Biện pháp quản lý tài chính để cân đối ngân sách Nhà nước

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản lý tài chính công (Trang 168 - 171)

III. Tổ chức cân đối ngân sách Nhà nước ở nước ta

2. Biện pháp quản lý tài chính để cân đối ngân sách Nhà nước

2.1. Trong khâu lập dự toán ngân sách Nhà nước.

Ngay từ khâu lập dự toán, thu ngân sách Nhà nước phải được xác định trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, chi ngân sách Nhà nước phải đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quản lý Nhà nước, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Dự toán ngân sách của các đơn vị dự toán, của các cấp chính quyền, các bộ ngành được xây dựng theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức và lập chi tiết theo mục lục ngân sách Nhà nước.

Dự toán ngân sách của các cấp được tổng hợp theo từng loại thu, từng lĩnh vực chi theo cơ cấu giữa chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, chi trả nợ. Dự toán ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương được tổng hợp theo ngành kinh tế, và địa bàn lãnh thổ. Dự toán ngân sách các cấp được đảm bảo cân đối theo nguyên tắc do Luật ngân sách Nhà nước quy định.

Để cân đối ngân sách Nhà nước, trong những trường hợp nhất định, có thể phải có sự điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước năm.

Trường hợp có biến động lớn về ngân sách so với dự toán đã phân bổ cần phải điều chỉnh tổng thể, Chính phủ lập dự toán điều chỉnh ngân sách Nhà nước trình Quốc hội, Uỷ ban nhân dân lập dự toán điều chỉnh ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân theo quy trình lập, quyết định ngân sách quy định tại Luật ngân sách Nhà nước 2002. Trường hợp có yêu cầu cấp bách về quốc phòng, an ninh hoặc vì lý do khách quan cần phải điều chỉnh nhiệm vụ thu, chi của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, song không làm biến động lớn đến tổng thể và cơ cấu ngân sách, Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước và báo cáo Quốc hội, Uỷ ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương.

Để chủ động cân đối ngân sách Nhà nước, dự toán chi ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp chính quyền địa phương được bố trí khoản dự phòng từ 2% đến 5% tổng số chi nhằm đáp ứng các nhu cầu chi phát sinh đột xuất trong năm ngân sách. Dự phòng ngân sách được sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, địch hoạ và trong trường hợp phát sinh nhu cầu chi cấp thiết chưa được bố trí đủ dự toán ngân sách được giao. Chính phủ quyết định sử dụng dự phòng ngân sách trung ương, định kỳ báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Uỷ ban nhân dân quyết định sử dụng dự phòng ngân sách địa phương, định kỳ báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân, báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất. Đối với cấp xã, Uỷ ban nhân dân quyết định sử dụng dự phòng ngân sách xã, định kỳ báo cáo Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.

Việc sử dụng dự phòng ngân sách phải tuân thủ các điều kiện về chi NSNN, và quy trình cấp phát quy định theo Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật này.

2.2. Trong khâu chấp hành ngân sách Nhà nước.

Để khắc phục tính thời vụ của ngân sách Nhà nước, đảm bảo các nhu cầu chi khi nguồn thu chưa tập trung kịp thời, Chính phủ, UBND tỉnh được lập quỹ dự trữ tài chính từ các nguồn: tăng thu, kết dư ngân sách, bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm và các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật. Quỹ dự trữ tài chính chỉ được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu chi khi nguồn thu chưa tập trung kịp và phải hoàn trả ngay trong năm ngân sách; trường hợp đã sử dụng hết dự phòng ngân sách thì được sử dụng quỹ dự trữ tài chính để chi theo quy định của Chính phủ nhưng tối đa không quá 30% số dcủa quỹ.

Trường hợp nguồn thu và các khoản vay trong kế hoạch của ngân sách Trung ương không tập trung kịp thời theo tiến độ kế hoạch, sau khi đã sử dụng quỹ dự trữ tài chính vẫn không đáp ứng nhu cầu chi, Bộ Tài chính được tạm ứng vốn của Ngân hàng Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng chính phủ và phải hoàn trả trong năm, trừ trường hợp đặc biệt do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Trong quá trình tổ chức cân đối ngân sách Nhà nước, cần phải khai thác các nguồn thu một cách hợp lý, chống thất thoát nguồn thu của ngân sách Nhà nước; kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả; mọi tài sản được đầu tư, mua sắm bằng nguồn ngân sách Nhà nước và tài sản khác của Nhà nước phải được quản lý theo đúng chế độ quy định.

Việc ban hành và thực hiện các văn bản pháp luật mới làm tăng chi hoặc giảm thu ngân sách trong năm phải có nguồn tài chính đảm bảo.

Trong quá trình chấp hành ngân sách Nhà nước, nếu có sự thay đổi về thu, chi, Thủ tướng Chính phủ và chủ tịch UBND các cấp thực hiện như sau:

Nếu tăng thu hoặc tiết kiệm chi so với dự toán được duyệt thì số tăngthu hoặc tiết kiệm chi được dùng để giảm bội chi, tăng chi trả nợ hoặc để bổ sung quỹ dự trữ tài chính, hoặc chi một số khoản cần thiết khác, nhưng không được chi về quỹ tiền lương, trừ trường hợp đặc biệt được cấp có thẩm quyền cho phép.

Nếu giảm thu so với dự toán được duyệt thì phải sắp xếp lại để giảm một số khoản chi tương ứng.

Nếu có nhu cầu chi đột xuất ngoài dự toán nhưng không thể trì hoãn được mà nguồn dự phòng không đủ đáp ứng thì phải sắp xếp lại các khoản chi, để có nguồn đáp ứng nhu cầu chi đột xuất đó.

Khi thực hiện việc tăng, giảm thu, chi, Thủ tướng Chính phủ (đối với ngân sách TƯ), chủ tịch UBND (đối với ngân sách địa phương) phải báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân cùng cấp vào kỳ họp gần nhất.

Phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước phải bảo đảm các nguyên tắc theo luật định. Phân cấp đúng đắn vừa bảo đảm duy trì tính thống nhất của Nhà nước, vai trò chủ đạo của Trung ương, vừa tăng cường tính chủ động và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, các bộ, ngành, các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước.

Đó cũng là yếu tố quan trọng để thực hiện cân đối ngân sách Nhà nước một cách tích cực. Khi nhận được số phân bổ về ngân sách, các Bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh cần làm tốt công tác giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc cấp dưới.

Về thu ngân sách Nhà nước: Căn cứ mức thu Thủ tướng chính phủ giao, các Bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh và tổng cục Hải quan cần khẩn trương làm tốt công tác giao dự toán thu cho các đơn vị trực thuộc và cấp dưới. Mức giao tối thiểu phải bằng mức Thủ tướng chính phủ giao.

Về chi ngân sách Nhà nước: Chính phủ sẽ giao dự toán chi ngân sách Trung ương cho các bộ, cơ quan Trung ương tối đa bằng mức dự toán theo phương án phân bổ đã được Quốc hội thông qua. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao dự toán chi cho các đơn vị trực thuộc tối đa là 100% dự toán chi thường xuyên và cho ngân sách cấp dưới bằng mức 100% theo phương án phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương. ủy ban nhân dân huyện giao cho đơn vị trực thuộc cũng tối đa là 100% theo phương án phân bổ dự oán chi ngân sách đã được Hội đồng nhân dân quyết định.

Những khoản chi trong dự toán và có nguồn thu bảo đảm phải được cấp phát đúng đủ, kịp thời theo tiến độ; các cấp, các ngành, cơ quan tài chính không được gây trì trệ, dồn chi vào cuối quý, cuối năm.

2.3. Trong khâu quyết toán ngân sách Nhà nước.

Trong thời gian chỉnh lý quyết toán: Hạch toán tiếp các khoản thu, chi ngân sách Nhà nước phát sinh từ 31/12 trở về trước nhưng chứng từ còn đi trên đường; hạch toán tiếp các khoản chi ngân sách Nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của năm trước nếu được cấp có thẩm quyền quyết định cho chi tiếp vào niên độ ngân sách Nhà nước năm trước; đối chiếu và điều chỉnh những sai sót trong quá trình hạch toán kế toán.

Trong khâu quyết toán sẽ phải đánh giá hoạt động ngân sách Nhà nước năm đã qua, trong đó có vấn đề tổ chức cân đối ngân sách Nhà nước..., nhằm rút ra kinh nghiệm tốt áp dụng cho năm tiếp theo.

Thật ra, tổ chức cân đối ngân sách Nhà nước cũng chỉ là một trong những nội dung quan trọng của quá trình lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước.

Tất cả các giải pháp về kinh tế, tài chính, tổ chức, v v... để thực hiện tốt việc lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước cũng là những giải pháp để tổ chức cân đối

ngân sách Nhà nước. Ngược lại, làm tốt việc tổ chức tốt cân đối ngân sách Nhà nước, sẽ góp phần thực hiện tốt việc quản lý ngân sách Nhà nước.

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản lý tài chính công (Trang 168 - 171)