II. Quản lý chu trình ngân sách Nhà nước
1. Nguyên tắc quản lý ngân sách Nhà nước
2.2. Sự cần thiết phải phân cấp quản lý ngân sách
Về lý thuyết, quản lý và điều hành ngân sách có thể tập trung cao độ mọi quyền lực vào chính quyền trung ương. Nhà nước chỉ có một ngân sách duy nhất, ngân sách này do chính quyền trung ương toàn quyền quản lý và quyết định sử dụng, phủ nhận sự tồn tại độc lập của ngân sách địa phương.
Lợi thế của cách quản lý này là cho phép tập trung toàn bộ nguồn thu vào tay Nhà nước trung ương để bố trí chi tiêu cho hợp lý, công bằng, đồng đều giữa các vùng, miền, ngành nghề chống biểu hiện cục bộ địa phương. Tuy nhiên, phương án này tạo ra tư tưởng ỷ lại, thụ động trông chờ vào trung ương và đặc biệt là nguồn lực vốn có hạn của xã hội có thể bị sử dụng lãng phí, không đáp ứng đúng đắn và kịp thời nhu cầu của người dân.
Do đó, trên thực tế các Nhà nước đều thực hiện phân cấp quản lý ngân sách ở mức độ nhất định cho chính quyền địa phương. Phân cấp được xem như một phương thức để tăng tính dân chủ, linh hoạt, hiệu quả và trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc cung cấp các hàng hoá và dịch vụ công cộng.
Nhà nước thay mặt cho cồng đồng cung cấp những hàng hoá và dịch vụ công cộng mà người dân mong muốn. Trên thực tế để đảm bảo việc cung ứng đó một cách hiệu quả phải xuất phát từ nhu cầu của người dân. Những hàng hoá, dịch vụ công cộng gắn với đặc thù của từng địa phương, chỉ có chính quyền địa phương hiểu rõ nhất họ cần gì? Hơn nữa, việc gắn với người hưởng lợi đã tạo động lực để chính quyền cũng như người dân phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc phát huy nội lực, tăng cường kiểm tra, giám sát trong quản lý thu, chi ngân sách. Người dân cũng sẵn sàng, tự giác hơn trong việc chi trả cho các dịch vụ mà họ đã lựa chọn.
Tất nhiên, đi cùng với phân cấp quản lý ngân sách nhiều vấn đề có thể nảy sinh như mất công bằng; tham nhũng, tuỳ tiện, không đảm bảo kỷ luật tài khoá tổng thể hay chính sách chiến lược quốc gia cũng cần được tính đến và có “thuốc chữa” khi cần thiết.