I. khái niệm, nội dung và đặc điểm chi đầu tư phát triển của NSNN
2. Nội dung chi đầu tư phát triển của NSNN
Chi đầu tư phát triển của NSNN bao gồm nhiều khoản chi với những mục đích khác nhau, có tính chất và đặc điểm khác nhau. Tuy vậy, để phục vụ cho công tác quản lý, người ta có thể dựa vào những tiêu thức nhất định để xác định nội dung chi cụ thể trong chi đầu tư phát triển của NSNN.
Căn cứ vào mục đích của các khoản chi thì nội dung chi đầu tư phát triển của NSNN bao gồm:
- Chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng thu hồi vốn. Khoản chi này nhằm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của nền kinh tế quốc dân, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc đối tượng đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư phát triển của NSNN bao gồm: các công trình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không...); các công trình đê điều, hồ đập, kênh mương; các công trình bưu chính viễn thông, điện lực, cấp thoát nước; các công trình giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, văn hoá, thể thao, công sở của các cơ quan hành chính Nhà nước, phúc lợi công cộng...
- Chi đầu tư và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của Nhà nước; góp vốn cổ phần, liên doanh vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cần thiết có sự tham gia của Nhà nước theo quy định của pháp luật. Những khoản chi này góp phần quan trọng để Nhà nước thực hiện vai trò dẫn dắt, điều chỉnh và định hướng
cho sự phát triển của nền kinh tế theo đúng mục tiêu của Nhà nước trong từng thời kỳ, nhằm đạt được sự phát triển ổn định và hiệu quả của nền kinh tế quốc dân.
- Chi dự trữ Nhà nước là khoản chi để mua hàng hoá vật tư dự trữ Nhà nước có tính chiến lược của quốc gia hoặc hàng hoá, vật tư dự trữ Nhà nước mang tính chất chuyên ngành.
Chi dự trữ Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng để ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân khi nền kinh tế gặp phải những biến cố bất ngờ như thiên tai, dịch bệnh, địch hoạ…
- Chi đầu tư phát triển thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án Nhà nước như chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, chương trình 135, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, dự án định canh định cư ở các xã nghèo, dự án chống xuống cấp và tôn tạo các di tích lịch sử, cách mạng và kháng chiến…
- Các khoản chi đầu tư phát triển khác.
Căn cứ vào tính chất của các hoạt động đầu tư phát triển thì chi đầu tư phát triển của NSNN bao gồm: chi đầu tư xây dựng cơ bản và các khoản chi không có tính chất đầu tư xây dựng cơ bản.
- Chi đầu tư xây dựng cơ bản của NSNN là các khoản chi để đầu tư xây dựng các công trình thuộc kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng thu hồi vốn, các công trình của các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư theo kế hoạch được
duyệt, các dự án quy hoạch vùng và lãnh thổ… Chi đầu tư xây dựng cơ bản có thể được thực hiện theo hình thức đầu tư xây dựng mới hoặc theo hình thức đầu tư xây dựng mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hoá các tài sản cố định và năng lực sản xuất phục vụ hiện có.
Theo cơ cấu công nghệ của vốn đầu tư thì chi đầu tư xây dựng cơ bản bao gồm chi xây lắp, chi thiết bị và chi khác. Thực chất chi đầu tư xây dựng cơ bản của
NSNN là quá trình phân phối và sử dụng một phần vốn tiền tệ từ quỹ NSNN để đầu tư tái sản xuất tài sản cố định nhằm từng bước tăng cường, hoàn thiện và hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật và năng lực sản xuất phục vụ của nền kinh tế quốc dân.
- Các khoản chi đầu tư phát triển không có tính chất đầu tư xây dựng cơ bản như chi cấp vốn ban đầu, cấp bổ sung vốn pháp định hoặc vốn điều lệ cho các doanh nghiệp Nhà nước; hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hoá; chi cấp vốn điều lệ và cấp vốn bổ sung cho các tổ chức tài chính của Nhà nước; chi mua hàng hoá, vật tư, thiết bị dự trữ Nhà nước; chi góp vốn cổ phần, góp vốn liên doanh của Nhà nước; chi trợ cấp, trợ giá hoặc các cơ chế ưu đãi khác cho các doanh nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ hoạt động công ích…