Phân loại chi ngân sách Nhà nước

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản lý tài chính công (Trang 56 - 58)

III. Tổ chức bộ máy quản lý tài chính công

2. Chức năng, nhiệm vụ của bộ máy quản lý tài chính công hiện nay ở Việt Nam

2.2. Phân loại chi ngân sách Nhà nước

Chi ngân sách Nhà nước là quá trình phân phối và sử dụng quỹ ngân sách nhằm thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước trong từng thời kỳ. Nội dung chi ngân sách rất đa dạng, điều này xuất phát từ vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước trong việc phát triển kinh tế-xã hội. Nó bao gồm các khoản chi phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm hoạt động của bộ máy Nhà nước; chi trả nợ của Nhà nước; chi viện trợ và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

Phân loại chi có vai trò quan trọng trong việc phục vụ quá trình hoạch định chính sách và phân bổ ngân sách giữa các lĩnh vực; đảm bảo trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quản lý ngân sách. Nó giúp cho quá trình phân tích kinh tế và quản lý thực hiện ngân sách hàng ngày được thuận lợi cũng nh định hướng chi ngân sách trong tương lai. Tuỳ thuộc vào các mục tiêu khác nhau mà chi ngân sách có nhiều cách phân loại.

2.2.1. Phân loại theo ngành kinh tế quốc dân

Đây là cách phân loại dựa vào chức năng của chính phủ đối với nền kinh tế-xã hội thể hiện qua 20 ngành kinh tế quốc dân, như: Nông nghiệp lâm nghiệp-thuỷ lợi; thuỷ sản; công nghiệp khai thác mỏ; công nghiệp chế biến; xây dựng; khách sạn Nhà hàng và du lịch; giao thông vận tải, kho bãi và thông tin liên lạc; tài chính, tín dụng; khoa học và công nghệ; quản lý Nhà nước và an ninh quốc phòng; giáo dục và đào tạo; y tế và các hoạt động xã hội; hoạt động văn hoá và thể thao...

Phân loại theo ngành kinh tế quốc dân nhằm so sánh chi ngân sách giữa các nước được thuận lợi theo Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) và cẩm nang Thống kê Tài chính của chính phủ (GFS) do Liên Hợp Quốc xây dựng. Hơn nữa, cách phân loại này còn giúp phân tích chính sách chi ngân sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Nhà nước trong từng thời kỳ.

2.2.2. Phân loại chi theo nội dung kinh tế của các khoản chi

Căn cứ vào nội dung kinh tế của các khoản chi mà chi ngân sách Nhà nước có thể chia ra thành các nhóm, tiểu nhóm, mục, tiểu mục chi ngân sách.

Theo cách phân loại này thì các khoản chi được chia thành: Chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và chi khác.

Chi thường xuyên là những khoản chi có thời hạn tác động ngắn thường dưới một năm. Nhìn chung, đây là các khoản chi chủ yếu phục vụ cho chức năng quản lý và điều

hành xã hội một cách thường xuyên của Nhà nước như: Quốc phòng, an ninh, sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá thông tin, thể dục thể thao, khoa học công nghệ, hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam.... Thuộc loại chi thường xuyên gồm có các nhóm, mục chi sau đây:

- Chi thanh toán cho các cá nhân như tiền lương; tiền công; phụ cấp lương; học bổng sinh viên; tiền thưởng; phúc lợi tập thể; các khoản đóng góp như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn v.v...

- Chi nghiệp vụ chuyên môn: Các khoản chi về hàng hóa, dịch vụ tại các cơ quan Nhà nước như: điện nước, vệ sinh môi trường; vật tư văn phòng; dịch vụ thông tin, tuyên truyền, liên lạc, hội nghị, công tác phí; chi phí nghiệp vụ chuyên môn của từng ngành như in ấn chỉ; đồng phục trang phục...

- Chi mua sắm, sửa chữa: Các khoản chi mua đồ dùng, trang thiết bị, phương tiện làm việc, sửa chữa lớn tài sản cố định và xây dựng nhỏ.

Các khoản chi đầu tư phát triển là những khoản chi có thời hạn tác động

dài thường trên một năm, hình thành nên những tài sản vật chất có khả năng taọ được nguồn thu, trực tiếp làm tăng cơ sở vật chất của đất nước.

Các khoản chi đầu tư phát triển bao gồm:

Chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội không có khả năng thu hồi vốn như: Các công trình giao thông, điện lực, bưu chính viễn thông, các công trình văn hoá, giáo dục, y tế, phúc lợi công cộng v.v..; chi mua hàng hoá, vật tdự trữ của Nhà nước; đầu tư hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp Nhà nước; góp vốn cổ phần liên doanh vào các doanh nghiệp cần thiết phải có sự tham gia của Nhà nước; chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án của Nhà nước.

Các khoản chi khác bao gồm những khoản chi còn lại không xếp được vào hai nhóm chi kể trên bao gồm: như: chi trả nợ gốc và lãi; chi viện trợ; chi cho vay; chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính; chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới; chi chuyển nguồn từ ngân sách năm trước sang ngân sách năm sau.

Việc phân loại các khoản chi thành chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển là rất cần thiết trong quản lý NSNN. Nó cho phép đánh giá, so sánh các khoản chi thường xuyên phải bỏ ra cho các hoạt động quản lý kinh tế-xã hội của Nhà nước làm cơ sở để xác định được hiệu quả hoạt động của các đơn vị. Sự khác biệt trong kỹ thuật quản lý giữa chi đầu tư và chi thường xuyên cũng là một lý do giải thích cho sự cần thiết của việc phân loại này.

Trong chi đầu tư phát triển, kỹ thuật lựa chọn các dự án phải dựa trên việc phân tích đánh giá chi phí và lợi ích trong dài hạn, điều này hoàn toàn khác với cách đánh giá các khoản chi thường xuyên có tính chất ngắn hạn. Nếu một quốc gia muốn tăng trưởng

trong dài hạn thì cần ưu tiên chi ngân sách Nhà nước cho các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội.

Cách phân loại này cung cấp các thông tin cần thiết để Nhà nước phân bổ cũng như quản lý ngân sách cho các hoạt động đầu tư đó. Nó còn đáp ứng cho mục đích thống kê tài chính của chính phủ, đồng thời giúp cho việc kiểm soát tuân thủ các tiêu chuẩn định mức chi tiêu của Nhà nước cũng như ph n tích kinh tế đảm bảo cân đối giữa các nhóm, mục chi.

2.2.3. Phân loại theo tổ chức hành chính

Phân loại theo tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước là cần thiết để xác định rõ trách nhiệm quản lý chi công cộng cho từng bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và cũng cần thiết cho quản lý thực hiện ngân sách hàng ngày, ví dụ: giao dịch thu, chi qua Kho bạc Nhà nước.

Theo cách phân loại này chi ngân sách được phân loại theo các bộ, cục, sở, ban, hoặc cơ quan, đơn vị thụ hưởng kinh phí ngân sách Nhà nước theo cấp quản lý: trung ương, tỉnh, huyện hay xã. Chi ngân sách còn được phân loại theo đơn vị dự toán các cấp bao gồm: cấp I; cấp II; cấp III nhằm làm rõ trách nhiệm từng cấp trong quản lý ngân sách nói chung và kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách Nhà nước nói riêng.

Đơn vị dự toán cấp I là đơn vị trực tiếp nhận dự toán ngân sách hàng năm do Thủ tướng Chính phủ hoặc Uỷ ban nhân dân giao. Đơn vị dự toán cấp I thực hiện phân bổ, giao dự toán ngân sách cho đơn vị cấp dưới trực thuộc; chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc tổ chức, thực hiện công tác kế toán và quyết toán ngân sách của đơn vị mình và công tác kế toán và quyết toán ngân sách của các đơn vị dự toán cấp dưới trực thuộc.

Đơn vị dự toán cấp II là đơn vị cấp dưới đơn vị dự toán cấp I, được đơn vị dự toán cấp I giao dự toán và phân bổ dự toán được giao cho đơn vị dự toán cấp III (trường hợp được ủy quyền của đơn vị dự toán cấp I), chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kế toán và quyết toán ngân sách của đơn vị mình và công tác kế toán và quyết toán của các đơn vị dự toán cấp dưới.

Đơn vị dự toán cấp III là đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách, được đơn vị dự toán cấp I hoặc cấp II giao dự toán ngân sách, có trách nhiệm tổ chức, thực hiện công tác kế toán và quyết toán ngân sách của đơn vị mình và đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc (nếu có).

Đơn vị cấp dưới của đơn vị dự toán cấp III được nhận kinh phí để thực hiện phần công việc cụ thể, khi chi tiêu phải thực hiện công tác kế toán và quyết toán.

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản lý tài chính công (Trang 56 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)