Đặc điểm chi đầu tư phát triển của NSNN

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản lý tài chính công (Trang 101 - 102)

I. khái niệm, nội dung và đặc điểm chi đầu tư phát triển của NSNN

3. Đặc điểm chi đầu tư phát triển của NSNN

Thứ nhất, chi đầu tư phát triển là khoản chi lớn của NSNN nhưng không có tính ổn định.

Chi đầu tư phát triển từ NSNN là yêu cầu tất yếu nhằm bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trước hết, chi đầu tư phát triển của NSNN nhằm để tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực sản xuất phục vụ và vật tư hàng hoá dự trữ cần thiết

của nền kinh tế; đó chính là nền tảng bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Đồng thời, chi đầu tư phát triển của NSNN còn có ý nghĩa là vốn mồi để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút các nguồn vốn trong nước và ngoài nước vào đầu tư phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội theo định hướng của Nhà nước trong từng thời kỳ. Quy mô và tỷ trọng chi NSNN cho đầu tư phát triển trong từng thời kỳ phụ thuộc vào chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và khả năng nguồn vốn NSNN, song nhìn chung các quốc gia luôn có sự ưu tiên NSNN cho chi đầu tư phát triển. Chi đầu tư phát triển là một khoản chi lớn của NSNN, có xu hướng ngày càng tăng cả về số tuyệt đối và tỷ trọng trong tổng chi NSNN.

Tuy vậy, cơ cấu chi đầu tư phát triển của NSNN lại không có tính ổn định giữa các thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội. Thứ tự và tỷ trọng ưu tiên chi đầu tư phát triển của NSNN cho từng nội dung chi, cho từng lĩnh vực kinh tế - xã hội thường có sự thay đổi lớn giữa các thời kỳ. Chẳng hạn, sau một thời kỳ ưu tiên tập trung đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thì thời kỳ sau sẽ không cần ưu tiên đầu tư nhiều vào lĩnh vực đó nữa, vì hạ tầng giao thông đã tương đối hoàn chỉnh...

Thứ hai, xét theo mục đích kinh tế - xã hội thì chi đầu tư phát triển của NSNN mang tính chất chi cho tích lũy.

Chi đầu tư phát triển là những khoản chi nhằm tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực sản xuất phục vụ, tăng tích luỹ tài sản của nền kinh tế quốc dân. Mặt khác, cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực sản xuất phục vụ được tạo ra thông qua các khoản chi đầu tư phát triển của NSNNchính là nền tảng vật chất bảo đảm cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, làm tăng tổng sản phẩm quốc nội. Với ý nghĩa đó, chi đầu tư phát triển của NSNN là chi cho tích lũy.

Thứ ba, phạm vi và mức độ chi đầu tư phát triển của NSNN luôn gắn liền với việc thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Chi NSNN cho đầu tư phát triển là nhằm để thực hiện các mục tiêu cụ thể của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là cơ sở, nền tảng trong việc xây dựng kế hoạch chi đầu tư phát triển từ NSNN. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ có ý nghĩa quyết định đến mức độ và thứ tự ưu tiên chi NSNN cho đầu tư phát triển. Chi đầu tư phát triển của NSNN gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm để bảo đảm phục vụ tốt nhất việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hiệu quả chi đầu tư phát triển.

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản lý tài chính công (Trang 101 - 102)