“Mông Cổ luật lệ” và “Lí Phiên Viện tắc lệ”

Một phần của tài liệu Pháp luật Triều Thanh quá trình hình thành, nội dung và đặc điểm (Trang 50)

Tháng 9 năm Thuận Trị thứ 15, Nghị Chính Vương Bối Lặc Đại Thần thảo luận và chế định “Lí Phiên Viện đại tịch điều lệ” (các điều lệ về xét xử các án tử hình của Lí Phiên Viện). Đây chính là cơ sở sau này chế định “Mông Cổ luật lệ” và “Lí Phiên Viện tắc lệ”. Năm Khang Hy thứ 35 (1696), cùng với việc củng cố quốc gia thống nhất, Lí Phiên Viện đã “đem 125 điều pháp lệnh có liên quan đến Mông Cổ được ban hành lần lượt từ Thanh Thái Tông trở đi, tập hợp biên soạn lại thành “tắc lệ”. Đây chính là căn cứ pháp luật cho việc xét xử các sự vụ ở Mông Cổ, điều chỉnh và củng cố mối quan hệ thần thuộc giữa các dân tộc khu vực Mông Cổ với triều đình nhà Thanh, điều chỉnh các quan hệ trong nội bộ xã hội Mông Cổ và củng cố trật tự xã hội”13.

Thời kì Càn Long, cùng với việc mở rộng lãnh thổ của triều Thanh, sự cường thịnh của quốc lực, lập pháp dân tộc cũng tiến đến giai đoạn hệ thống, định hình và ngày càng hoàn bị. Trong đó tiêu biểu là việc chế định “Mông Cổ tắc lệ” và “Khâm định Tây Tạng chương trình”. “Mông Cổ tắc lệ” tổng cộng có 12 quyển, 209 điều. Nội dung chủ yếu gồm các môn sau: Quan hàm môn: quy định về chức hàm, thừa kế, phẩm trật, nghi chế, ân thưởng…; Hộ khẩu lao dịch môn: quy định về quản lí hộ khẩu, tổ chức cơ sở, sai dịch lao dịch, hôn nhân thừa kế…; Triều cống môn: quy định về lễ chúc mừng đầu năm, tiến cống chúc mừng triều đình của các Vương công Mông Cổ…; Hội minh hành quân môn: quy định về thời gian và kỉ luật hội minh, kỉ luật hành quân và quản lí quân khí….; Biên cương tạp tiêu môn (đồn biên phòng ở biên cương): quy định về xâm phạm biên giới, săn bắn trộm, qua lại buôn bán, mua bán quân khí….; Đạo tặc môn: quy định về cướp giật, trộm cắp…; Nhân mệnh môn: quy định về giết người, làm bị thương người…; Thủ cáo môn: quy định về hạn chế tố cáo và trình tự tố tụng; Bổ vong môn: quy định về bắt giữ, chứa chấp tù nhân chạy chốn, truy bắt tội phạm, cứu thoát trảm phạm…; Tạp phạm môn: quy định về vi phạm vật cấm dùng, thất hỏa phóng

hỏa, phạm gian đào bới phần mộ, dụ bán người….; Lạt Ma lệ môn: quy định về phục sức của Lạt Ma, nơi ở của Lạt Ma, quản lí tự miếu của Lạt Ma và xét xử khi Lạt Ma phạm tội…; Đoán ngục môn: quy định về phạt tội tương ứng với số vật nuôi, xử phạt khi Vương công phạm tội, thẩm quyết tử tội…Có thể thấy, “Mông Cổ tắc lệ” là một hệ thống các quy phạm pháp luật dân tộc đề cập đến các phương diện hành chính, dân sự, hình sự, quân sự, và tư pháp áp dụng ở khu vực Mông Cổ, nó là sản phẩm của quá trình lập pháp dân tộc của triều Thanh hướng đến hệ thống hóa, là cơ sở quan trọng để chế định “Lí Phiên Viện tắc lệ” về sau.

Lí Phiên Viện là cơ quan quản lí các công việc liên quan đến người Mông, Hồi, Tạng. Theo quy định thì Lí Phiên Viện “nắm giữ chính lệnh ở ngoại phiên, chế định tước lộc, định kì triều hội, định các loại hình phạt”14

. Đồng thời, cơ quan này cũng quản lí một bộ phận thuộc quốc và các công việc giao lưu với nước ngoài. Năm Gia Khánh 16 (1811), lấy “Mông Cổ tắc lệ” làm cơ sở chế định “Lí Phiên Viện tắc lệ”, đến năm Gia Khánh thứ 22 thì cho in ấn và ban hành gồm tổng cộng 713 điều. Sau đó, đến năm Đạo Quang thứ 3 (1823) và Đạo Quang thứ 7 (1827) lại tiếp tục tu chỉnh và biên soạn. Cuối cùng gồm tổng cộng gồm 1454 điều, phân thành 65 môn. “Lí Phiên Viện tắc lệ” phân thành “thông lệ” thượng hạ và “Kì phân”. Trong đó, nội dung chủ yếu của “Lí Phiên Viện . Thông lệ” là những quy định liên quan đến cơ cấu hành chính, chế độ quan lại và các khu vực hành chính của khu vực Mông Cổ. Ngoài ra, còn bao gồm các quy định liên quan đến các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, tư pháp ở khu vực các dân tộc thiểu số. Ví dụ, trong chế độ tư pháp, đã quy định việc xét xử các vụ án ở Mông Cổ. Nếu như trong Mông Cổ lệ không có các điều chuyên quy định về vấn đề này, thì chiếu theo Hình luật hoặc Lại, Binh, Hình bộ tắc lệ mà dẫn dùng. Các vụ án giữa người Mông Cổ và những người dân thường khác căn cứ theo khu vực các vụ án xảy ra, phân biệt để dựa vào quy định của lệ mà xét xử. Do vậy có thể thấy, triều Thanh trong khi chế định “Lí Phiên Viện tắc lệ”, đã chú ý điều hòa quan hệ giữa luật lệ truyền thống của người Mông Cổ và luật lệ nội địa, đã phản ảnh đặc sắc “nhân tục chế nghi, duyên tục vi trị”. “Lí Phiên Viện tắc lệ” cũng xác lập chế độ chức quan cho khu vực Tây Tạng, đã quy định việc bổ nhiệm và quyền hạn của Trú Tạng đại thần và Tây Ninh biện sự đại thần, cho đến các chế độ quân sự, tài chính và quản lí Lạt Ma ở khu vực Tây Tạng, từ đó đã tăng cường quyền quản lí của triều đình nhà Thanh đối với chế độ hành chính, tư pháp của khu vực Mông, Tạng, Thanh Hải. “Lí Phiên Viện . Kì phân”

chủ yếu là các quy phạm liên quan đến việc phân định ranh giới hành chính ở khu vực Mông Cổ và các khu vực dân tộc thiểu số khác. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó đã xác định một cách toàn diện ranh giới hành chính của khu vực Mông Cổ, là một trong những tiêu chí quan trọng để khu vực Mông Cổ hoàn toàn nhập vào bản đồ Trung Quốc, giúp cho cương vực của đất nước Trung Hoa ngày càng mở rộng. “Lí Phiên Viện tắc lệ” không chỉ được sử dụng ở khu vực Mông Cổ mà còn được sử dụng ở khu vực Tây Tạng, Thanh Hải. Việc chế định “Lí Phiên Viện tắc lệ” đã thể hiện tính chất thành thục trong hoạt động lập pháp dân tộc của triều Mãn Thanh. Đây là tập đại thành của pháp luật dân tộc triều Thanh nói riêng và Trung Hoa phong kiến nói chung.

Một phần của tài liệu Pháp luật Triều Thanh quá trình hình thành, nội dung và đặc điểm (Trang 50)