Giá cả hàng nông sản xuất khẩu không ổn định

Một phần của tài liệu giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản việt nam vào thị trường trung quốc (Trang 25 - 26)

Giá cả của hàng hóa xuất khẩu là một yếu tố cạnh tranh quan trọng. Muốn giảm giá cho sản phẩm xuất khẩu để thu hút người tiêu dùng thì phải hạ giá thành sản xuất, như vậy, ngoài việc đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất để giảm giá thành còn phải tiến hành nhiều biện pháp khác nhằm giảm các chi phí đầu vào trong cấu thành giá của sản phẩm.

Ở Việt Nam, hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều có chi phí rất cao, khiến cho giá thành sản phẩm thường cao hơn các nước trong khu vực. Các chi phí cơ sở hạ tầng, bưu chính viễn thông, điện nước, phí vận chuyển đều cao hơn so với các nước khác: cước phí vận chuyển container của Việt Nam cao gấp 3 lần so với Singapore, gấp 2,5 lần so với Malayxia, gấp 2 lần so với Indonexia. Trong khi đó, giá nông sản thường gặp phải sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế. Một đặc điểm chính của thị trường nông sản và cũng là thách thức lớn nhất cho xuất khẩu của Việt Nam là tính biến động cao của giá cả. Những biến động trong năm 2008 là những minh chứng cụ thể cho đặc điểm này, bắt đầu là mặt hàng gạo, giá thế giới có khi tăng lên đến 300%, sau đó lại suy giảm.

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, giá nông sản ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố kinh tế vĩ mô như chính sách tiền tệ, sự cân bằng ngân sách quốc gia, tỉ giá, các chính sách thương mại quốc tế. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến cho tất cả các quốc gia xem xét, điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô và điều này sẽ làm cho giá cả xuất nhập khẩu trở nên khó lường.

Một phần của tài liệu giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản việt nam vào thị trường trung quốc (Trang 25 - 26)