Cũng như các lĩnh vực khác, trong nông nghiệp, tiếp cận thị trường là mức độ một nước cho phép hàng nhập khẩu bên ngoài thâm nhập vào thị trường của mình. Trong thương mại hàng nông sản, ngoài thuế quan, các biện pháp phi thuế quan thường được sử dụng để điều tiết việc nhập khẩu nông sản.
Mặt hàng nông sản nhập khẩu vào một quốc gia có thể được điều chỉnh và bị chi phối bởi một hệ thống các luật sau đây: luật kiểm soát ngoại hối và ngoại thương, luật và quy định liên quan đến hàng cấm, luật và quy định liên quan đến kiểm dịch của Chính phủ, các thủ tục hải quan, các quy định về thuế, luật về trách nhiệm sản phẩm…Nếu quốc gia nhập khẩu có một hệ thống luật thông thoáng đối với các nhà xuất khẩu nông sản, các rào cản thương mại như chính sách thuế và các công cụ phi thuế quan không quá khắt khe, thì sẽ tạo điều kiện cho mặt hàng nông sản của nước xuất khẩu dễ dàng thâm nhập vào thị trường nhập khẩu. Ngược lại, sẽ tạo nên áp lực hạn chế hoạt động xuất khẩu nông sản của quốc gia xuất khẩu. Mặt khác để không gặp phải những khó khăn khi đưa hàng nông sản thâm nhập vào thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần chủ động tìm hiểu về hệ thống luật pháp, đặc biệt là các quy định về chất lượng và kỹ thuật đối với hàng nông sản. Nếu những quy định này là hợp lý (ví dụ như các quy định về sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm) thì các doanh nghiệp buộc phải tuân theo. Ngược lại, nếu những quy định này thiếu hợp lý do quốc gia nhập khẩu muốn bảo hộ ngành sản xuất trong nước thì nước xuất khẩu cần nhanh chóng đàm phán với nước nhập khẩu để rỡ bỏ.