D. Nhu cầu của nước nhập khẩu
c) Nhân tố về sự phát triển của khoa học công nghệ tác động đến sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển nông sản.
1.3.1 Kinh nghiệm xuất khẩu nông sản của một số nước ASEAN
- Kinh nghiệm của Thailand
Thailand là nước có tiềm năng sản xuất nông sản, có điều kiện sinh thái tương tự như Việt Nam nên các loại cây trồng cũng đa dạng và phong phú như chúng ta. Cách đây hơn 20 năm, tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản của Thailand cũng tương tự như Việt Nam. Nhưng ngày nay, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của Thailand vượt xa so với Việt Nam, nông sản Thailand đã có uy tín và chỗ đứng vững chắc trên nhiều thị trường thế giới. Nguyên nhân thành công của Thailand có nhiều yếu tố, ngoài yếu tố thuận lợi của thị trường xuất khẩu như thị trường các nước EC, Đông Âu, thì nhân tố về sự nỗ lực trong việc phát triển ngành nông sản là điều kiện quan trọng quyết định sự thành công của Thailand.
Việc nghiên cứu kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu nông sản của Thailand sẽ rút ra nhiều bài học mang ý nghĩa thực tiễn cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Kinh nghiệm đầu tiên là khâu giống, Thailand coi giống là một trong những khâu tạo ra lợi thế so sánh một cách bền vững trong việc đưa sản phẩm nông sản thâm nhập thị trường thế giới. Nguyên tắc của khâu giống là: nguồn gốc phải rõ ràng, có địa chỉ, có hướng dẫn quy trình thâm canh, có bằng chứng chứng minh
giống đó đã được trồng thực nghiệm và có kết quả tốt. Trừng phạt nặng nếu người cung cấp giống cố tình vi phạm quy định hoặc cung cấp giống không đảm bảo chất lượng. Chính phủ Thailand đã giành khoản ngân sách đáng kể để nhập khẩu giống; hỗ trợ cơ quan nghiên cứu lựa chọn, lai tạo các loại giống tốt; trợ giá cho việc phổ biến các loại giống tốt.
Kinh nghiệm về đa dạng hóa chủng loại sản phẩm nông sản một cách khoa học vừa giúp thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng vừa giảm cạnh tranh lẫn nhau trong tiêu thụ do thâm canh trùng lắp cùng một loại nông sản ở các vùng khác nhau.
Thailand chú trọng tập trung đầu tư các dây truyền công nghệ chế biến hiện đại, đảm bảo điều kiện vận tải, kỹ thuật đóng gói tiên tiến, thỏa mãn được các yêu cầu chất lượng của EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc...
Kinh nghiệm về xuất khẩu tại chỗ: Thailand là nước có lượng khách du lịch lớn, các nhà kinh doanh nông sản đã tận dụng lợi thế này để xuất khẩu tại chỗ với kim ngạch đáng kể. Hàng năm, Thailand đón khoảng 15 triệu khách du lịch, mỗi khách bình quân mua 5 USD sản phẩm nông sản, chủ yếu là trái cây thì doanh số cũng đạt khoảng 75 triệu USD. Đây cũng là một hình thức tiếp thị có hiệu quả.
Kinh nghiệm về việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng có liên quan đến hoạt động xuất khẩu nông sản: Thành lập các cơ quan, chi nhánh trực thuộc ngành nông nghiệp để làm các dịch vụ phục vụ cho xuất khẩu nông sản như cung cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cây trồng, thực phẩm tại các vùng sản xuất nông sản trọng điểm; giúp các doanh nghiệp kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu; thành lập trung tâm đóng gói Thailand trực thuộc Bộ Khoa học và Năng lượng để hướng dẫn cách đóng gói thích hợp các loại nông sản bảo đảm giữ được chất lượng cho đến tay người tiêu dùng.
Kinh nghiệm về nâng cao vai trò của nhà nước trong việc đẩy mạnh xuất khẩu: Chính phủ Thailand có kế hoạch hỗ trợ nông dân sản xuất và xuất khẩu các loại nông sản có giá trị cao, Bộ Nông nghiệp hỗ trợ nông dân trong việc nghiên cứu, chọn giống cây tốt, cải tạo đất trồng và hệ thống tưới tiêu để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, Bộ Thương mại hỗ trợ các nhà xuất khẩu trong các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
- Kinh nghiệm của Malaysia
Malaysia cũng là một nước xuất khẩu nông sản nhiệt đới hàng đầu của khu vực và thế giới. Malaysia là một trong những nước xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất vào thị trường Trung Quốc. Kinh nghiệm rút ra từ Malaysia là những cố gắng trong việc phát triển sản xuất phục vụ xuất khẩu. Chính phủ Malaysia cũng đưa ra những khuyến khích và hỗ trợ về mặt tài chính đầy sức hấp dẫn, những khuyến khích về đầu tư, về thuế nhằm hỗ trợ người sản xuất nông sản.
Các vụ chức năng trực thuộc Bộ Nông nghiệp tiến hành các dịch vụ tư vấn cho sản xuất, tư vấn tiếp thị cho các nhà quản lý, tiến hành trợ giúp dưới hình thức tín dụng, cung ứng các điều kiện tiếp thị. Malaysia thành lập hội đồng ngành của từng mặt hàng nông sản nhằm mục đích xúc tiến mối liên kết chặt chẽ giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Hội đồng gồm đại diện của các Bộ, Cục, các Công ty, các trường Đại học, các đơn vị tư nhân có liên quan đến sự phát triển của ngành. Để thúc đẩy xuất khẩu, chính phủ cũng có những khuyến khích như trợ giúp kinh phí cho việc xúc tiến xuất khẩu từng loại nông sản, trợ giúp nhà xuất khẩu thâm nhập vào các thị trường mới, trợ giúp trong việc xây dựng các kho chứa, các cơ sở bảo quản nông sản.
Các nhà xuất khẩu sản phẩm nông sản đã qua chế biến được hưởng chính sách khuyến khích như cấp vốn tín dụng xuất khẩu, giành cho họ các khoản tín dụng với lãi suất ưu đãi để có thể cạnh tranh hữu hiệu hơn trên thị trường quốc tế. Chính phủ miễn thuế nhập khẩu các máy móc, thiết bị phục vụ cho công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu.
- Kinh nghiệm của Philippine
Hàng năm Philippine xuất khẩu rất nhiều nông sản trong đó có mặt hàng trái cây. Philippine được đánh giá là nước xuất khẩu chuối, dứa và xoài hàng đầu thế giới, kinh nghiệm của Philippine trong xuất khẩu nông sản là:
Nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu nông sản. Quy hoạch và xây dựng các vùng chuyên canh lớn sản xuất nông sản cho xuất khẩu. Thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, làm tăng chất lượng sản phẩm bằng việc công
nghiệp hóa quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch nông sản. Việc cơ giới hóa, tự động hóa cao ở các khâu tuyển chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, bao bì đóng gói, có ý nghĩa lớn trong việc giảm tỷ lệ hư hỏng, giữ được chất lượng, đưa nhanh sản phẩm vào lưu thông, giảm chi phí kinh doanh.
Chính phủ gián tiếp hỗ trợ khâu phân phối tiêu thụ nông sản thông qua biện pháp quy hoạch phát triển các vùng trồng nông sản sao cho mỗi vùng phát huy được lợi thế so sánh, tránh trùng lặp về chủng loại và thời gian thu hoạch nhằm ngăn chặn hiện tượng dội chợ, sụt giá bất thường đối với sản phẩm. Hướng dẫn các địa phương có điều kiện tự nhiên giống nhau thì phương pháp trồng và chăm sóc sao cho lệch pha nhau, tạo ra hàng hóa cung cấp quanh năm cho thị trường.
Tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng đường xá, cầu cảng, phương tiện thông tin liên lạc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại.
So với Việt Nam, Thailand, Malaysia và Philippine đều đi trước và có nhiều kinh nghiệm hơn trong xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc. Cả ba nước xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc đều vượt trội so với Việt Nam. Năm 2004, xuất khẩu rau quả Việt Nam vào Trung Quốc chỉ đạt kim ngạch 24,9 triệu USD trong khi Thailand xuất khẩu đạt 445 triệu USD, chiếm 41% thị phần nhập khẩu rau quả của Trung Quốc. Việt Nam xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới sau Thailand nhưng Việt Nam chỉ chiếm 33% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc năm 2010, với chủ yếu là loại gạo có chất lượng trung bình và cấp thấp. Điều này cho thấy sức cạnh tranh còn thấp của nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Thailand, Malaysia và Philippine đều hơn Việt Nam về trình độ sinh học tiên tiến để sản xuất ra các sản phẩm nông sản có năng suất cao, chất lượng vượt trội. Công nghệ phân loại hàng hóa, đóng gói bao bì, bảo quản, vận tải chuyên nghiệp nên sức cạnh tranh cao hơn hẳn hàng nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Chính phủ Thailand, Malaysia và Philippine đều có các biện pháp và cơ chế chính sách hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc; bao gồm:
- Coi trọng khâu giống, Chính phủ giao cho các tổ chức khoa học lựa chọn, lai tạo ra những bộ giống cây con tốt, có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc. Xây dựng một hệ thống cung cấp giống cho người sản xuất, giống phải có nguồn gốc rõ ràng, có hướng dẫn quy trình canh tác, có tài liệu chứng minh giống đã được trồng thực nghiệm đạt năng suất cao và chất lượng tốt. Xây dựng các chế tài đủ mạnh để trừng phạt các cơ sở sản xuất và cung cấp giống không đạt chất lượng. Chính phủ trợ giá cho việc phổ biến các loại giống tốt; hỗ trợ cải tạo đất và hệ thống thủy lợi; đa dạng hóa sản phẩm nông sản một cách khoa học để phù hợp với nhu cầu của thị trường Trung Quốc.
- Quy hoạch các vùng trồng nông sản tập trung quy mô lớn phục vụ cho xuất khẩu. Tại mỗi vùng quy hoạch, Chính phủ khuyến khích người sản xuất sử dụng một số giống cây có xác nhận, áp dụng cùng một quy trình canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP để tiết kiệm chi phí nhờ giảm bớt việc sử dụng hoá chất và thuốc trừ sâu trong canh tác. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, bao bì đóng gói để giảm tỷ lệ hư hỏng và giữ ổn định chất lượng sản phẩm. Các vùng chuyên canh quy mô lớn đã tạo ra các sản phẩm nông sản đồng nhất về quy cách và chất lượng, khả năng tập trung nguồn hàng lớn và ổn định cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Ví dụ như Thailand đã quy hoạch các vùng trồng lúa cho loại gạo có tỷ lệ Protein cao và gạo thơm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc, tuy loại lúa này có năng xuất thấp hơn các giống lúa khác nhưng giá bán gạo cao nên hiệu quả kinh tế lớn.
- Trợ giúp các nhà xuất khẩu trong hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tại Trung Quốc. Chính phủ Thailand và Philippine có cơ chế hỗ trợ gián tiếp cho sản xuất và xuất khẩu nông sản thông qua hình thức như: đào tạo cho nông dân, cung cấp các dịch vụ nghiên cứu phát triển nông nghiệp, nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại và xuất khẩu nông sản cho các doanh nghiệp. Một số nước, sự hỗ trợ về sản xuất nông nghiệp được thực hiện linh hoạt bởi các chính quyền địa phương mà không hình thành chính sách trợ cấp chung của quốc gia
nên khó có thể chứng minh họ vi phạm các quy định của WTO.
- Đầu tư xây dựng các cơ sở cung cấp dịch vụ phục vụ cho xuất khẩu nông sản tại ngay các vùng trồng nông sản tập trung như cung cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cây trồng, thực phẩm để đẩy nhanh việc lưu thông sản phẩm và giúp các doanh nghiệp kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu.
- Đầu tư nghiên cứu công nghệ bảo quản sau thu hoạch để giảm tỷ lệ hao hụt và giữ ổn định chất lượng nông sản, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các nhà sản xuất. Thành lập các trung tâm đóng gói thuộc chính phủ để hướng dẫn và chuyển giao công nghệ đóng gói sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường Trung Quốc cho các nhà xuất khẩu nông sản.
- Phát triển mạnh cơ sở hạ tầng như đường giao thông, cảng biển…để giảm chi phí sản xuất và xuất khẩu hàng hoá nói chung trong đó có xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc. Ví dụ, cảng phí cho 1 tàu chở gạo 10.000 tấn ở Việt Nam là 40.000 USD, còn ở cảng Băng Cốc là 20.000 USD, như vậy chi phí trong khâu bốc xếp tại cảng Việt Nam đã cao gấp hai lần cảng Băng Cốc. Chính phủ Thailand còn phối hợp cùng Trung Quốc nâng cấp, phá thác ghềnh thông tuyến vận tải đường thủy trên sông Mekong để giảm chi phí vận chuyển; mở đường hàng không nối Bangkok với Côn Minh với tần suất 01chuyến/ngày đáp ứng nhu cầu vận tải rau quả tươi của Thailand vào Trung Quốc.
- Chủ động đàm phán và ký kết các hiệp định song phương với Trung Quốc để tăng cường khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình tại thị trường Trung Quốc. Ví dụ Hiệp định Thương mại tự do Thái - Trung về nông sản, hai nước cắt giảm thuế xuất xuống 0% với 188 sản phẩm rau quả từ ngày 01/10/2003. Trong khirau quả Việt Nam phải chịu thuế xuất theo Chương trình thu hoach sớm (EHP) nên khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của Thailand tại thị trường Trung Quốc. Thailand cũng đã ký với Trung Quốc Hiệp định hợp tác hải quan phục vụ chung cho mậu dịch Trung, Lào, Miến, Thái; Hiệp định tiêu chuẩn và hợp chuẩn Trung - Thái (MRA) công nhận lẫn nhau về giấy chứng nhận phẩm chất hàng hóa để tạo điều kiện giảm các thủ tục hải quan, giảm các rào cản về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khi xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc.
Kinh nghiệm của các doanh nghiệp Thailand, Malaysia và Philippine:
- Trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu của thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp đã chủ động đầu tư hoặc liên kết chặt chẽ với nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến để tạo nguồn hàng ổn định, làm cơ sở ký kết và thực hiện các hợp đồng cung cấp sản phẩm nông sản lâu dài với các nhà nhập khẩu và phân phối của Trung Quốc.
- Xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường Trung Quốc một cách bài bản và chuyên nghiệp. Tìm kiếm, hợp tác với các nhà nhập khẩu và phân phối có tiềm lực, kinh nghiệm và có hệ thống phân phối nông sản rộng khắp tại thị trường Trung Quốc. Tiến hành việc buôn bán nông sản với các nhà nhập khẩu Trung Quốc một cách bài bản theo đúng thông lệ quốc tế.
- Nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP vào quá trình trồng, chăm sóc và chế biến nông sản. Áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế vào sản xuất và thiết lập hệ thống kiểm tra để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Do đó nông sản dễ dàng vượt qua các rào cản của thị trường Trung Quốc, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của người tiêu dùng tại các khu vực kinh tế phát triển cao ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải...
- Chủ động tìm kiếm các thông tin về thị trường Trung Quốc, chủ động tìm hiểu và nắm bắt các cơ hội mới của thị trường do các hiệp định thương mại song phương và khu vực mang lại. Ví dụ khi chương trình thu hoạch sớm EHP có hiệu lực, các doanh nghiệp Thailand, Malaysia và Philipine đã tận dụng tốt các ưu đãi nên xuất khẩu nông sản của họ vào Trung Quốc tăng trưởng mạnh, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam không tận dụng được các ưu đãi này do chủ yếu xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc theo đường biên mậu.
- Chủ động tham gia các hội trợ thương mại tại Trung Quốc để quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác mới.