Nguyên tắc công khai, minh bạch

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản lý tài chính công (Trang 60 - 62)

II. Quản lý chu trình ngân sách Nhà nước

1. Nguyên tắc quản lý ngân sách Nhà nước

1.2. Nguyên tắc công khai, minh bạch

Công khai có nghĩa là để cho mọi người biết, không giữ kín. Minh bạch là làm cho mọi việc trở nên rõ ràng, dễ hiểu, sáng sủa, không thể nhầm lẫn được.

Quản lý ngân sách đòi hỏi phải công khai, minh bạch xuất phát từ đòi hỏi chính đáng của người dân với tư cách là người nộp thuế cho Nhà nước. Việc Nhà nước có đảm bảo trách nhiệm trước dân về huy động và sử dụng các nguồn thu hay không phụ thuộc nhiều vào tính minh bạch của ngân sách.

Điều này cũng rất quan trọng đối với Nhà tài trợ, những người hiển nhiên sẽ không hài lòng nếu sau khi hỗ trợ tài chính cho một quốc gia lại không có đủ thông tin về việc sử dụng nó vào đâu, như thế nào? Những Nhà đầu tư cũng cần có sự minh bạch về ngân sách để có thể đưa ra các quyết định đầu tư, cho vay...

Trước yêu cầu của hội nhập quốc tế, năm 1998 Quỹ tiền tệ quốc tế đã tập hợp quy tắc chung về tính minh bạch để các nước hướng tới bao gồm các nội dung chủ yếu là:

Ngân sách phải đảm bảo tính toàn diện. Điều này có nghĩa là các hoạt động trong và ngoài ngân sách đều được đề phản ánh vào trong tài liệu đệ trình quốc hội xem xét, quyết định.

Các hoạt động ngoài ngân sách cần được thể hiện trong các tài liệu ngân sách và báo cáo kế toán. Các dự toán ngân sách ban đầu và sửa đổi cho hai năm trước năm ngân sách cần được đính kèm trong tài liệu về ngân sách. Mức nợ và cơ cấu nợ của chính quyền trung ương cần được báo cáo hàng năm.

Cơ sở cho lập ngân sách Nhà nước như: các mục tiêu và chính sách ưu tiên cũng như các dự báo kinh tế vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng cần được trình bày rõ ràng, nhằm tạo điều kiện cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân có thể giám sát ngân sách.

Đảm bảo tính khách quan độc lập. Cần có các cơ chế để Báo cáo quyết toán ngân sách của Chính phủ phải được cơ quan kiểm toán bên ngoài độc lập xác nhận. Các chuẩn mực về kiểm toán sử dụng cần nhất quán với các chuẩn mực quốc tế. Các phát hiện của kiểm toán phải được báo cáo cho cơ quan lập pháp và có biện pháp giải quyết kịp thời.

Luật ngân sách của Việt Nam cũng được sửa đổi theo hướng tiếp cận với các quy tắc về minh bạch ngân sách trên ở cả ba khâu của chu trình ngân sách. Các cấp, các đơn vị dự toán, các tổ chức, cá nhân được NSNN hỗ trợ phải công khai dự toán và quyết toán ngân sách. Nội dung công khai theo các mẫu đã được Bộ Tài chính quy định.

Hình thức công khai chủ yếu là: thông báo bằng văn bản cho các cơ quan hữu quan, phát hành ấn phẩm; công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính...Thời gian công khai cũng được quy định rõ đối với từng cấp ngân sách. Các cơ quan như: Tài chính, Kho bạc Nhà nước, các cơ quan thu của Nhà nước

phải niêm yết công khai quy trình, thủ tục tại nơi giao dịch.

Các tài liệu trình Quốc hội, HĐND về dự toán và phân bổ ngân sách được

quy định đầy đủ, rõ ràng theo Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán NSNN, phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán NSNN. Chính phủ Ban

hành Quy chế xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. Chính phủ quy định cụ thể việc công khai ngân sách.

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản lý tài chính công (Trang 60 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)