II. Quản lý chu trình ngân sách Nhà nước
1. Nguyên tắc quản lý ngân sách Nhà nước
2.3. Các nguyên tắc phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước
Để đảm bảo phân cấp quản lý ngân sách đem lại kết quả tốt cần phải quán triệt các nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất: Phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của Nhà nước và năng lực quản lý của mỗi cấp trên địa bàn.
Chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp chính quyền về quản lý Nhà nước do hiến pháp quy định trong từng thời kỳ. Ngân sách là công cụ không thể thiếu được của các cấp trong việc thực thi nhiệm vụ. Vì vậy, phân cấp quản lý ngân sách phải phù hợp, nhằm đảm bảo điều kiện vật chất để thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả. Mặt khác, năng lực quản lý của các cấp chính quyền cũng là một nhân tố cần được xem xét kỹ càng trước khi thực hiện phân cấp mạnh cho địa phương. Điều này sẽ hạn chế những tác động tiêu cực như đã bàn đến ở trên trong tiến trình phân cấp. Cần nâng cao năng lực của các cấp chính quyền trong quản lý nguồn lực công trước khi phân cấp mạnh cho họ.
Thứ hai: Đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và vị trí độc lập của ngân sách địa phương trong hệ thống NSNN thống nhất.
Đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương là một đòi hỏi khách quan, bắt nguồn từ vị trí, vai trò của chính quyền trung ương trong việc cung cấp những hàng hoá và dịch vụ công cộng có tính chất quốc gia.
Hơn nữa, nó còn có vai trò điều tiết, điều hoà đảm bảo công bằng giữa các địa phương. Ngân sách trung ương tập trung đại bộ phận nguồn thu của quốc gia
và thực hiện các khoản chi chủ yếu của quốc gia. Các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có tác động đến cả nước, các chương trình, dự án quốc gia, các chính sách xã hội quan trọng, điều phối hoạt động kinh tế vĩ mô của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hỗ trợ những địa phương chưa cân đối được thu, chi ngân sách đều do ngân sách trung ương đảm bảo. Ngân sách địa phương được phân cấp nguồn
thu bảo đảm chủ động thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trong phạm vi quản lý ở địa phương mình.
Vị trí độc lập tương đối của nó được thể hiện qua cả ba khâu của chu trình ngân sách: lập, chấp hành và quyết toán ngân sách. Trong phạm vi phân chia nguồn thu, nhiệm vụ chi được ổn định từ ba đến năm năm, các địa phương được chủ động tìm các biện pháp tăng thu hợp pháp để phát triển kinh tế-xã hội, tăng khả năng tự cân đối ngân sách.
Thứ ba: Đảm bảo nguyên tắc công bằng trong phân cấp ngân sách Nhà nước
Để giảm bớt khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng, các địa phương, trong quá trình phân cấp cần đảm bảo cơ chế điều hoà, trợ cấp giữa trung ương với địa phương, giữa ngân sách cấp trên với ngân sách cấp dưới. Trợ cấp cân đối và trợ cấp có mục tiêu là hai phương thức tài trợ mà chính quyền cấp trên thường sử dụng đối với chính quyền cấp dưới.
Ngoài ra, việc thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các vùng, miền qua chi ngân sách trung ương vào đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội cũng được sử dụng như biện pháp bổ trợ cho hai phương thức trên.