1. Một số vấn đề cơ bản về phí và lệ phí
Trong đời sống kinh tế - xã hội, các thể nhân và pháp nhân muốn tồn tại và tham gia vào các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội đều phải tiêu dùng của cải xã hội, đó là các hàng hoá dịch vụ do xã hội cung cấp. Căn cứ vào thuộc tính có thể sử dụng chung và khả năng loại trừ các thể nhân, pháp nhân trong việc khai thác và sử dụng các hàng hoá dịch vụ, người ta chia hàng hoá dịch vụ thành hai loại: hàng hoá dịch vụ tư nhân và hàng hoá dịch vụ công cộng.
Hàng hoá dịch vụ công cộng có thuộc tính cơ bản là nhiều người có thể sử dụng chung cùng một lúc và không thể hoặc khó có thể loại trừ được khả năng sử dụng của người khác. Mặt khác, đầu tư cung cấp hàng hoá dịch vụ công cộng thường đòi hỏi chi phí lớn, tỷ suất doanh lợi thấp và thời gian thu hồi vốn dài hoặc không có khả năng thu hồi vốn. Bên cạnh đó, việc đầu tư cung cấp một số hàng hoá dịch vụ công cộng lại liên quan đến những vấn đề hệ trọng về quốc phòng - an ninh quốc gia và về an sinh xã hội.
Chính vì vậy, đại bộ phận hàng hoá dịch vụ công cộng là do Nhà nước đầu
tư cung cấp để bảo đảm lợi ích công cộng và độ thoả dụng tối đa của toàn xã hội. Giữa hàng hoá và dịch vụ cũng có sự khác biệt. Hàng hoá là các sản phẩm cụ thể có đầy đủ thuộc tính vật chất. Dịch vụ là những hoạt động phục vụ không được biểu hiện bằng các sản phẩm cụ thể, mà mang tính trừu tượng nhưng có thể cảm nhận được bằng các giác quan.
Trong thực tế, hàng hoá công cộng đều là những hàng hoá công cộng không thuần tuý như, nước sinh hoạt, các loại thuốc phòng bệnh dịch… và không khó khăn gì trong việc xác định ai là người sử dụng chúng và mức độ sử dụng của từng thể nhân, pháp nhân. Vì vậy, việc thu hồi chi phí đầu tư cung cấp hàng hoá công cộng được thực hiện thông qua cơ chế trao đổi, nhưng theo mức giá do Nhà nước quy định và ít bị chi phối bởi cơ chế thị trường.
Dịch vụ công cộng lại bao gồm cả những dịch vụ công cộng thuần tuý và những dịch vụ công cộng không thuần tuý. Đối với dịch vụ công cộng thuần tuý như quốc phòng - an ninh, an toàn xã hội, môi trường pháp luật, bảo vệ đê điều… nhìn chung là do Nhà nước cung cấp và không thể lượng hoá mức độ sử dụng của từng thể nhân, pháp nhân trong xã hội. Vì vậy, Nhà nước thu hồi chi phí đầu tư cung cấp dịch vụ công cộng thuần tuý được thực hiện thông qua công cụ thuế. Nhưng Ngược lại, đối với những dịch vụ công cộng không thuần tuý như giáo dục, y tế, văn hoá nghệ thuật, giao thông… thì
không khó khăn gì trong việc xác định các thể nhân, pháp nhân trực tiếp khai thác sử dụng những hàng hoá dịch vụ công cộng đó.
Vì vậy, dựa trên quan điểm ai được hưởng lợi ích trực tiếp thì phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp trực tiếp; Nhà nước đã quy định việc thu phí của các thể nhân, pháp nhân trực tiếp sử dụng các dịch vụ công cộng không thuần tuý đó để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí Nhà nước đã đầu tư cung cấp chúng cho xã hội và hạn chế tình trạng lạm sử dụng dịch vụ công cộng.
Trong nền kinh tế thị trường với chủ trương xã hội hoá các hoạt động kinh tế - xã hội; Nhà nước khuyến khích các thể nhân và pháp nhân thuộc mọi thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư cung cấp một số dịch vụ công cộng không thuần tuý cho xã hội như giáo dục, y tế, thể dục thể thao… dưới sự quản lý của Nhà nước. Các thể nhân, pháp nhân đầu tư cung cấp dịch vụ công cộng này được thu hồi chi phí thông qua việc thu phí dịch vụ hình thành theo cơ chế thị trường nhưng phù hợp với quy định của Nhà nước trong từng thời kỳ.
Ngoài ra xuất phát từ yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội; Nhà nước còn thực hiện cung cấp các dịch vụ hành chính pháp lý cho các thể nhân, pháp nhân trong xã hội và các thể nhân pháp nhân được các cơ quan Nhà nước cung cấp trực tiếp các dịch vụ hành chính pháp lý theo yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật phải thực hiện nghĩa vụ nộp một khoản tiền nhất định theo quy định của Nhà nước. Khoản tiền đó không phải là giá của các dịch vụ, mà là khoản thu phục vụ cho yêu cầu quản lý của Nhà nước và được gọi là lệ phí.
Những phân tích trên đây cho phép kết luận về bản chất của phí và lệ phí như sau:
Phí là khoản thu nhằm thu hồi chi phí đầu tư cung cấp các dịch vụ công cộng không thuần tuý theo quy định của pháp luật và là khoản tiền mà các tổ chức, cá nhân phải trả khi sử dụng các dịch vụ công cộng đó. Lệ phí là khoản thu gắn liền với việc cung cấp trực tiếp các dịch vụ hành chính pháp lý của Nhà nước cho các thể nhân, pháp nhân nhằm phục phụ cho công việc quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật.
1.1. Bản chất và đặc điểm của phí và lệ phí
- Phí là khoản thu nhằm thu hồi chi phí đầu tư cung cấp các dịch vụ công cộng không thuần tuý theo quy định của pháp luật và là khoản tiền mà các tổ chức, cá nhân phải trả khi sử dụng các dịch vụ công cộng đó.
- Lệ phí là khoản thu gắn liền với việc cung cấp trực tiếp các dịch vụ hành chính pháp lý của Nhà nước cho các thể nhân, pháp nhân nhằm phục phụ cho công việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Phí thuộc NSNN và lệ phí là khoản thu bắt buộc, phát sinh thường xuyên và mang tính chất hoàn trả gắn trực tiếp với việc hưởng thụ các dịch vụ do Nhà nước đầu tư cung cấp có thu phí hoặc lệ phí theo quy định của pháp luật.
1.2.Phân loại phí và lệ phí
- Phân loại phí, lệ phí là việc sắp xếp các loại phí, các loại lệ phí có cùng tính chất và đặc điểm vào một loại dựa theo những tiêu thức nhất định nhằm phục vụ cho công tác
quản lý phí, lệ phí.
- Phân loại phí: Phí thuộc NSNN và phí không thuộc NSNN; các loại phí theo lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội; phí trung ương và phí địa phương... Hệ thống phí hiện hành ở Việt Nam được phân loại theo tính chất công việc gắn với lĩnh vực, nhóm ngành có những đặc điểm về kinh tế kỹ thuật tương tự nhau để tránh trùng lắp và gắn với trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác quản lý và kiểm soát đối với từng loại phí.
- Phân loại lệ phí: Các loại lệ phí theo tính chất của các dịch vụ; lệ phí trung ương và lệ phí địa phương... Hệ thống lệ phí hiện hành ở Việt Nam được phân loại theo nhóm các công việc quản lý nhà nước để thuận tiện cho tác quản lý và kiểm soát đối với từng loại lệ phí.
2. Quản lý thu phí và lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước
2.1. Phân cấp thẩm quyền quy định về phí và lệ phí
Thẩm quyền quy định về phí và lệ phí là thẩm quyền quy định mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng tiền phí và lệ phí. Phân cấp thẩm quyền quy định phí và lệ phí được thực hiện dựa vào tính chất và phạm vi ảnh hưởng của từng loại phí, lệ phí.
Việc phân cấp thẩm quyền quy định về phí như sau:
- Chính phủ quy định đối với một số phí quan trọng, có số thu lớn, liên quan đến nhiều chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước;
- Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định đối với một số loại phí gắn với quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên, thuộc chức năng quản lý hành chính Nhà nước của chính quyền địa phương;
- Bộ Tài chính quy định đối với các loại phí còn lại áp dụng thống nhất trong cả nước. Việc phân cấp thẩm quyền quy định về lệ phí như sau:
- Chính phủ quy định đối với một số lệ phí quan trọng, có số thu lớn, có ý nghĩa pháp lý quốc tế;
- Bộ Tài chính quy định đối với những lệ phí còn lại.
2.2. Xác định mức thu phí và lệ phí
2.2.1. Xác định mức thu phí
Nguyên tắc xác định mức thu phí:
- Mức thu phí đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư phải bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, có tính đến những chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ.
- Mức thu phí đối với các dịch vụ do tổ chức, cá nhân đầu tư vốn phải bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, phù hợp với khả năng đóng góp của người
nộp.
Căn cứ để xác định để xác định mức thu phí:
- Vốn đầu tư để trang trải các chi phí thực hiện các dịch vụ thu phí, bao gồm cả các chi phí để thực hiện việc thu phí. Các khoản chi phí để thực hiện các dịch vụ thu phí bao gồm:
+ Chi phí xây dựng, mua sắm, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên và định kỳ máy móc, thiết bị, phương tiện làm việc... hoặc thuê ngoài tài sản trực tiếp phục vụ công việc thu phí. Chi phí này được phân bổ theo mức độ hao mòn của những tài sản trực tiếp phục vụ công việc thu phí;
+ Chi phí vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu sử dụng trong quá trình thực hiện công việc thu phí;
+ Chi trả các khoản tiền lương hoặc tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo tiền lương, tiền công, theo chế độ hiện hành cho lao động trực tiếp thu phí, lệ phí;
- Khả năng thu phí, hiệu quả thu phí dự kiến trong đề án thu phí. - Tính chất, đặc điểm của từng dịch vụ thu phí.
- Chủ trương chính sách của Nhà nước, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội và đặc điểm của các vùng trong từng thời kỳ.
- Tham khảo mức thu loại phí tương ứng ở các nước trong khu vực và thế giới nếu có.
Tổ chức, cá nhân được thu phí có trách nhiệm xây dựng mức thu kèm theo đề án thu phí để trình cơ quan có thẩm quyền quy định về phí xem xét, quyết định. Đề án thu phí phải nêu rõ phương thức đầu tư, thời gian đầu tư hoàn thành, thời gian đưa dự án đầu tư vào sử dụng, thời gian dự kiến bắt đầu thu phí, dự kiến mức thu và căn cứ xây dựng mức thu, đánh giá khả năng đóng góp của đối tượng nộp phí, hiệu quả thu phí và khả năng thu hồi vốn. Mức thu phí trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung cần có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp (trừ trường hợp cơ quan xây dựng mức thu là cơ quan tài chính). ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính phải được gửi kèm trong hồ sơ trình duyệt mức thu phí và là một căn cứ pháp lý để cơ quan có thẩm quyền quy định về phí xem xét, quyết định.
Việc xây dựng mức thu đối với những loại phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ quy định được thực hiện theo quy định của Chính phủ đối với từng loại phí cụ thể, đối với những loại phí thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính và thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2.2.2. Xác định mức thu lệ phí
Mức thu lệ phí được ấn định trước bằng một số tiền nhất định đối với từng công việc quản lý Nhà nước được thu lệ phí, không nhằm mục đích bù đắp chi phí để thực hiện công việc thu lệ phí, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tổ chức được thu lệ phí có trách nhiệm xây dựng mức thu kèm theo văn bản đề nghị thu lệ phí gửi Bộ Tài chính để Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét ban hành hoặc Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền.
Riêng lệ phí trước bạ, mức thu được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản trước bạ theo quy định của Chính phủ.
Đối tượng nộp phí và lệ phí là các thể nhân và pháp nhân được các tổ chức, cơ quan của Nhà nước cung cấp các dịch vụ công cộng theo quy định của pháp luật có thu phí hoặc lệ phí. Các thể nhân và pháp nhân là đối tượng nộp phí và lệ phí có nghĩa vụ thực hiện nộp phí, lệ phí theo đúng quy định của pháp luật.
Tất cả các khoản phí và lệ phí phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định mới được thu. Các tổ chức, cá nhân được thu phí, lệ phí bao gồm:
- Cơ quan thuế Nhà nước; - Cơ quan hải quan;
- Cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức khác và cá nhân cung cấp dịch vụ, thực hiện các công việc theo quy định của pháp luật được thu phí, lệ phí;
- Các tổ chức, cá nhân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền uỷ quyền việc thu phí, lệ phí.
2.4. Quản lý thu phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước 2.4.1. Đăng ký, kê khai thu nộp phí và lệ phí 2.4.1. Đăng ký, kê khai thu nộp phí và lệ phí
Các tổ chức (không phải là cơ quan thuế, cơ quan hải quan) và cá nhân thu phí, lệ phí phải đăng ký với cơ quan thuế địa phương về loại phí, lệ phí, địa điểm thu, chứng từ thu và việc tổ chức thu phí, lệ phí đúng thừi hạn quy định trước khi bắt đầu thu phí, lệ phí. Tổ chức thu phí, lệ phí trực thuộc trung ương, tỉnh hoặc cấp tương đương quản lý đăng ký với Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tổ chức thu phí, lệ phí trực thuộc quận, huyện, thị xã, thị trấn, xã, phường hoặc cấp tương đương quản lý và cá nhân thu phí, lệ phí đăng ký với Chi cục thuế quận, huyện. Trường hợp thay đổi, kết thúc hoặc đình chỉ thu phí, lệ phí thì phải thông báo với cơ quan thuế theo hạn định trước khi thay đổi, kết thúc hoặc đình chỉ thu phí, lệ phí.
Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí thực hiện kê khai phí, lệ phí từng tháng và nộp tờ khai cho cơ quan thuế nơi đăng ký thu phí, lệ phí để theo dõi, quản lý. Trường hợp trong tháng không phát sinh số thu phí, lệ phí vẫn phải kê khai và nộp tờ khai cho cơ quan thuế. Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải kê khai đầy đủ, đúng mẫu tờ khai theo quy định và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai.
2.4.2. Quản lý sử dụng tiền thu phí và lệ phí
Tiền phí, lệ phí do cơ quan thuế trực tiếp tổ chức thu và trường hợp tổ chức khác thu phí, lệ phí đã được NSNN bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí, lệ phí theo dự toán hàng năm thì tổ chức thu phải nộp toàn bộ số tiền phí, lệ phí thu được
vào NSNN.
Trường hợp tổ chức thu chưa được NSNN bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí, lệ phí hoặc tổ chức thu được uỷ quyền thu phí, lệ phí thì tổ chức thu được để lại một phần trong số tiền phí, lệ phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí, lệ phí; phần tiền phí, lệ phí còn lại phải nộp vào NSNN. Phần phí, lệ phí để lại cho tổ chức thu để trang trải chi phí cho việc thu phí, lệ phí được tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số tiền phí, lệ phí thu được hàng năm. Căn cứ vào tính chất, đặc điểm của từng loại phí, lệ phí và