II. Những nội dung cơ bản của quản lý TCC
1.3. Quản lý và thực hiện các biện pháp cân đối thu, chi Ngân sách Nhà nước
Cân đối thu chi NSNN là một mặt cân đối lớn trong nền kinh tế quốc dân, nó vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của các mặt cân đối khác trong nền kinh tế quốc dân. Trong thực tiễn, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà hoạt động thu, chi NSNN không phải lúc nào cũng cân đối.
Về khách quan, hoạt động thu, chi NSNN bắt nguồn từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế. Trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đạt tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, nền kinh tế có tỷ lệ lạm phát thấp thì khả năng cân đối thu, chi NSNN được thực hiện tưương đối thuận lợi. Ngược lại, trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu suy thoái, lạm phát ở tốc độ cao thì khả năng cân đối thu, chi của NSNN gặp khó khăn.
Về chủ quan, do những tác động của chính sách kinh tế xã hội của Nhà nước làm nảy sinh sự mất cân đối thu, chi của NSNN. Một hệ thống chính sách kinh tế xã hội phù hợp có tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội và dựa trên khả năng của nguồn lực tài chính quốc gia thì khả năng cân đối thu - chi NSNN có điều kiện thực hiện. Ngược lại, một hệ thống chính sách chế độ kinh tế, xã hội mang ý chí chủ quan, không xuất phát từ thực trạng kinh tế - xã hội, không dựa trên khả năng nguồn lực tài chính quốc gia, thì vấn đề cân đối thu - chi NSNN khó đảm bảo.
Tuỳ theo cách tiếp cận nguyên nhân của sự mất cân đối mà có các phương pháp giải quyết khác nhau. Tuy nhiên, phương pháp phổ biến hiện nay là: Thực hiện hình thức tín dụng Nhà nước vay nợ trong và ngoài nước để đảm bảo sự cân đối thu - chi NSNN,
hình thành quỹ dự trữ, quỹ dự phòng tài chính...Việc quản lý cân đối thu - chi NSNN thực chất là việc quản lý thực hiện các biện pháp đó.
1.3.1.Quản lý tín dụng Nhà nước
Tín dụng Nhà nước là một biện pháp huy động nguồn lực tài chính do Nhà nước thực hiện thông qua hình thức vay và cho vay. Tín dụng Nhà nước xuất hiện nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết tình trạng thâm hụt NSNN (thu không đủ chi) và yêu cầu đầu tư phát triển kinh tế do Nhà nước thực hiện.
Quản lý tín dụng Nhà nước về thực chất là tính toán xác định nhu cầu nguồn lực tài chính cần thiết phải huy động qua con đường tín dụng; tính toán khả năng chi trả; lựa chọn các hình thức tín dụng thích hợp, quy định chặt chẽ quy trình giải ngân bảo đảm tính kịp thời; phân tích đánh giá tình hình sử dụng nguồn tín dụng trên góc độ đầu tư và hiệu quả.
1.3.2. Quản lý dự trữ, dự phòng tài chính của Nhà nước
Trong quá trình vận động của kinh tế thị trường, nhiều rủi ro, bất trắc có thể xảy ra làm phương hại đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong điều kiện đó, việc thành lập và sử dụng các quỹ dự trữ, dự phòng tài chính của Nhà nước là cần thiết nhằm khắc phục những rủi ro, bất trắc, tạo điều kiện đảm bảo sự cân đối trong hoạt động của NSNN.
Thực chất của việc quản lý quỹ dự trữ, dự phòng tài chính của Nhà nước là việc xác lập các định mức trích, hình thành các quy chế sử dụng; xây dựng chế độ kiểm tra, kiểm soát thích hợp với các đặc điểm của quỹ dự trữ, dự phòng.