Hệ thống chính sách là công cụ điều tiết cực kỳ quan trọng trong lãnh đạo, quản lý xã hội. Hệ thống chính sách có thể là thúc đẩy, tạo động lực cho sự phát triển, có thể là kìm hãm, triệt tiêu các động lực, cản trở sự phát triển của một hoạt động nào đó. Trong công tác xây dựng đội ngũ công chức, hệ thống chính sách đúng, hợp lý sẽ khuyến khích tính tích cực, sự hăng hái, cố gắng yên tâm với công việc nâng cao tính trách nhiệm của công chức, phát huy được sáng tạo thu hút được nhân tài. Làm cho nội bộ đoàn kết, nhất trí,
mọi người đồng tâm, hiệp lực. Ngược lại chính sách công chức sai, bất hợp lý sẽ tạo ra tâm trạng chán nản, kìm hãm sự sáng tạo, triệt tiêu tính tích cực, nội bộ mất đoàn kết, nảy sinh nhiều tiêu cực, có thể đẩy hàng loạt công chức đến chỗ sai lầm, làm hao phí tài năng của đất nước. Do đó, để nâng cao chất lượng công chức phải đồng thời xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách đối với công chức. Việc đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách công chức trong thời kỳ mới phải đảm bảo yêu cầu cơ bản sau:
Một là, phải quán triệt, thể hiện được những quan điểm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đảm bảo quyền lợi gắn liền với trách nhiệm công chức, quyền lợi càng lớn trách nhiệm càng cao. Hệ thống chính sách phải đảm bảo tính công bằng. Mọi hoạt động xã hội của người công chức phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản: có làm có hưởng, làm nhiều, cống hiến nhiều mang lại lợi ích cho tập thể, hưởng tương xứng; không làm không hưởng. Nói cách khác chính sách phải đảm bảo trả công giá trị sức lao động thoả đáng. Đó là nguyên tắc phân phối của xã hội chủ nghĩa. Khuyến khích tài năng sáng tạo, có sức lôi cuốn, hấp dẫn để mọi người phấn đấu vơn lên. Đồng thời phải có tác dụng ngăn chặn, điều tiết hành vi hoạt động sai trái, tiêu cực của đội ngũ công chức. Thông qua hệ thống chính sách công chức để điều tiết, luân chuyển công chức, làm cho chất lượng công chức cân đối, đồng đều hơn. Hệ thống chính sách công chức phải đảm bảo ý nghĩa nhiều mặt cả vật chất, tinh thần, chính trị, xã hội, không thiên lệch, không phiến diện nhằm tạo ra sự hài hoà cân đối trong mọi hoạt động, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như sự phát triển nhân cách của mỗi công chức. Hệ thống chính sách công chức phải phù hợp hoàn cảnh đất nước không thoát ly xa rời điều kiện kinh tế của đất nước nói chung và của tỉnh Phú Thọ nói riêng.
Hai là, giải quyết cơ bản vấn đề tiền lương công chức. Đây là vấn đề lớn, đang gây nhiều băn khoăn trong đội ngũ công chức, tiền lương phải phản
ánh được trình độ, năng lực thực tế của công chức, phản ánh khả năng đóng góp của công chức đối với xã hội, không cao bằng, không bình quân chủ nghĩa, không để tình trạng công chức làm việc tích cực cũng hưởng lương như công chức trung bình hoặc yếu kém. Phải tiền tệ hoá tiền lương và các chế độ khác đối với công chức, xoá bỏ mọi khoản bao cấp ngoài lương như nhà, xe, điện thoại hoặc bao cấp với đối tượng này mà không bao cấp đối với đối tượng khác, tạo nên sự mặc cảm và phân hoá trong nội bộ. Chấm dứt mọi đặc quyền, đặc lợi đối với mọi công chức. Có chính sách ưu đãi đối với người nhiều công lao, có nhiều đóng góp hữu ích cho dân, cho nước. Để công chức thực sự yên tâm làm việc, chuyên tâm vào công chức thì tiền lương phải là nguồn thu nhập chính, chủ yếu đảm bảo cho công chức đủ sống, có mức sống trên trung bình của xã hội. Đảm bảo đủ để tái xuất sức lao động. Một mức lương đảm bảo đời sống ổn định sẽ góp phần làm giảm tiêu cực xã hội, làm cho công chức không phải bươn trải, lăn lộn, do đó có điều kiện nghiên cứu, đầu tư trí tuệ và công sức vào công việc. Tuy nhiên, cũng cần xác định ngạch lương, bậc lương sao cho mức sống của công chức không quá xa, quá chênh lệch mức sống chung của xã hội, nhất là sự chênh lệch giữa các loại công chức. Việc cải cách tiền lương còn phải kích thích sự phấn đấu vươn lên của công chức, làm cho công chức luôn chăm lo, tu dưỡng nâng cao trình độ.
Ba là, chính sách thu hút nhân tài, khuyến khích tài năng ngoài chính sách chung tỉnh Phú Thọ cần có chế độ đãi ngộ, khen thưởng thoả đáng đối với các hoạt động sáng tạo tuỳ theo các công trình và giá trị thực tế để thu hút, khuyến khích nhân tài, cần thực hiện chế độ trả lương cao cho các chuyên gia. Có chế độ thoả đáng và chế độ ưu tiên tối đa về điều kiện làm việc, nghiên cứu cho họ. Đối với công chức thực sự có tài, cần thiết cho công việc, lợi ích chung thì sau khi họ đến tuổi nghỉ hưu như pháp luật quy định, nhà nước cần có chính sách về vật chất và tinh thần thoả đáng để khuyến khích, động viên
sự đóng góp của họ cho công việc chung theo tinh thần ích nước, lợi nhà; không để mai một, lãng phí tài năng của họ.
Bốn là, chính sách đào tạo, bồi dưỡng công chức tìm nguồn bồi dưỡng tài năng ngay từ các trường phổ thông, trường đại học và trung học chuyên nghiệp. Đầu tư kinh phí hợp lý để cử công chức ưu tú đi đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu thực tế nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài. Chính sách bảo đảm lợi ích vật chất và động viên tinh thần thực hiện tốt chế độ chính sách đối với công chức và công chức lãnh đạo như nâng bậc lương, thi nâng ngạch, chế độ thăm hỏi, ốm đau, trợ cấp khi công chức gặp khó khăn góp phần động viên công chức yên tâm tư tưởng, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công. Hiện nay, tình hình “chảy máu chất xám” cùng với sự thiếu hụt các chuyên gia, cán bộ, công chức có chuyên môn nghiệp vụ cao đang diễn biến nghiêm trọng. Không chỉ tài năng trẻ mà cả đội ngũ trí thức trẻ có trình độ khá giỏi chẳng mặn mà vào làm việc tại cơ quan, đơn vị thuộc Nhà nước quản lý, bởi đôi khi họ phải làm việc trái ngành, trái nghề khó phát huy được năng lực hoặc bị biến thành công cụ giúp việc cho các bậc đàn anh, các bậc cha, chú và hưởng đồng lương quá thấp so với làm việc ở khu vực tư. Nguyên nhân quan trọng là từ Trung ương đến cơ sở chưa chú trọng trọng dụng, bồi dưỡng và có chính sách đãi ngộ xứng đáng với họ. Do vậy, cần phải vận dụng linh hoạt, mềm dẻo các quy định về công tác cán bộ để có thể hạn chế tình trạng trên và đảm bảo khả năng cạnh tranh, thu hút nhân tài cho nền công vụ. Chính sách cán bộ hợp lý cùng với các chế độ đãi ngộ công bằng, tương xứng với khả năng, kết quả hoạt động, khả năng thăng tiến và niềm tự hào được phục vụ trong nền công vụ của đất nước là những đòn bẩy thu hút, kích thích người cán bộ, công chức yên tâm công tác, có nhiều sáng tạo và cống hiến cho xã hội.