- Chính phủ mỗi bên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn của mình ký các hợp đồng dài hạn trao đổi một số sản phẩm có thế mạnh của mỗi nước như:
3.3.1.4. Nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu
Thứ nhất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản xuất khẩu.
Để thị trường nông sản phát triển bền vững cần phải tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tiếp đến mới là các chính sách về tiếp cận thị trường và xúc tiến xuất khẩu sản phẩm.
Tại cuộc Hội thảo đánh giá tác động hai năm gia nhập WTO tháng 7/2008, các chuyên gia đã chỉ ra hạn chế lớn nhất hiện nay là chỉ có 10% hàng nông sản Việt Nam có thương hiệu, còn lại 90% là mượn thương hiệu nước ngoài khi thông qua trung gian để bán. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới nhưng chủ yếu xuất khẩu ở dạng hạt thô, không nhãn mác và thương hiệu. Vì vậy dù xuất khẩu cà phê với số lượng lớn, nhưng chúng ta lại không có nhiều ảnh
hưởng trong việc tạo ra áp lực về giá xuất khẩu mặt hàng này.
Hiện một số nông sản Việt Nam đã bước đầu xây dựng được uy tín tại thị trường Trung Quốc như nước mắm Phú Quốc, bưởi Năm roi, soài cát Hòa Lộc… nhưng nhìn chung vẫn còn rất mờ nhạt, cá biệt chỉ có hồ tiêu Chư Sê nhờ chất lượng đã gây được tiếng vang trên thị trường quốc tế.
Để nâng cao sức cạnh tranh, các doanh nghiệp và hiệp hội cần đầu tư quảng bá rộng rãi cho các sản phẩm đã có thương hiệu tại thị trường Trung Quốc. Các sản phẩm chưa có thương hiệu cần nghiên cứu, đăng ký thương hiệu trong khuôn khổ chương trình thương hiệu quốc gia.
Về phía doanh nghiệp, cần chú trọng đầu tư cả về tài chính và trí tuệ cho việc xây dựng thương hiệu. Đăng ký bản quyền tại các thị trường để tránh tranh chấp pháp lý khi quyền sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm; nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ uy tín cho thương hiệu.
Trước mắt cần xúc tiến việc đăng ký nhãn hiệu rau quả đặc sản Việt Nam như Bưởi (Năm Roi, Phúc Trạch, Đoan Hùng); Thanh long Bình Thuận; Nhãn (nhãn tiêu da bò, nhãn Hưng Yên); Xoài (Hòa Lộc, Cát Chu); Vải thiều Thanh Hà, các sản phẩm dứa hộp, nước dứa cô đặc…
Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm vì đây là việc làm tốn kém mà bản thân nguồn lực của doanh nghiệp khó có thể tự làm.
Ngoài việc xây dựng thương hiệu, Việt Nam có thể áp dụng biện pháp như nhượng quyền, hay mua lại thương hiệu của các hãng lớn (cà phê Nestle, Pepsi...) hoặc liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài để học tập kinh nghiệm, từ đó xây dựng thương hiệu cho hàng hoá của mình một cách bài bản và sáng tạo. Xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản phải được xem là những việc cần làm ngay.
Thứ hai, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và đầu tư thích ứng cho công nghệ sau thu hoạch.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu cần có các giải pháp phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; bao gồm:
• Chuyển dịch cơ cấu cây trồng để từng bước hình thành các vùng trồng nông sản tập trung, chuyên canh quy mô lớn phục vụ cho xuất khẩu, gắn với các cơ sở chế biến và bảo quản sau thu hoạch.
Bước đầu chúng ta đã hình thành một số vùng sản xuất nông sản tập trung theo hướng hàng hóa nhưng khối lượng sản phẩm còn nhỏ, chất lượng chưa đồng đều và ổn định. Nhưng nhìn chung, nền nông nghiệp vẫn tồn tại tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nông dân sản xuất theo tập quán lạc hậu, sản xuất theo phong trào, không tuân thủ quy hoạch nên nông sản sản xuất ra không đủ số lượng lớn, không đồng đều về giống, mẫu mã, chất lượng, dẫn đến giá thành cao và khả năng cạnh tranh thấp. Ví dụ gạo Việt Nam chưa đảm bảo độ đồng nhất về quy cách, chất lượng ngay trong từng lô gạo, bao bì kém hấp dẫn và chưa có thương hiệu của doanh nghiệp trên bao bì nên giá xuất khẩu thấp hơn so với các nước khác.
Để khắc phục những tồn tại trên, phải quy hoạch các vùng trồng nông sản tập trung, chuyên canh quy mô lớn, được đầu tư giống tốt, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, gắn liền với các cơ sở chế biến, đóng gói và bảo quản sau thu hoạch.
Quy hoạch cần mang tính liên ngành, liên vùng để khắc phục hiện tượng “Trồng - chặt - trồng khác” trên cùng một diện tích như đã xẩy ra ở một số vùng trồng cây ăn quả và cây công nghiệp. Tránh hiện tượng sản xuất không theo quy hoạch, một vùng trồng nhiều thứ, một mảnh vườn nhỏ mà trồng đủ loại, hậu quả là không áp dụng được cơ giới hóa và kỹ thuật thâm canh tiên tiến; khó triển khai các hoạt động khuyến nông và phòng ngừa dịch bệnh. Sản xuất theo quy hoạch thì mới khắc phục được tính tự phát trong sản xuất nông nghiệp và sản phẩm mới đồng đều về chất lượng, đảm bảo về số lượng cho xuất khẩu.
Thực hiện chiến lược đa dạng hóa để khai thác tốt nhất tiềm năng của nông nghiệp, tạo ra các vùng chuyên canh cây nông sản xuất khẩu không chỉ có quy mô lớn mà còn đa dạng về chủng loại.
Quy hoạch vùng chuyên canh nông sản xuất khẩu phải gắn với đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, các cơ sở đóng gói hiện đại, gần đường giao thông để tiện cho vận chuyển và tập trung nguồn hàng lớn.
Trên cơ sở các vùng sản xuất được quy hoạch, Chính phủ cần xây dựng các chương trình, dự án cụ thể đi cùng với các chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ để tăng khả năng lưu thông, giảm tổn thất sau thu hoạch. Xây dựng những cơ chế sát thực tế để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất và chế biến nông sản xuất khẩu.
Chính phủ ưu tiên cung cấp thông tin, hỗ trợ vốn và khuyến khích kinh tế trang trại tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh để tạo ra những vùng sản xuất nông sản có chất lượng cao, quy cách và chủng loại đồng đều, đáp ứng yêu cầu về số lượng. Chính phủ có thể hỗ trợ bằng cách thuê chuyên gia của các nước có nền sản xuất nông nghiệp tiến tiến như Mỹ, Ixraen tư vấn cho một số trang trại điển hình trong việc sản xuất rau quả xuất khẩu, làm cơ sở để nhân rộng mô hình ra các địa phương trong cả nước.
• Nhà nước cần đầu tư thích đáng cho nghiên cứu sản xuất giống mới, nhập khẩu giống mới, nhân giống và cải tạo giống; hỗ trợ nông dân trong sử dụng giống mới để sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ.
Giống là nhân tố đầu vào quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, việc sử dụng giống cây trồng ở nước ta còn tùy tiện, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhiều loại không phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Trên địa bàn cả nước chưa hình thành được một hệ thống cung ứng giống cây, con tốt cho người sản xuất, từ giống tác giả, giống nguyên chủng cho đến giống thương phẩm. Hầu hết người nông dân đã tự sản xuất giống cây, con cho mình từ vụ thu hoạch trước hoặc mua giống trôi nổi trên thị trường không có sự đảm bảo về chất lượng, đặc biệt là các loại cây ăn quả, cây lương thực, cây rau mầu. Phần lớn các loại giống cây, con đang được nông dân sử dụng có năng suất và chất lượng thấp hơn so với các nước trên thế giới. Năng suất lúa của Việt Nam chỉ bằng 61% năng suất lúa của Trung Quốc và thấp hơn nhiều so với lúa của Nhật Bản, Italia, Mỹ. Năng suất cà chua chỉ bằng 65% năng suất cà chua thế giới. Cao su mới đạt năng suất 1,1 tấn/ha, so với năng suất thế giới là 1,5 - 1,8 tấn/ha, thấp hơn tới 30 - 40%. Vì vậy, giải pháp cho vấn đề này bao gồm:
- Chính phủ đầu tư cho nghiên cứu và lựa chọn giống cây trồng tốt, sau đó tiến hành sản xuất giống một cách khoa học để cung cấp cho nhà nông. Giống phải có khả năng kháng bệnh cao sẽ hạn chế việc sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định quốc tế.
Nhà nước dùng ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị khoa học cho các cơ sở nghiên cứu về giống như ưu tiên xây dựng một số phòng thí nghiệm hiện đại về Di truyền học trong Chương trình xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.
Chính phủ giành một phần kinh phí từ nguồn ngân sách cấp cho các hoạt động khoa hoc - công nghệ hàng năm để giao cho các tổ chức và cá nhân thực hiện một số đề tài nghiên cứu về giống. Xây dựng cơ chế khuyến khích về vật chất đối với nhà khoa học như ưu tiên mua lại các công trình nghiên cứu có kết quả tốt hoặc khuyến khích chuyển giao kết quả nghiên cứu giữa nhà khoa học và cơ sở sản xuất giống. Ví dụ như mô hình chuyển nhượng giống lúa TH3-3 (một giống lúa lai hai dòng có thời gian sinh trưởng ngắn, gạo ngon dẻo, chịu được mọi loại đất, khả năng chống chịu sâu bệnh cao), trị giá 10 tỷ đồng giữa nhà khoa học PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, nguyên giảng viên Trường Đại Học Nông nghiệp I và Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định). Đây là các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được tự do áp dụng đối với sản xuất nông nghiệp mà không vi phạm Hiệp định Nông nghiệp của WTO.
- Quy hoạch lại các cơ sở sản xuất giống, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cung ứng giống cây, con tốt cho người sản xuất, từ giống tác giả, giống nguyên chủng cho đến giống thương phẩm. Chính phủ quy định giống phải có nguồn gốc rõ ràng, có hướng dẫn qui trình thâm canh, có bằng chứng chứng minh giống đó đã được trồng thực nghiệm đạt kết quả tốt. Nhà nước xây dựng các chế tài đủ mạnh để buộc các cơ sở cung cấp giống phải gắn bó và chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng giống được cung cấp cho người sản xuất. Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các cơ sở này.
các cơ quan nghiên cứu lựa chọn, lai tạo các loại giống tốt, trợ giá cho việc phổ biến giống tốt.
• Đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ hiện đại cho công tác bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch.
So với các đối thủ cạnh tranh, Việt Nam có công nghệ chế biến lạc hậu hơn, Thêm vào đó, kết cấu hạ tầng phục vụ cho việc vận chuyển, bảo quản, bốc xếp hàng nông sản, nhất là hàng tươi sống rất yếu nên giá thành sản phẩm và chi phí gián tiếp khác tăng nhanh.
Nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ sở chế biến nông sản được xây dựng từ khá lâu với thiết bị và công nghệ lạc hậu không còn đáp ứng được yêu cầu cho bảo quản, chế biến nông sản xuất khẩu. Hiện chỉ có một số nhà máy đầu tư mới với công nghệ hiện đại của cà phê Trung Nguyên, Vinacafe và một số nhà máy chế biến hạt tiêu, hạt điều đạt tiêu chuẩn cho thị trường Mỹ, Nhật, EU. Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc cần đổi mới công nghệ để chế biến sâu các mặt hàng mà hiện đang xuất khẩu ở dạng thô hoặc sơ chế và nghiên cứu mở rộng mặt hàng mới.
Đầu tư thích đáng cho công nghệ sau thu hoạch, kể cả khâu đóng gói, bảo quản, vận chuyển để tạo những bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong xuất khẩu. Các giải pháp là:
- Nâng cấp và mở rộng quy mô của các nhà máy chế biến nông sản hiện có đáp ứng nhu cầu phát triển, từng bước thay thế thiết bị, đổi mới công nghệ để sản xuất các sản phẩm phù hợp với thị trường.
- Tại các vùng nguyên liệu được quy hoạch, xây dựng các cơ chế ưu đãi nhằm thu hút đầu tư xây dựng mới các nhà máy chế biến, các cơ sở bảo quản và đóng gói hiện đại để chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm thoả mãn nhu cầu của những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật. Trước mắt cần giảm dần các cơ sở chế biến nhỏ không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, thành lập các cơ sở chế biến đầu mối lớn có thiết bị và công nghệ đủ khả năng chế biến sâu các sản phẩm.
- Chúng ta cần tạo ra bước đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay đầu tư vào khu vực này chiếm tỷ trọng thấp nhất trong tổng số dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vì độ rủi ro cao. Những kinh nghiệm của Trung Quốc trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp cần được nghiên cứu. Ở Trung Quốc, nếu doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chăn nuôi được miễn hoặc giảm thuế thu nhập từ 3 - 10 năm. Chính sách hấp dẫn này đã giúp cho nông nghiệp Trung Quốc khởi sắc, tận dụng được kinh nghiệm, vốn và trình độ khoa học kỹ thuật của nhà đầu tư để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh.
Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, về giá và thời hạn thuê đất để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào trồng, khai thác, chế biến cao su, hạt điều…xuất khẩu lâu dài vào Trung Quốc. Có thể sử dụng các chính sách ưu đãi như: Các doanh nghiệp có thể được miễn thuế thu nhập 5 năm đầu, giảm 50% thuế thu nhập cho 5 năm tiếp theo; kéo dài thời hạn thuê đất lên đến 70 năm với giá thuê giảm 20 - 30% so với các khu vực khác; lợi nhuận thu được có thể được giảm thuế khi chuyển ra nước ngoài, nếu tái đầu tư thì được miễn thuế.
Hiện nay đã xuất hiện những doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư nhà máy nhưng chỉ dừng lại ở mức sơ chế nguyên liệu rồi xuất khẩu. Chính phủ không nên khuyến khích xu hướng này mà cần ưu tiên thu hút những nhà đầu tư đi vào chế biến sâu với công nghệ mới để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
- Đầu tư nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới về bảo quản nông sản sau thu hoạch. Hiện việc bảo quản sau thu hoạch còn yếu cả về công nghệ và cơ sở vật chất nên nông sản bị giảm chất lượng và hư hỏng nhiều dẫn đến làm tăng giá thành sản phẩm. Trong ngành rau quả tươi, hao hụt sau thu hoạch chiếm tới 30%. Hệ thống kho bảo quản rất manh mún, việc xây dựng các kho bảo quản đã đặt ra nhiều năm nhưng tiến độ thực hiện không đạt kế hoạch. Ví dụ năm 2009, Chính phủ đề ra mục tiêu trong hai năm 2009 - 2010, đầu tư mới hệ thống silo bảo quản lúa gạo có sức chứa 2,8 triệu tấn, nhưng đến hết 2010 hệ thống kho mới xây chưa đạt nửa triệu tấn.
- Đẩy nhanh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp trong ngành chế biến nông sản nhằm thu hút nguồn vốn từ xã hội để mở rộng sản xuất, đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ, tạo ra một bước đột phá trong tổ chức sản xuất và quản lý doanh nghiệp.
- Đầu tư vào công nghệ chế biến phải tính đến yêu cầu đa dạng hóa sản phẩm và phải xuất phát từ việc nghiên cứu thị trường. Trung Quốc là thành viên của WTO nên để nông sản thâm nhập thuận lợi vào Trung Quốc theo con đường chính ngạch thì từ sản xuất đến thu hoạch và đóng gói đều phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có tính đến các yếu tố đặc thù của thị trường như nhãn mác, bao bì phải sử dụng tiếng Trung Quốc để đảm bảo sức quảng bá rộng rãi.