Tăng cường liên kết để nâng cao sức cạnh tranh

Một phần của tài liệu giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản việt nam vào thị trường trung quốc (Trang 157)

- Chính phủ mỗi bên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn của mình ký các hợp đồng dài hạn trao đổi một số sản phẩm có thế mạnh của mỗi nước như:

3.3.1.8. Tăng cường liên kết để nâng cao sức cạnh tranh

Sau khi áp dụng chính sách đổi mới hơn 20 năm trước đây, kinh tế hộ phát triển mạnh và đến nay hộ nhỏ vẫn là đơn vị sản xuất kinh doanh chủ lực ở nông thôn Việt Nam. Quy mô sản xuất manh mún nhưng không có hình thức liên kết hợp tác với nhau khiến cho sự năng động và khả năng quản lý tài nguyên một cách hiệu quả của các hộ tiểu nông dường như đã đi đến giới hạn phát triển. Phần lớn các hộ tiểu nông không có khả năng tích lũy tái sản xuất mở rộng một cách đáng kể. Vì vậy mức độ áp dụng cơ giới hóa, cải tiến công nghệ, thay đổi kỹ năng

trình độ quản lý và tự chuyển đổi cơ cấu rất giới hạn. Trong khi đó, kinh tế trang trại phát triển rất chậm và chiếm một tỷ lệ không đáng kể trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như kinh tế nông thôn. Năm 2008, cả nước có hơn 120,7 nghìn trang trại, chỉ chiếm hơn 1% tổng số hộ nông lâm ngư nghiệp của cả nước. Nhìn chung, mức độ trang bị cơ giới và áp dụng khoa học công nghệ của các trang trại cũng rất yếu kém. Kinh tế hợp tác phát triển rất chậm, chưa đóng vai trò như mong đợi trong hỗ trợ hoạt động sản xuất của nông hộ.

Mối liên kết sản xuất giữa người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thiếu tính bền vững nên nông dân không yên tâm đầu tư dài hạn. Doanh nghiệp cũng không mạnh dạn đầu tư giống, vốn và kỹ thuật canh tác cho nông dân vì phải đối mặt với rủi ro lớn. Điều này dẫn tới doanh nghiệp không có được vùng nguyên liệu ổn định và chất lượng như mong muốn để xuất khẩu nên không thể ký các hợp đồng cung cấp nông sản ổn định, lâu dài với các nhà nhập khẩu và phân phối lớn tại thị trường Trung Quốc. Vì vậy đa số các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc đều chạy theo lợi ích ngắn hạn và lựa chọn hình thức xuất khẩu theo đường biên mậu. Xuất khẩu theo đường biên mậu với đầy rủi ro, về một mặt nào đó, đang trở thành yếu tố kìm hãm nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam, làm cho nhiều ngành hàng nông sản khó bứt phá lên được.

Để xuất khẩu nông sản bền vững vào thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch, đòi hỏi phải áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu. Liên kết 4 “nhà” là một trong những hướng đi triển vọng giúp khắc phục những tồn tại trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Vì vậy Luận án tập trung phân tích về mối liên kết 4 nhà.

Trung Quốc là thành viên của WTO, vì vậy để nông sản thâm nhập bền vững vào thị trường Trung Quốc thì từ sản xuất đến thu hoạch và đóng gói đều phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế. Sản xuất nông sản phải đạt tiêu chuẩn GlobalGap (giấy chứng nhận toàn cầu về quy trình sản xuất an toàn truy nguyên được nguồn gốc). Vì vậy người nông dân cần thay đổi tư duy, liên kết với nhau tạo thành tổ sản xuất, hợp tác xã để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún. Xây

dựng tốt mô hình liên kết 4 “nhà” (Nhà nông - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nước). Nhà nông thực hiện việc thâm canh đúng quy trình kỹ thuật canh tác, thu hoạch và bán sản phẩm cho doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký kết. Nhà doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp như cung cấp giống, vốn, phân bón và đứng ra bao tiêu sản phẩm, đảm bảo nông dân sản xuất có lãi. Nhà khoa học chịu trách nhiệm nghiên cứu giống, hướng dẫn chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng đất canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm và đề xuất cơ chế chính sách đối với Nhà nước. Nhà nước giữ vị trí chủ đạo trong mối liên kết giữa 4 nhà, cung cấp thông tin, hướng dẫn nông dân xây dựng dự án, phương án chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng, có chính sách thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm hướng đến xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế cao và không gây ô nhiễm môi trường.

Liên kết 4 nhà là mối liên kết có thể phát huy sức mạnh tổng hợp của các “nhà”, tận dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, đồng thời áp dụng có hiệu quả tiến bộ kỹ thuật, gắn khoa học với sản xuất nông nghiệp. Đây là phương thức tốt nhất cho phép người nông dân tận dụng được nhiều lợi thế để phát triển sản xuất; nhà khoa học có điều kiện để thực hiện năng lực chuyên môn; nhà doanh nghiệp có cơ hội tìm được những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Với trí tuệ và sức mạnh tổng hợp của liên kết 4 nhà chắc chắn sẽ hạn chế rủi ro và thất bại trong sản xuất. Trong liên kết 4 nhà, mỗi thành viên có vai trò quan trọng riêng của mình, nhưng quyết định thành bại là nhà nông và nhà doanh nghiệp.

Liên kết 4 nhà có thể được xem là giải pháp đột phá để khắc phụcmột trong những tồn tại lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam, đó là tư duy sản xuất manh mún, sản xuất theo tập quán lạc hậu, sản xuất theo phong trào; để việc xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc ổn định, bền vững và hiệu quả, góp phần giảm bớt thâm hụt cán cân thương mại trong trao đổi hàng hoá với Trung Quốc. Đây là hướng đi không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư và có thể thực hiện ngay trong giai đoạn 2012 - 2015, chỉ cần chúng ta tổ chức lại sản xuất để xây dựng các chuỗi

giá trị ngành hàng trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò là người nhạc trưởng.

a) Một số mô hình thành công trong liên kết 4 nhà.

Chương trình liên kết 4 nhà đang được nhiều đơn vị, địa phương áp dụng thành công, cho hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao. Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) triển khai Chương trình cùng nông dân ra đồng tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đã thu hút 3.000 hộ nông dân tham gia trên diện tích hơn 3.200ha. Công ty AGPPS đã cung ứng vật tư nông nghiệp, cử những kỹ sư nông nghiệp trẻ, tâm huyết về nông thôn, bám trụ cùng nông dân, hướng dẫn bà con thực hiện nhiều quy trình canh tác tiến bộ như “3 giảm, 3 tăng”, “4 đúng, 4 đủ”, “bón phân theo bảng so màu lá lúa”. Công ty ADC (TP.Hồ Chí Minh) hỗ trợ kinh phí cho HTX Mỹ Thành, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) xây dựng mô hình sản xuất để được công nhận lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, sau đó bao tiêu toàn bộ số lúa này với giá cao hơn thị trường 20%, nhờ thế, nông dân không phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm, không bị thương lái ép giá. Ở An Giang: Công ty ADC (Cần Thơ) đã đầu tư giống Jasmine 85, phân bón, thuốc trừ sâu cho nông dân An Giang sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đối với những hộ dân được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn, Công ty ADC sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá lúa thị trường 20% (tăng khoảng 1.000 đồng/kg); còn chi phí mua giống, vật tư nông nghiệp của nông dân sẽ được trừ vào tiền bán lúa. Tại Tuyên Quang và Sơn La, các công ty mía đường đã ký hợp đồng bao tiêu hầu hết diện tích trồng mía của nông dân trong vùng trồng nguyên liệu. Ngoài đầu tư giống, vật tư phân bón, công lao động cho các hộ trồng mía, các công ty này còn có chính sách hỗ trợ kinh phí tu sửa nâng cấp đường giao thông trong vùng nguyên liệu. Năm 2009 - 2010, Công ty mía đường Sơn La đã ký hợp đồng tiêu thụ 3.000 ha mía của 4.000 hộ nông dân với khối lượng 150.000 tấn, đạt tỷ lệ thực hiện 100% so với kế hoạch đã ký theo hợp đồng.

b) Một số trường hợp thất bại trong liên kết 4 nhà.

Bên cạnh nhiều chương trình liên kết 4 nhà áp dụng thành công cũng còn tồn tại một số chương trình liên kết dẫn đến đổ vỡ. Mô hình sản xuất lúa giống xã

hội hóa liên kết 4 nhà ở huyện Thoại Sơn, An Giang mặc dù có sự tổ chức và ủng hộ của Chính quyền, các ban ngành từ tỉnh đến huyện và đã thành công bước đầu. Sản phẩm lúa giống đạt yêu cầu nhưng chỉ được vụ đầu, qua vụ thứ hai do giá lúa tăng cao hơn bình thường, giữa nông dân và doanh nghiệp tham gia liên kết đã không thống nhất được giá thu mua như đã quy định ban đầu, dẫn đến bàn cãi, thưa kiện và chấm dứt liên kết. Công ty cổ phần Bông Việt Nam - Chi nhánh Gia Lai đã đầu tư 831 triệu đồng cho 467 hộ dân ở huyện Kông Chro trồng mới 520 ha, với mức giá bảo hiểm 11.500 đồng/kg và sẽ tăng theo giá thị trường. Đến vụ thu hoạch, nhiều thương lái đã lén lút liên hệ với nông dân để mua bông với giá cao hơn nhà máy từ 500 - 700 đồng/kg, khiến nhà máy thiếu nguyên liệu và không thể thu hồi vốn đầu tư.

c) Những tồn tại trong liên kết 4 nhà hiện nay.

Mặc dù chương trình liên kết 4 nhà được xem là mô hình tiên tiến, khả quan trong việc cải thiện đời sống kinh tế của nông dân, được sự đồng thuận từ trong Đảng, Nhà nước và của chính người nông dân nhưng vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân là trong quá trình hình thành và phát triển, mô hình liên kết 4 nhà vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập:

- Mối liên kết lỏng lẻo giữa 4 nhà thể hiện ở ngay hợp đồng liên kết. Việc xử lý các vi phạm gặp nhiều khó khăn, chưa có giải pháp phù hợp để ràng buộc hai bên. Đối với nông dân, bộc lộ rõ nhất là sự hạn chế về trình độ học vấn, đa số chưa gạt bỏ được tư tưởng hám lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài. Để đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng bảo hiểm giá, đồng thời đầu tư ứng trước giống, phân bón để người dân yên tâm sản xuất. Nhưng nhiều hộ nông dân vẫn sẵn sàng bội ước bán nông sản cho thương lái hoặc doanh nghiệp khác với giá cao hơn khi thị trường có biến động khiến các doanh nghiệp thiếu nguyên liệu và gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn đầu tư ứng trước. - Bên cạnh những nguyên nhân từ phía nông dân thì còn có nguyên nhân từ phía doanh nghiệp như chưa tôn trọng hợp đồng đã ký, không mua hết sản phẩm, chưa thực hiện đúng cam kết về giá mua, tự ý phá vỡ hợp đồng. Một số doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, cung cấp giống, phân bón, vật tư khác kém chất lượng

làm cho sản xuất của nông dân bị thất thoát, gây mất lòng tin, hậu quả là việc thu hồi vốn đầu tư gặp khó khăn do nông dân không chịu thanh toán.

- Một số mô hình liên kết 4 nhà sau một thời gian thành lập tan rã làm ảnh hưởng đến tâm lý người nông dân. Nhiều mô hình liên kết 4 nhà chưa mang tính bền vững, quy mô nhỏ, giá trị sản phẩm còn thấp, lợi nhuận của người nông dân chưa tương xứng với công sức lao động bỏ ra.

d) Nguyên nhân của những tồn tại trong liên kết 4 nhà hiện nay.

- Do quan niệm về vai trò, chức năng, nội dung hoạt động của mỗi “nhà” và phương thức liên kết vẫn chưa rõ ràng.

- Giữa 4 nhà hoạt động vẫn chưa ăn khớp. Bản chất của liên kết là chia sẻ rủi ro, song việc các bên trong liên kết đùn đẩy rủi ro sang cho nhau đã khiến liên kết này, đặc biệt là giữa nông dân và doanh nghiệp thiếu bền vững, chỉ mang tính thời vụ, ngắn hạn, đứt đoạn, hai nhà này phối hợp với nhau rất khó, nhiều khi còn đối đầu nhau.

- Nhà nông do tập quán và trình độ sản xuất lạc hậu, chưa theo kịp yêu cầu sản xuất hàng hoá; tiềm lực kinh tế của hộ nông dân còn thấp, thiếu thông tin thị trường, thiếu các kiến thức về pháp luật vì vậy trên thực tế đã xuất hiện hiện tượng nông dân chưa tôn trọng các cam kết trong hợp đồng đã ký với doanh nghiệp. mặc dù thiếu nguyên liệu nhưng nhiều doanh nghiệp không thể mua sản phẩm của nông dân do không đạt tiêu chuẩn yêu cầu hoặc nông dân bán sản phẩm cho đối tượng khác khi giá cao hơn hợp đồng đã ký.

- Nhà nông trực tiếp làm ra sản phẩm, tuy nhiên nhà nông tham gia mối liên kết còn thụ động. Nhiều khi nội dung hợp đồng thường do doanh nghiệp đưa ra, thiếu sự bàn bạc, thương thảo với nông dân, nên lợi ích của người sản xuất chưa thoả đáng.

- Về phía doanh nghiệp, do những hạn chế về thị trường tiêu thụ nên phần lớn hợp đồng giữa doanh nghiệp và người sản xuất thiếu tính bền vững nên nông dân không yên tâm đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng một số doanh nghiệp đã lạm dụng độc quyền ép giá, ít quan tâm đầu tư cho vùng nguyên liệu.. Doanh nghiệp chưa thực sự đóng vai trò trung tâm trong mối liên kết.

- Phương thức thu mua của doanh nghiệp và nông dân chủ yếu là mua đứt bán đoạn đã hạn chế sự ràng buộc giữa hai bên, khi có rủi ro thì giữa doanh nghiệp và tổ hợp tác, hợp tác xã và nông dân thường không hợp tác, chia sẻ.

- Điều kiện ràng buộc trong hợp đồng còn lỏng lẻo về mặt pháp lý nên việc xử lý vi phạm hợp đồng còn gặp nhiều khó khăn, chưa có chế tài rõ ràng để xử lý khi các bên vi phạm hợp đồng trong việc tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, Nhà nước với tư cách là trọng tài chỉ dừng lại ở định hướng, chưa thể can thiệp sâu vì việc ký kết hợp đồng chỉ diễn ra giữa hai bên, Nhà nước không tham gia, nên vai trò chỉ dừng lại mức độ nhất định. Việc tranh chấp chủ yếu là cuộc đấu tay đôi giữa nông dân và doanh nghiệp vì vậy, doanh nghiệp không dám tiếp tục đầu tư cho nông dân vì phải đối mặt với rủi ro lớn.

- Về phía doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, khó khăn lớn nhất chính là việc thiếu vốn, thiếu sự quan tâm hỗ trợ của các "nhà" khác, lại chịu rủi ro cao khi ứng vốn cho nông dân. Trong trường hợp xảy ra thiên tai hay các nguyên nhân bất khả kháng không trả được nợ, doanh nghiệp phải kéo dài thời gian nợ ngân hàng làm tăng vốn vay ảnh hưởng đến hoạt động tài chính.

- Trong thực hiện liên kết, vai trò của ngân hàng rất quan trọng, tuy nhiên do tâm lý sợ rủi ro nên nhiều ngân hàng chưa mạnh dạn tham gia trực tiếp vào quá trình liên kết mà thường cho các doanh nghiệp vay vốn để họ đầu tư cho nông dân nên khi gặp rủi ro chỉ có doanh nghiệp là chịu thua thiệt.

- Nhà khoa học giữ vai trò quan trọng, giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất. Nhưng việc thiếu những cơ chế rõ ràng khiến vai trò của "nhà" này không được đề cao và chưa có chính sách khuyến khích để họ có thể gắn kết với người sản xuất. Nhiều trường hợp các nhà khoa học đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất làm lợi hàng chục tỷ đồng nhưng phần họ được hưởng hầu như không đáng kể.

- Mất lòng tin làm tan vỡ mối liên kết, mà nguyên nhân là do chạy theo lợi nhuận thái quá của một nhà nào đó sẽ phá vỡ mối liên kết.

Một phần của tài liệu giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản việt nam vào thị trường trung quốc (Trang 157)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(200 trang)
w