1. Quản lý chi đầu tư vốn cho các doanh nghiệp Nhà nước
Trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, việc đầu tư thành lập các doanh nghiệp Nhà nước và hỗ trợ tài chính từ NSNN cho các doanh nghiệp Nhà nước
thuộc lĩnh vực, ngành nghề cần thiết nhằm thực hiện vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế quốc dân của Nhà nước.
Doanh nghiệp Nhà nước được thành lập mới ở những ngành, lĩnh vực, địa bàn sau:
- Ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội;
- Ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi đầu tư lớn;
- Ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao;
- Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Doanh nghiệp Nhà nước mới thành lập theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được NSNN đầu tư một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ ban đầu nhưng không thấp hơn tổng mức vốn pháp định quy định cho ngành nghề mà doanh nghiệp kinh doanh nếu có. Căn cứ vào quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước của cấp có thẩm quyền, toàn bộ hoặc một phần nhu cầu vốn điều lệ để thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước được NSNN cấp phát một lần khi mới thành lập.
Mức vốn NSNN cấp khi thành lập doanh nghiệp được xác định căn cứ vào loại hình doanh nghiệp Nhà nước, lĩnh vực và ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, mức vốn pháp định quy định cho ngành nghề mà doanh nghiệp kinh doanh, vốn điều lệ của doanh nghiệp, quyết định thành lập doanh nghiệp của cấp có thẩm quyền. Ngoài vốn NSNN cấp ban đầu, doanh nghiệp phải tự huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn. Doanh nghiệp Nhà nước có nghĩa vụ nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khi có sự thay đổi về vốn điều lệ, doanh nghiệp phải công bố công khai vốn điều lệ mới theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trường hợp vốn điều lệ thấp hơn vốn pháp định của ngành nghề doanh nghiệp kinh doanh thì cơ quan cấp có thẩm quyền quyết định thành lập doanh nghiệp phải có kế hoạch cấp bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp hoặc giảm ngành nghề cho doanh nghiệp hoặc quyết định phá sản doanh nghiệp theo Luật Phá sản doanh nghiệp.
Việc cấp bổ sung vốn cho các doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện hàng năm. Hàng năm, trong thời gian lập dự toán NSNN, căn cứ vào quyết định thành lập doanh nghiệp của cấp có thẩm quyền, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch thu chi tài chính của doanh nghiệp; các doanh nghiệp Nhà nước lập nhu cầu cấp bổ sung vốn từ NSNN gửi cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan tài chính đồng cấp để tổng hợp đưa vào dự toán NSNN. Căn cứ vào nguồn vốn cấp bổ sung cho các doanh nghiệp Nhà nước bố trí trong dự toán NSNN được Quốc hội thông qua và hướng dẫn của Bộ Tài chính, cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm thẩm định hồ sơ đề nghị cấp vốn bổ sung của các doanh nghiệp và trình cấp có thẩm quyền quyết định mức cấp vốn bổ sung cho các doanh nghiệp Nhà nước.
Đối tượng được chi trợ cấp tài chính, trợ giá sản phẩm từ NSNN là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khi tham gia thực hiện các nhiệm vụ hoạt động công ích, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo chính sách giá của Nhà nước.
Các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động công ích, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo chính sách giá của Nhà nước được xét trợ cấp hoặc trợ giá từ NSNN phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hoạt động công ích, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo chính sách giá của Nhà nước;
- Mặt hàng, dịch vụ thuộc danh mục trợ cấp, trợ giá;
- Đảm bảo số lượng, chất lượng, thời gian thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc đặt hàng của Nhà nước;
- Mức trợ cấp, trợ giá phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định;
- Thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ quản lý tài chính và thu nộp NSNN. Hàng năm, căn cứ vào quy định và hướng dẫn của Bộ Tài chính, nhiệm vụ sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ Nhà nước giao; các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch thu chi tài chính, trong đó có kế hoạch trợ cấp tài chính, trợ giá sản phẩm báo cáo cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp và cơ quan tài chính đồng cấp. Căn cứ vào dự toán chi ngân sách hàng năm được duyệt, cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp có trách nhiệm thẩm tra và trình cơ quan cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức trợ cấp tài chính, trợ giá sản phẩm đối với từng doanh nghiệp.
Căn cứ vào kế hoạch trợ cấp tài chính, trợ giá sản phẩm hàng năm đã được phê duyệt, cơ quan tài chính tạm cấp cho doanh nghiệp 70% số trợ cấp, trợ giá theo tiến độ thực hiện kế hoạch. Kết thúc toàn bộ công việc hoặc kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước trợ cấp, trợ giá với cơ quan giao kế hoạch hoặc đặt hàng và cơ quan tài chính cùng cấp. Cơ quan giao kế hoạch hoặc đặt hàng và cơ quan tài chính có trách nhiệm kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện về số lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội của sản phẩm hoặc dịch vụ được trợ cấp, trợ giá:
- Nếu doanh nghiệp không đảm bảo số lượng và chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo kế hoạch thì cơ quan tài chính sau khi trao đổi với cơ quan giao kế hoạch hoặc đặt hàng sẽ quyết định thu hồi số tiền chi không đem lại hiệu quả và số tiền thừa nộp NSNN hoặc chuyển thành khoản cấp phát năm sau;
- Nếu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu về số lượng và chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo kế hoạch mà vẫn còn thiếu thì cơ quan tài chính cấp phát bổ sung số còn thiếu trong kế hoạch dự toán được duyệt;
- Các trường hợp có biến động về giá và nhiệm vụ đột xuất ngoài kế hoạch được giao thì cơ quan tài chính cùng cơ quan giao kế hoạch hoặc đặt hàng xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể trong tổng mức trợ cấp đã bố trí trong kế hoạch hoặc đưa vào dự toán năm sau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Quản lý Tài chính công, Học viện Tài chính, NXB Tài chính, năm 2007
2. Hướng dẫn xây dựng và thực hiện khuôn khổ chi tiêu trung hạn - MTEF, Bộ Tài chính - Dự án VIE/96/028, năm 2001
3. Đổi mới chi tiêu công cộng ở Việt Nam, Chương trình phát triển Liên hợp quốc - Bộ Tài chính, năm 2003
4. Đánh giá và quản lý chi tiêu công ở Việt Nam - Những kết quả về lý luận và thực tiễn, Dự án VIE/96/028, năm 2003
5. Quản lý NSNN theo kết quả đầu ra và khả năng ứng dụng ở Việt Nam, NXB Lao động - Xã hội, năm 2008
6. Mười bước tiến tới hệ thống giám sát và đánh giá dựa trên kết quả, Jody Zall Kusek và Ray C.Rist, NXB Văn hóa – Thông tin, năm 2005
Chương 6: Quản lý chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước I. Nội dung, đặc điểm chi thường xuyên của NSNN
1. Nội dung chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước
Chi tiêu của NSNN diễn ra trên phạm vi rộng, đa dạng về hình thức. Trong quản lý NSNN ta hiện nay người ta chủ yếu phân loại nội dung chi của nó theo một số nhóm lớn, như: chi đầu tư phát triển, chi thườngxuyên, chi trả nợ, chi viện trợ và chi khác.
Chi thường xuyên của NSNN là quá trình phân phối, sử dụng vốn từ quĩ NSNN để đáp ứng cho các nhu cầu chi gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước về lập pháp, hành pháp, tư pháp và một số dịch vụ công cộng khác mà Nhà nước vẫn phải cung ứng.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ thường xuyên mà Nhà nước phải đảm nhận càng tăng, đã làm phong phú thêm nội dung chi thường xuyên của NSNN. Tuy vậy, trong công tác quản lý chi người
ta có thể lựa chọn một số cách phân loại các hình thức chi để tập hợp chúng vào nội dung chi thường xuyên một cách nhanh và thống nhất.
1.1. Nếu xét theo từng lĩnh vực chi
Nếu phân loại theo tiêu thức này, thì nội dung chi thường xuyên của NSNN bao gồm:
+ Chi cho các hoạt động sự nghiệp thuộc lĩnh vực văn - xã.
Hoạt động sự nghiệp văn - xã thuộc phạm vi chi thường xuyên của NSNN bao gồm nhiều loại hình đơn vị tham gia vào lĩnh vực này, như: các đơn vị sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo; sự nghiệp Y tế; sự nghiệp Văn hoá - Nghệ thuật; Thể dục - Thể thao; Thông tấn, báo chí; Phát thanh - Truyền hình; .v.v., một khi các đơn vị đó do Nhà nước thành lập và giao nhiệm vụ cho nó hoạt động. Tuy nhiên, mức cấp kinh phí cho mỗi đơn vị là bao nhiêu lại tuỳ thuộc vào nhiệm vụ mà mỗi đơn vị phải đảm nhận và cơ chế quản lý tài chính mà mỗi đơn vị thuộc hoạt động sự nghiệp văn - xã đã đăng ký áp dụng với cơ quan quản lý tài chính Nhà nước và hiện đang có hiệu lực thi hành.
+ Chi cho các hoạt động sự nghiệp kinh tế của Nhà nước.
Việc thành lập các đơn vị sự nghiệp kinh tế để phục vụ cho hoạt động của mỗi ngành và phục vụ chung cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân là hết sức cần thiết. Trong điều kiện của nước ta hiện nay, hầu như ngành nào cũng có một số đơn vị sự nghiệp kinh tế do ngành đó quản lý. Tuy nhiên, kết quả do hoạt động của các đơn vị sự nghiệp kinh tế này tạo ra không nhất thiết chỉ mang lại lợi ích riêng cho một ngành đó, mà nhiều khi lại là lợi ích chung của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Ví dụ: Các đơn vị sự nghiệp giao thông do ngành Giao thông quản lý, nhưng kết quả hoạt động của sự nghiệp giao thông là góp phần làm cho giao thông được thông suốt, an toàn lại là lợi ích chung cho rất nhiều ngành được hưởng. Những ví dụ tương tự như trên có thể thấy rất rõ ở hoạt động sự nghiệp của các ngành khác, như: Sự nghiệp Nông nghiệp, thuỷ lợi, ngnghiệp và lâm nghiệp; sự nghiệp Khí tượng, thuỷ văn; sự nghiệp Đo vẽ bản đồ; sự nghiệp Định canh, định cư và kinh tế mới .v.v..
Một bộ phận nguồn kinh phí để đáp ứng cho nhu cầu hoạt động của đa số các đơn vị sự nghiệp kinh tế được hình thành thông qua số chi thường xuyên của NSNN và các đơn vị được cấp phát từ nguồn vốn của NSNN tại Kho bạc Nhà nước. Bên cạnh đó, một
bộ phận nguồn kinh phí do các đơn vị tự thu, được phép giữ lại để sử dụng và quản lý qua NSNN, như: các khoản phí, lệ phí và các khoản thu sự nghiệp khác. Về thực chất, những khoản này vẫn phải tính vào cơ cấu chi thường xuyên của NSNN và được xử lý thông qua nghiệp vụ ghi thu – ghi chi vào NSNN của Kho bạc Nhà nước.
+ Chi cho các hoạt động quản lý Nhà nước.
Khoản chi này phát sinh ở hầu hết các ngành trong nền kinh tế quốc dân. Bởi với chức năng quản lý toàn diện mọi hoạt động kinh tế, xã hội nên bộ máy quản lý Nhà nước đã được thiết lập từ Trung ương đến địa phương và có ở mọi ngành kinh tế quốc dân. Cụ thể là:
Để thực hiện quyền lập pháp, bộ máy quản lý Nhà nước được thiết lập ở cấp Trung ương có Quốc hội, cấp địa phương có Hội đồng nhân dân các cấp.
Để thực hiện quyền hành pháp, bộ máy quản lý Nhà nước được thiết lập ở cấp Trung ương có Chính phủ và các Bộ, ngành giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ: Giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về Giáo dục - Đào tạo trên địa bàn cả nước, có Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về Y tế trên địa bàn cả nước, có Bộ Y tế..v.v..
Để thực hiện quyền hành pháp, bộ máy quản lý Nhà nước được thiết lập ở cấp địa phương có Uỷ ban nhân dân các cấp và các cơ quan giúp Uỷ ban nhân dân mỗi cấp đó thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể, như: Sở Văn hoá - Thông tin giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về hoạt động Văn hoá - Thông tin trên địa bàn toàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi và diện tích các loại đất đai sử dụng cho mục đích này.v.v..
Bộ máy quản lý Nhà nước về tư pháp được thể hiện thông qua cơ cấu tổ chức của 02 cơ quan: Viện Kiểm sát và Toà án. Hai cơ quan này cũng được tổ chức theo một hệ thống dọc từ Trung ương xuống đến tận các địa phương.
Tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước như trên muốn tồn tại và hoạt động để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước thì về cơ bản phải trông cậy vào sự cấp phát nguồn kinh phí từ NSNN; đặc biệt có những cơ quan 100% kinh phí hoạt động là do NSNN đảm bảo (Đảng Cộng sản Việt Nam).
+ Chi cho các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác được cấp kinh phí từ NSNN
Được xếp vào các tổ chức này bao gồm: Đảng Cộng Sản Việt Nam và các tổ chức Chính trị_xã hội như: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tập thể, Hội Liên hiệp phụ nữ, Tổng Liên đoàn lao động.
Có thể coi đây là nét đặc thù trong cơ cấu thị trường thường xuyên của NSNN ở nước ta; vi: Thiết chế của bộ máy nhà nước ta xác lập khác; cacstoor chức chính trị-xã hội được coi như là cánh tay nối dài để tổ chức hoạt động mà Đảng và Nhà nước đã giao phó cho mỗi tổ chức đó.
+ Chi cho Quốc phòng - An ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Phần lớn số chi NSNN cho Quốc phòng - An ninh được tính vào cơ cấu chi thường xuyên của NSNN (trừ chi đầu tư XDCB cho các công trình quốc phòng, an ninh).
Sở dĩ sắp xếp như vậy là do nhu cầu chi cho Quốc phòng - An ninh được coi là tất yếu và phải thường xuyên quan tâm khi còn tồn tại giai cấp, tồn tại Nhà nước
ở mỗi quốc gia riêng biệt. Như vậy, số chi cho binh sĩ, cho sĩ quan, cho vũ khí và khí tài chuyên dụng của các lực lượng vũ trang đều được tính vào chi thường xuyên của NSNN hàng năm.
+ Chi khác
Ngoài các khoản chi lớn đã được sắp xếp vào 5 lĩnh vực trên, còn có một số khoản chi khác cũng được xếp vào cơ cấu chi thường xuyên như: Chi trợ giá theo chính sách của Nhà nước, chi hỗ trợ quĩ Bảo hiểm xã hội, phần chi thường xuyên thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án Nhà nước .v.v.. Mặc dù, nếu xét riêng từng khoản chi này thì nó không phát sinh đều đặn và liên tục trong các tháng của năm ngân sách; nhưng nó lại được coi là những giao dịch thường niên tất yếu của Nhà nước.