Cách tính bội chi ngân sách Nhà nước và nguyên tắc thực hiện cân đối ngân sách

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản lý tài chính công (Trang 167 - 168)

III. Tổ chức cân đối ngân sách Nhà nước ở nước ta

1. Cách tính bội chi ngân sách Nhà nước và nguyên tắc thực hiện cân đối ngân sách

Nhà nước ở nước ta.

1.1. Cách tính bội chi ngân sách Nhà nước ở nước ta.

Trước đây, bội chi ngân sách Nhà nước ở nước ta được xác định bằng chênh lệch thiếu giữa tổng số chi của ngân sách Nhà nước và tổng số thu ngân sách Nhà nước (tuy nhiên, cách tính số thu, chi ngân sách Nhà nước ở nước ta không trùng với cách tính của thông lệ quốc tế).

Từ khi áp dụng Luật ngân sách Nhà nước năm 2002 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật này, cách tính số bội chi ngân sách Nhà nước có sự thay đổi quan trọng: Bội chi ngân sách Nhà nước là bội chi ngân sách Trung ương, được xác định bằng chênh lệch thiếu giữa tổng số chi ngân sách Trung ương và tổng số thu ngân sách Trung ương của năm ngân sách.

Nội dung các khoản thu, chi của ngân sách Trung ương đã được trình bày ở chương hai.

1.2. Nguyên tắc thực hiện cân đối ngân sách Nhà nước ở nước ta.

Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước XHCN, hoạt động của ngân sách Nhà nước nói chung, cân đối ngân sách Nhà nước nói riêng đã có những thay đổi dần về chất. Theo Luật ngân sách Nhà nước 2002 thì:

Ngân sách Nhà nước được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí và lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên và góp phần tích luỹ ngày càng cao vào chi đầu tư phát triển; trường hợp còn bội chi, thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển, tiến tới cân bằng thu, chi ngân sách.

Bội chi ngân sách Nhà nước được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và ngoài nước.

Vay bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước phải bảo đảm nguyên tắc không sử dụng cho tiêu dùng, chỉ được sử dụng cho mục đích phát triển và bảo đảm bố trí ngân sách để chủ động trả hết nợ khi đến hạn.

Về nguyên tắc, ngân sách địa phương được cân đối với tổng số chi không vượt quá tổng số thu; trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh bảo đảm, thuộc danh mục đầu tư trong kế hoạch 5 năm đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, nhưng vượt quá khả năng cân đối của ngân sách cấp tỉnh năm dự toán, thì được phép huy động vốn trong nước và phải cân đối ngân sách cấp tỉnh hàng năm để chủ động trả hết nợ khi đến hạn. Mức dư nợ từ nguồn vốn huy động không vượt quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh.

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản lý tài chính công (Trang 167 - 168)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)