II. Quản lý chu trình ngân sách Nhà nước
1. Nguyên tắc quản lý ngân sách Nhà nước
1.3. Nguyên tắc đảm bảo trách nhiệm
Với tư cách là người được nhân dân “uỷ thác” trong việc sử dụng nguồn lực, Nhà nước phải đảm bảo trách nhiệm trước nhân dân về toàn bộ quá trình quản lý ngân sách, về kết quả thu, chi ngân sách. Chịu trách nhiệm hữu hiệu bao gồm khả năng điều trần và gánh chịu hậu quả.
Khả năng điều trần là yêu cầu đối với cán bộ quản lý ngân sách và các quan chức của các bộ, ngành định kỳ phải trả lời các câu hỏi liên quan đến thu, chi ngân sách cũng như kết quả đạt được đằng sau các con số thu, chi đó.
Khả năng gánh chịu hậu quả là khả năng chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm mà các Nhà quản lý thu, chi ngân sách gây ra. Những hậu quả này cũng cần được rõ ràng, quy định trước và thực thi hữu hiệu tránh hình thức.
Tính chịu trách nhiệm bao gồm chịu trách nhiệm có tính chất nội bộ và chịu trách nhiệm ra bên ngoài. Chịu trách nhiệm nội bộ của Nhà quản lý ngân sách bao gồm chịu trách nhiệm của cấp dưới với cấp trên, với người giám sát, kiểm tra ngân
sách trong nội bộ Nhà nước. Chịu trách nhiệm ra bên ngoài muốn nói tới ở đây là tính chịu trách nhiệm của các bộ, ngành đối với khách hàng của mình như những người nộp thuế hay đối tượng được hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục... Nâng cao tính chịu trách nhiệm ra bên ngoài đặc biệt cần thiết khi Nhà nước gia tăng phi tập trung hoá, tăng tự chủ trong quản lý ngân sách cho các địa phương, bộ, ngành, đơn vị. Điều này cũng được thể hiện rõ trong luật ngân sách của Việt Nam. Quốc hội, Hội đồng nhân dân được bầu theo nhiệm kỳ và chịu trách nhiệm giải trình trước toàn bộ cử tri về ngân sách. Cơ quan hành pháp chịu trách nhiệm giải trình trước cơ quan lập pháp. Nhiệm vụ, quyền hạn của các bên liên quan đến ngân sách như: Quốchội, Chủ tịch nước,Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế
hoạch đầu tư, Uỷ ban nhân dân các cấp, các tổ chức, cá nhân...được quy định rõ ràng trong luật ngân sách.
Trong phân cấp ngân sách mỗi cấp chính quyền được phân định nguồn thu, nhiệm vụ chi cụ thể. Nhiệm vụ chi của ngân sách cấp nào cấp đó đảm bảo; việc ban hành và thực hiện chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách phải có giải pháp bảo đảm nguồn tài chính phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách từng cấp.
Trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên uỷ quyền cho cấp dưới thực hiện nhiệm vụ chi của cấp mình, thì buộc phải chuyển kinh phí đi kèm để cấp dưới
có thể hoàn thành nhiệm vụ. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng.
Trong quản lý ngân sách Nhà nước Việt Nam, cũng dần dần phải hướng tới phương thức quản lý ngân sách hiện đại mà các nước đang từng bước áp dụng đó là: quản lý ngân sách theo đầu ra và kết quả hoạt động trong khuôn khổ tài chính trung hạn (MTFF) và khuôn khổ chi tiêu trung hạn (MTEF)