Đề bạt là cất nhắc lên chức vụ cao hơn. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng thuật ngữ “cất nhắc” cán bộ thay cho thuật ngữ “đề bạt”. Còn “bổ nhiệm” thường chỉ loại cán bộ do bầu, rồi được cấp trên “bổ nhiệm” bằng văn bản chính thức. Bổ nhiệm lại cán bộ là danh từ thường được dùng trong lĩnh vực tổ chức cán bộ và thường được hiểu là giao cho ai giữ một trọng trách, một vị trí trong cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Nếu chỉ hiểu theo cách đơn giản đó thì chưa hiểu hết nội dung sâu xa của bổ nhiệm cán bộ và dễ đánh đồng với khái niệm đề bạt, cất nhắc, bố trí cán bộ. Theo Từ điển tiếng việt của Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia thì “bổ nhiệm cán bộ” có nghĩa: “Cử giữ một chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Điều này có nghĩa là giao giữ một chức vụ có thể là cao hơn nhưng cũng có thể là tương đương.
Như vậy, bổ nhiệm cán bộ, công chức là quyết định cử hoặc giao cho cán bộ, công chức một chức vụ, một trọng trách trong cơ quan, đơn vị có thể là đề bạt, cất nhắc nhưng cũng có thể chỉ là bố trí công chức cho phù hợp. Giữa bổ nhiệm với đề bạt, cất nhắc, bố trí công chức có mặt thống nhất nhưng không đồng nhất. Bổ nhiệm là bước tiếp theo của đề bạt, cất nhắc, bố trí công chức.
Quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức được thực hiện như sau: cơ quan, đơn vị có nhu cầu đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, trong đó nêu rõ số lượng và dự kiến phần công tác đối với chức vụ sẽ bổ nhiệm. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền đồng ý, lãnh đạo đơn vị đề xuất nhân sự cụ thể qua các bước sau:
Tập thể lãnh đạo cơ quan đề xuất phương án nhân sự căn cứ vào nguồn cán bộ, công chức hoặc ý kiến giới thiệu của cán bộ trong cơ quan, đơn vị. Tập thể lãnh đạo cơ quan thảo luận, lựa chọn giới thiệu nhân sự trên cơ sở nhận xét đánh giá tín nhiệm của cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị và người dân tại địa phương (khi cần bổ nhiệm 01 chức danh có thể lựa chọn giới thiệu nhiều hơn 01 người).
Tổ chức lấy ý kiến tín nhiệm của lãnh đạo chủ chốt và cán bộ làm việc tại phòng ban hoặc vị trí cán bộ, công chức được bổ nhiệm để trao đổi thảo luận về yêu cầu, tiêu chuẩn của cán bộ, công chức được bổ nhiệm; thông báo danh sách cán bộ, công chức được giới thiệu; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác.
Đảng ủy hoặc Thường vụ Đảng ủy cơ quan có ý kiến bằng văn bản về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm.
Tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức làm việc tại phòng ban hoặc vị trí tại đơn vị mà cán bộ, công chức được bổ nhiệm tại cơ quan thảo luận và biểu quyết. Người được đề nghị bổ nhiệm phải được đa số các thành viên tán thành. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị ra quyết định bổ nhiệm hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm.