Nguyên nhân

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp tỉnh ở phú thọ (Trang 117)

* Nguyên nhân ưu điểm

- Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương Nghị quyết đúng đắn, kịp thời và toàn diện trên tất cả các mặt về công tác tổ chức cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên cơ sở đó, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã nghiên cứu, quán triệt và vận dụng sáng tạo, sát với tình hình của địa phương để tạo nguồn và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức phát triển.

- Nguyên tắc đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc tập thể có thẩm quyền quyết định về cán bộ, công chức được thực hiện ngày càng nghiêm túc góp phần phát huy được trách nhiệm của cấp uỷ các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cơ quan tham mưu và người đứng đầu.

* Nguyên nhân hạn chế

+ Nguyên nhân khách quan

- Thể chế pháp luật để quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội còn lỏng lẻo và nhiều kẽ hở là điều kiện để phát sinh những vi phạm về đạo đức, phẩm chất của người cán bộ, công chức. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đội ngũ cán bộ, công chức tuy đã từng bước được hoàn thiện nhưng đến nay còn nhiều bất cập, đặc biệt về phân cấp quản lý cán bộ, công chức. Các quy định, chính sách về cán bộ, công chức khi cần chỉnh sửa đều phải chờ Trung ương sửa đổi và thường bị chậm nhiều so với thực tế.

- Mặc dù các chính sách về tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức thời gian qua luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, cải cách và chấn chỉnh nhưng vẫn không theo kịp tình hình Kinh tế - Xã hội. Tiền lương và thu nhập

của cán bộ, công chức chưa đủ nuôi sống bản thân và gia đình ở mức trung bình, chưa tương xứng với khu vực tư do đó tình trạng "chảy máu chất xám" trong khu vực công ngày một gia tăng, đồng thời cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, công chức; làm cản trở công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng và đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước nói chung.

+ Nguyên nhân chủ quan

- Khả năng dự báo và đánh giá đúng những nhân tố ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức như xu thế toàn cầu hóa với những diễn biến nhanh chóng, phức tạp của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mặt trái của nền kinh tế thị trường, cũng như đặc điểm hoạt động và sinh hoạt của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý Kinh tế - Xã hội còn kém và bị động. Có những cấp ủy, người đứng đầu tổ chức chưa đầu tư đúng mức thời gian, công sức cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hoặc giao phó công tác này cho cơ quan chuyên môn; chưa cụ thể hóa nội dung quy định về phân công, phân cấp quản lý cán bộ, công chức phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ chính trị và thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị mình; chưa thực sự coi trọng vai trò của các tổ chức, các lực lượng và của quần chúng trong việc tham gia quản lý, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức.

- Việc cụ thể hoá các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, luân chuyển cán bộ, công chức lãnh đạo và các chủ trương có liên quan đến công tác cán bộ còn chậm hoặc xây dựng văn bản cụ thể hoá chưa thật sự phù hợp với thực tiễn địa phương, chưa đồng bộ, sự phối kết hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ, thiếu sự tổng kết, đánh giá kịp thời sau mỗi giai đoạn dẫn đến trong thực hiện còn nhiều hạn chế. Công tác nhận xét, đánh

giá cán bộ, công chức có lúc, có nơi còn nể nang, không thực chất. Trong bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm chưa thực sự quan tâm tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức xuất thân từ công nhân, cán bộ khoa học kỹ thuật.

- Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức còn bất cập có nguyên nhân do lịch sử để lại dẫn đến tác phong tùy tiện, ý thức kỷ luật kém, kinh nghiệm, trình độ, kiến thức không đồng đều, phần lớn chưa được đào tạo hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn ngạch bậc; một bộ phận có trình độ lý luận chính trị lại thiếu trình độ chuyên môn và ngược lại; một số cán bộ, công chức hạn chế về năng lực điều hành, quản lý nhưng chưa thể thay thế nên chất lượng, hiệu quả công tác thấp.

- Tỉnh Phú Thọ là một tỉnh miền núi nghèo, các quy định về chế độ đãi ngộ cho cán bộ, công chức còn hạn chế, đa số những người có thực lực giỏi đều thoát ly làm việc ở các vùng kinh tế lớn dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám làm tỉnh thiếu hụt cán bộ, công chức chất lượng cao, các chuyên gia đầu ngành hầu như không có.

- Đội ngũ cán bộ, công chức trong tỉnh tuổi đời bình quân và tính ổn định còn cao, nhất là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và huyện nên khó thực hiện trẻ hoá và gặp khó khăn trong thực hiện quy trình điều động, luân chuyển. Việc tuyển dụng cán bộ, công chức bằng xét tuyển được thực hiện trong thời gian tương đối dài; chủ trương thực hiện tuyển dụng cán bộ, công chức tốt nghiệp Đại học hệ chính quy chỉ mới được thực hiện trong những năm gần đây nên chưa tạo được một đội ngũ đông đảo trí thức trẻ trong toàn đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh.

- Việc quản lý, nắm bắt tình hình đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn tỉnh còn hạn chế do chưa thiết lập được hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất để cập nhật, theo dõi thường xuyên, làm khó khăn cho công tác quản lý và xây dựng quy hoạch, kế hoạch liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức.

CHƯƠNG III

ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp tỉnh ở phú thọ (Trang 117)