Yêu cầu lập pháp và hoạt động lập pháp của triều Thanh 1 Yêu cầu lập pháp

Một phần của tài liệu Pháp luật Triều Thanh quá trình hình thành, nội dung và đặc điểm (Trang 35)

7. Bố cục của đề tà

1.3.Yêu cầu lập pháp và hoạt động lập pháp của triều Thanh 1 Yêu cầu lập pháp

1.3.1. Yêu cầu lập pháp

2 “Thanh tam triều thực lục thái yếu. Thái tông”, quyển 2 [25;396]

3

Về mặt lí luận nhà nước và pháp luật là hai phạm trù xuất hiện đồng thời. Bởi vì, pháp luật chính là công cụ đắc lực để giai cấp thống trị bảo vệ địa vị và quyền lực của mình. Bất kì một nhà nước nào được thiết lập thì cũng cần phải có những quy tắc, chế định pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh, trên cơ sở đó ổn định trật tự xã hội.

Cũng theo qui luật đó, khi nhà nước của người Mãn Châu được thành lập thì pháp luật cũng đã được đặt ra. Tuy nhiên, trong điều kiện lúc bấy giờ, khi nhà nước mới ra đời thì những phong tục tập quán của thị tộc bộ lạc Nữ Chân vẫn còn rất sâu sắc. Vì vậy, để có thể đấu tranh với những phong tục lạc hậu trước đây của người Nữ Chân và để củng cố nền thống trị của mình, Nỗ Nhĩ Cáp Xích và quí tộc Mãn Châu rất coi trọng việc xây dựng pháp luật. Nỗ Nhĩ Cáp Xích trong khi củng cố chính quyền Hậu Kim dần dần nhận thức được rằng lập pháp, chấp pháp là “vi quốc chi đạo”. Đồng thời, Nỗ Nhĩ Cáp Xích từ việc tổng kết kinh nghiệm lịch sử đã nhận thức những nguyên nhân dẫn đến sự hủ bại chính trị cuối triều Minh, kỉ cương pháp luật bị phá hoại, thế nước

suy vi đều ở chỗ “pháp lệnh không công bằng, không nghiêm minh”5. Chính vì vậy,

đồng thời với quá trình xác lập và củng cố chính quyền Hậu Kim, vấn đề xây dựng và thực thi pháp luật đã trở thành một yêu cầu quan trọng. Bản thân Nỗ Nhĩ Cáp Xích cũng nhận thấy, pháp luật chính là một công cụ quan trọng đảm bảo sự vững mạnh của chính quyền và ổn định trật tự xã hội.

Tuy nhiên, cùng với những biến động của tình hình chính trị, xã hội, kéo theo đó là những quan hệ xã hội mới phát sinh đòi hỏi cần có sự điều chỉnh của pháp luật. Thêm vào đó, tình hình chính trị xã hội cuối triều Minh, đầu triều Thanh có nhiều yếu tố phức tạp. Trước hết là vấn đề mâu thuẫn trong nội bộ giai cấp quí tộc Mãn Châu, mà cụ thể ở đây là mâu thuẫn giữa quyền lực của Bát Kỳ Bối Lặc với hoàng quyền. Để phù hợp với nhu cầu tập trung quyền lực vào tay hoàng đế, các vua Thanh rất cần phải xây dựng một công cụ để đảm bảo và thực thi quyền lực của mình. Do vậy, vấn đề xây dựng và hoàn thiện pháp luật được đặt ra. Thực tế thì từ Hoàng Thái Cực trở đi đã ban hành rất nhiều quy định nhằm bảo vệ địa vị và quyền lực chí cao vô thượng của hoàng đế. Từ cách xưng hô, nghi lễ cho đến hình phạt đối với những kẻ nào xâm phạm đến thân phận, địa vị, uy quyền của nhà vua đều được quy định một cách tương đối tỉ mỉ, chặt chẽ.

Thứ hai là, để phục vụ nhu cầu tiêu diệt triều Minh và chinh phục, thống nhất Trung Nguyên, xác lập vị trí thống trị của người Mãn Châu ở Trung Nguyên thì việc xây dựng, củng cố chính quyền nhà nước là vấn đề rất quan trọng. Để đáp ứng nhu cầu đó, các hoàng đế triều Thanh nhận thức rất sâu sắc rằng cần phải có một cơ chế, một hệ thống những qui định, quy tắc để tổ chức và vận hành bộ máy nhà nước, làm sao cho các cơ quan nhà nước phối hợp hoạt động hiệu quả và đáp ứng nhu cầu cai trị của chính quyền.

Thứ ba, khi vào Trung Nguyên rất nhiều vấn đề mới phát sinh đòi hỏi cần phải có sự điều chỉnh của pháp luật. Sau khi vào Trung Nguyên, triều Thanh phải đối diện với tình thế không hề thuận lợi. Đó là sự phản kháng của người Hán, sự chống đối của chính quyền Nam Minh và lực lượng quân nông dân của Lý Tự Thành. Trong tình thế như vậy, bên cạnh việc tiến hành dùng lực lượng vũ trang tiêu diệt các lực lượng chống đối, đàn áp sự phản kháng của người dân, tiến hành các biện pháp nhằm xoa dịu mâu thuẫn dân tộc như bắt tay với địa chủ người Hán, tiến hành giảm tô thuế, chia lại ruộng cho dân…thì triều Thanh cũng rất cần tới một công cụ trấn áp hiệu quả khác đó là pháp luật.

Đồng thời, từ khi vào Trung Nguyên trong xã hội người Mãn Châu có những bước chuyển mình nhanh chóng. Rất nhiều quan hệ kinh tế, xã hội mới phát sinh. Nền kinh tế của họ đã biến chuyển từ nền kinh tế chiếm hữu nô lệ sang nền kinh tế mang tính chất phong kiến. Cơ cấu các ngành nghề có nhiều thay đổi. Phương thức canh tác và phương thức bóc lột trước đây cũng không còn phù hợp. Kết cấu giai cấp trong xã hội cũng phát sinh nhiều yếu tố mới. Những chủ nô trước đây đã trở thành những địa chủ phong kiến, những người lao động và nô lệ trước đây thân phận cũng không còn như xưa. Hơn nữa, quan hệ giai cấp cũng không còn là quan hệ giai cấp trong xã hội chiếm nô trước đây nữa mà nó có những chuyển biến tương ứng với những chuyển biến trong đời sống kinh tế, chính trị. Những biến đổi đó đều đặt ra nhu cầu cần phải có sự điều chỉnh của pháp luật mới có thể ổn định và củng cố đời sống kinh tế, xã hội.

Thêm vào đó là tính chất phức tạp của một quốc gia rộng lớn đa dân tộc. Cùng với quá trình chinh phục các bộ tộc, bộ lạc của chính quyền Hậu Kim, thống nhất Trung Nguyên, mở rộng chiếm Mông Cổ, Tây Tạng và Tân Cương đã khiến cho thành phần các dân tộc trong nhà nước “Đại Thanh” ngày càng phức tạp. Từ đó cũng đã phát sinh nhiều vấn đề mới trong việc cai trị, điều chỉnh mối quan hệ giữa các tộc người. Trong đó, nổi bật lên mối quan hệ giữa chính quyền trung ương với các khu vực dân tộc thiểu

số; mối quan hệ giữa người Mãn với các dân tộc khác, làm sao đảm bảo địa vị thống trị và lợi ích độc tôn của người Mãn; mối quan hệ giữa các dân tộc với nhau... Để điều chỉnh những quan hệ đó, đáp ứng nhu cầu xây dựng củng cố một quốc gia đa dân tộc rộng lớn, nhà nước Mãn Thanh đã sớm nhận thức cần xây dựng một hệ thống pháp luật dân tộc phù hợp và hoàn thiện.

Một khó khăn nữa đòi hỏi triều Thanh cần tích cực, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật, đó là việc người Mãn cai trị dân tộc Hán có trình độ văn minh cao hơn, đặc biệt là văn minh chính trị pháp lí. Trong khi đó, pháp luật triều Thanh ở giai đoạn đầu mới chỉ là pháp luật chiếm nô, trình độ lập pháp, kĩ thuật lập pháp còn rất hạn chế, các tập quán pháp vẫn chiếm địa vị quan trọng, gần như chưa có pháp luật thành văn mà chủ yếu là hình thức pháp luật lệnh miệng. Do vậy, để có thể đạt được mục tiêu chính trị, ổn định xã hội và xác lập nền thống trị của mình ở Trung Nguyên thì cần phải nhanh chóng học tập, phát triển kĩ thuật lập pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng xây dựng một nền pháp luật phong kiến. Chỉ làm được điều đó thì triều Thanh mới có được một công cụ đảm bảo cho sự thống trị của mình.

Tất cả những biến động đó đặt ra cho triều Thanh cần từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Thực tế, giai cấp thống trị triều Thanh đã sớm nhận thức được điều này. Từ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, đặc biệt là từ Hoàng Thái Cực trở đi, hoạt động lập pháp của triều Thanh ngày càng mở rộng và đạt được nhiều thành tựu. Các hoàng đế Thanh rất tích cực học tập theo chế độ pháp luật triều Minh, trên cơ sở đó có sự chọn lọc, đáp ứng nhu cầu cai trị thực tiễn khiến cho hệ thống pháp luật triều Thanh từ tư tưởng lập pháp, kĩ thuật lập pháp đến nội dung pháp luật ngày càng được phát triển, hoàn thiện.

Một phần của tài liệu Pháp luật Triều Thanh quá trình hình thành, nội dung và đặc điểm (Trang 35)