳ không cho phép người Hán được mua bán, nếu người nào dám mua sẽ bị trị tội, tài sản trả về cho chủ cũ. Nhưng trái lại, pháp luật lại cho phép người Mãn tùy ý mua bán ruộng đất, tài sản của người Hán và các dân tộc khác, lấy đó để mở rộng thực lực kinh tế của người Mãn.

Trên lĩnh vực chính trị có thể thấy, những quy định pháp luật triều Thanh cho phép người Mãn có thể thông qua rất nhiều con đường khác nhau để nhập vào hàng quan chức, hơn nữa những chức quan ở những cơ quan quan trọng hay khu vực trọng yếu đều do người Mãn phụ trách, nắm giữ. Trong cùng một cơ quan, đặt cả quan Mãn và quan Hán, chức vụ, phẩm hàm tương đương nhau nhưng thường thì quyền quyết định cuối cùng sẽ thuộc về người Mãn…

Về hình sự càng thấy rõ sự bất bình đẳng giữa người Mãn và người Hán. Nếu người Mãn phạm tội, đặc biệt là những người thuộc dòng dõi tôn thất được hưởng rất nhiều ưu đãi. Ví dụ, theo quy định, người Kỳ phạm tội đánh trượng thì chỉ bị phạt bằng roi, phạm tội sung quân, lưu đày thì không bị lưu đày đến nơi xa mà chỉ bị phạt đeo gông thay thế ngay tại địa phương. Ngay tội 3 lần trộm cắp xử giảo giam hậu với người thường, nhưng với người Kỳ phạm tội này mà tang vật từ 50 lạng trở xuống thì chỉ bị xử đi làm nô cho quan lại hoặc binh lính ở vùng Liêu Ninh mà thôi. Đối với những người thuộc dòng dõi tôn thất càng được ưu tiên. Luật Thanh quy định: những người thuộc dòng dõi tôn thất phạm tội phải phạt đánh bằng roi thì được thay thế phạt bằng tiền và phạt lương bổng. Nếu là phụ nữ dòng dõi tôn thất phạm tội thì được giảm hình phạt một nửa, nếu phạm tội sung quân và đeo gông thì “đều được chiết phạt bằng roi và vòng cấm”. Họ chỉ bị giam giữ trong nhà cấm của Tôn Nhân Phủ, đến hết hạn sẽ được trả tự do. Những người thuộc dòng dõi tôn thất phạm tội treo cổ và xử trảm thì được giảm tội và hoãn thi hành án, sau đó giảm xuống phạt giam giữ, hết thời hạn sẽ được trả tự do, ngay cả phạm tội chết cũng được tha.

Trong lĩnh vực tố tụng, những người Mãn cũng được pháp luật quy định rất nhiều đặc quyền. Thứ nhất, những vụ án liên liên quan đến người Mãn phải do cơ quan tư pháp đặc biệt phụ trách. Thứ hai, đối với những vụ án liên quan đến quan viên người Mãn dù lớn hay nhỏ cũng đều phải tấu trình lên hoàng đế trước, sau đó theo chỉ ý của hoàng đế mà xử lí. Thứ ba, những quí tộc, quan lại người Mãn ngoài được hưởng ưu đãi đối với chế độ “Bát nghị” ra, có rất nhiều ưu quyền khác. Khi cần thẩm vấn các quí tộc, tôn thất phải có công văn, không được tự ý truyền gọi. Những người thuộc dòng dõi tôn thất phạm tội không được tự ý bắt giữ, giam cầm, nếu có việc phải ra lệnh bắt bớ phải được hoàng đế cho phép. Những người này còn được phép dùng các biện pháp như phạt bổng, giáng cấp, cách chức…để chịu phạt thay cho các hình phạt khác khi phạm những tội nhẹ. Những vụ án dân sự giữa dân và quan lại người Mãn, thì người Mãn có quyền cử người nhà thay mình tham gia tố tụng. Thứ tư, chế độ giám ngục

cũng ưu tiên đối với người Mãn. Những người Mãn khi phạm tội được giam cầm ở nơi riêng biệt, điều kiện cũng tốt hơn nhiều so với các nhà giam thông thường. Đặc biệt với quí tộc tôn thất, nơi giam giữ cũng chỉ là phòng trống của Tôn Nhân Phủ, không có dụng cụ gì gọi là giam giữ.

Những quy định pháp luật trên cho thấy luật lệ nhà Thanh rất chú trọng bảo vệ đặc quyền, đặc lợi của người Mãn, nó thể hiện bản chất của chế độ pháp luật triều Thanh là nhằm hướng tới củng cố địa vị và quyền lực của giai cấp thống trị… Chính vì mục đích này mà giai cấp thống trị triều Thanh khi xây dựng chế độ, pháp luật mặc dù tiếp thu rất nhiều pháp luật truyền thống của người Hán nhằm tạo ra cơ sở vững chắc cho sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội, làm cơ sở duy trì sự thống trị của vương triều ở đất Trung Nguyên nhưng cũng đã đưa vào trong nội dung pháp luật rất nhiều quy định mới bảo đảm đặc quyền dân tộc, thực hiện chính sách thống trị 2 mặt của mình. Điều này mặc dù có mặt hạn chế là tạo ra một sự bất bình đẳng dân tộc nhưng nó cũng làm nên tính độc đáo của pháp luật triều Thanh so với pháp luật các triều đại trước đó.

Một phần của tài liệu Pháp luật Triều Thanh quá trình hình thành, nội dung và đặc điểm (Trang 128)