Tuyển dụng là khâu đầu tiên quyết định chất lượng cán bộ, công chức. Tuyển dụng chính là công việc làm sao phát hiện ra những người có đức, có tài đáp ứng yêu cầu, chức trách công việc đặt ra. Do vậy, để làm tốt công tác tuyển dụng phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong tuyển dụng, phải đảm bảo cạnh tranh để lựa chọn người đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công vụ. Khi thực hiện việc tuyển dụng cán bộ, công chức các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng cần:
- Rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức hiện có của cơ quan, đơn vị, tiến hành sắp xếp lại tổ chức, cán bộ, công chức trong bộ máy theo các yêu cầu về số lượng cơ cấu đã xác định.
- Làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước, xác định xem với chức năng như vậy thì cần có bao nhiêu biên chế để đáp ứng yêu cầu công việc.
- Xác định cụ thể những chỉ tiêu còn thiếu của các cơ quan, đơn vị thuộc ngạch và chuyên ngành nào từ đó tiến hành tuyển dụng (tránh tình trạng biên chế không phải lúc nào cũng xuất phát từ nhu cầu).
- Xây dựng chỉ tiêu tuyển dụng phải phù với tình hình thực tế, căn cứ vào nhu cầu, vị trí, cơ cấu và tiêu chuẩn, không nên cứng nhắc theo tiêu chuẩn đã quy định cụ thể của từng chức danh mà cần mở rộng thêm điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng một số chức danh.
- Khi xét tuyển công chức, cần ưu tiên xét tuyển trước những người có trình độ Thạc sĩ, Đại học và Cao đẳng và có hộ khẩu thường trú tại địa phương đó trước, nếu còn chỉ tiêu tuyển dụng mới xét tuyển các đối tượng còn lại. Cán bộ, công chức cấp tỉnh muốn hoàn thành tốt nhiệm không những có trình độ chuyên môn tốt mà còn phải am hiểu về phong tục, tập quán, tình Kinh tế - Xã hội của địa phương.
- Cần thay đổi quy định điều kiện tuổi đời tham gia dự tuyển (không quá 40 tuổi khi tham gia dự tuyển) để tạo điều kiện cho một số cán bộ trước đây chưa có bằng cấp được địa phương tạo điều kiện cho đi học nay đã có bằng cấp nhưng quá tuổi theo quy định.
- Thông báo công khai, rộng rãi về đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, kế hoạch tuyển dụng công chức trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo chí, Đài phát thanh và truyền hình.
- Cần đa dạng các nội dung, hình thức thi tuyển: ngoài việc áp dụng hình thức thi viết và thi trắc nghiệm như hiện nay, cần có hình thức thi phỏng vấn. Nội dung thi tuyển cần bám sát các kỹ năng về hành chính, khả năng xử lý tình huống. Đặc biệt là sự am hiểu pháp luật, tình hình cụ thể ở địa phương.
- Nên thành lập hội đồng thi tuyển công chức chung ở Trung ương (lựa chọn công chức Trung ương), địa phương (lựa chọn công chức địa phương). Trên cơ sở kết quả hội đồng thi tuyển chung đã sàng lọc, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thi vấn đáp để tuyển công chức
cho cơ quan mình. Đây là giai đoạn quyết định các ứng viên dự thi là công chức hay không là công chức.
- Để có cơ sở rộng rãi cho việc lựa chọn, tuyển dụng được nhiều công chức tốt, tạo sự chủ động về nguồn công chức, cần mở rộng diện công chức nguồn, có nguồn tại chỗ, nguồn trực tiếp, nguồn từ xa, nguồn lâu dài. Có chính sách thu hút số sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở các trường đại học, số con em gia đình có công với cách mạng, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, những công nhân, nông dân trẻ hăng hái, tích cực, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa đi đào tạo cơ bản ở các trường, sau đó giao nhiệm vụ thử thách trong thực tiễn.
- Chính sách thu hút nhân tài là một trong những cách thức tuyển dụng không qua thi tuyển mà chủ yếu căn cứ vào kết quả học tập, phấn đấu từ trong trường đại học của sinh viên mới tốt nghiệp; bằng cấp, thành tích, kết quả công tác của cán bộ, công chức để bố trí sắp xếp công việc mới đã được nhiều địa phương trên toàn quốc thực hiện trong đó có tỉnh Phú Thọ. Ban hành quy định và triển khai thực hiện trong thực tế, tuy nhiên, cần phải có hoạt động tổng kết, đánh giá hiệu quả công tác này. Công chức thu hút có làm tốt công việc được giao? có phát huy hết năng lực nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị? có cơ quan sau khi thu hút công chức trình độ cao về gần như không bố trí công việc phù hợp chuyên môn công chức, lãng phí sử dụng công chức bên cạnh đó còn gặp phải thực tế thu hút đầu vào nhưng không giải quyết được đầu ra, do công chức đương chức phải chờ nghỉ hưu. Rõ ràng, tuyển dụng công chức bằng cách thu hút nhân tài phải có những lựa chọn phù hợp với vị trí công việc của từng cơ quan, chấm dứt tình trạng vào dễ ra khó.
- Tuyển dụng cán bộ, công chức là một trong những khâu quan trọng của công tác cán bộ nhằm thu hút, phát hiện người có đủ tài, đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chức trách của công việc đặt ra. Việc tuyển dụng chính xác hay
không tùy thuộc vào nhiều yếu tố như cơ chế dân chủ xã hội, cơ chế cạnh tranh nhân tài, các chính sách thu hút nhân tài. Vì vậy, làm tốt công tác tuyển dụng sẽ lựa chọn được người có đủ tiêu chuẩn, phù hợp với chức danh quy định, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
- Nhìn chung, đến nay nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức tuyển dụng cán bộ, công chức qua hình thức thi tuyển. Mặc dù chế độ thi tuyển cần phải được hoàn thiện hơn nữa, nhưng thực tế cho thấy thi tuyển công khai bước đầu tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, khắc phục một bước tình trạng cửa quyền trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức. Có thể nói thi tuyển là hình thức tuyển dụng dân chủ, minh bạch, chất lượng nhất trong các hình thức tuyển dụng, cần được tiếp tục và coi đó là biện pháp tuyển dụng chủ yếu trong việc tuyển dụng cán bộ, công chức trong thời gian tới. Tuy nhiên, các quy định về tuyển dụng còn nhiều bất cập về phương thức tuyển dụng, cách thức tổ chức tuyển dụng và đặc biệt là về nội dung các môn thi tuyển. Do vậy, trong thời gian tới, việc tuyển dụng cán bộ, công chức ở tỉnh Phú Thọ cần quan tâm giải quyết các vấn đề sau:
Một là, việc tuyển dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí công tác, tiêu chuẩn và số lượng của chức danh thực tế cần tuyển dụng; phải căn cứ vào ngành nghề đang thiếu và đòi hỏi cao về chất lượng đầu vào. Khắc phục tình trạng như hiện nay, cán bộ, công chức được tuyển vào cơ quan nhà nước rồi mới đưa đi đào tạo và chủ yếu là đào tạo tại chức, vừa không đảm bảo chất lượng vừa lãng phí thời gian và tiền bạc của Nhà nước.
Hai là, tuyên truyền, quán triệt để lãnh đạo Sở, ngành, đơn vị nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thi tuyển cán bộ, công chức coi đây là nhiệm vụ có tính chiến lược của cơ quan, đơn vị mình, từ đó xây dựng kế hoạch và triển khai một cách khoa học và có hiệu quả. Quá trình chuẩn bị và tổ chức thi tuyển phải tiến hành chu đáo, bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định.
Ba là, thực hiện công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng (như báo, đài phát thanh và truyền hình) về nội dung, yêu cầu, số lượng chức danh cần tuyển, lịch thi, tiêu chuẩn ưu tiên cho người dự tuyển biết. Có như vậy mới thu hút nhiều người tham gia dự tuyển, vừa bảo đảm được tính công khai, công bằng, dân chủ, minh bạch vừa lựa chọn được người tài, có tâm huyết vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Bốn là, xây dựng phương pháp tuyển dụng hợp lý theo hướng quy định phương thức tuyển dụng khác nhau theo nhóm nghề, theo lĩnh vực kinh tế (như ngành công nghiệp, nông nghiệp, tài chính và tuỳ theo đặc thù của từng ngành thì có nội dung và phương thức thi tuyển khác nhau). Đồng thời thực hiện thí điểm việc thi tuyển công chức vào các chức danh trưởng, phó phòng ở các Sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh để chọn được những người có tài, có tâm, có tầm tham gia vào lĩnh vực quản lý nhà nước.
Năm là, hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu biên chế được giao,Tỉnh ủy, Sở nội vụ tỉnh tham mưu với cơ quan cấp trên, các ngành Trung ương tổ chức chiêu sinh thi tuyển theo ngành, nghề chuyên môn; sau đó phân bổ thí sinh trúng tuyển về các cơ quan của tỉnh để đảm bảo chất lượng đầu vào đồng thời giảm thiểu yếu tố tiêu cực trong thi tuyển hiện nay.