Trung Quốc Thị trường tiềm năng 1 Một số nét về nền kinh tế Trung Quốc

Một phần của tài liệu giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản việt nam vào thị trường trung quốc (Trang 59)

D. Nhu cầu của nước nhập khẩu

c) Nhân tố về sự phát triển của khoa học công nghệ tác động đến sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển nông sản.

2.1. Trung Quốc Thị trường tiềm năng 1 Một số nét về nền kinh tế Trung Quốc

2.1.1. Một số nét về nền kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc là một thị trường khổng lồ với hơn 1,3 tỉ dân, có diện tích lớn nhất Châu Á với 9,6 triệu km². Trung Quốc là một quốc gia đang trên đà trỗi dậy được cả thế giới ngưỡng mộ bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kì mà ít quốc gia nào sánh nổi. Trong suốt 30 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ trung bình hơn 9% và đã trở thành sự thần kì kinh tế của những năm cuối thế kỉ 20, đầu thế kỉ 21. Trung Quốc là một thị trường lớn có sức thu hút toàn cầu và được ví như công xưởng của thế giới, nơi tập trung hầu hết các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới. Trung Quốc đang trở thành một cường quốc kinh tế. Năm 1975, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chỉ chiếm 1% GDP của thế giới thì năm 2009 đã chiếm đến 8,3%. Năm 2009, GDP của Trung Quốc đạt 33.535 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 4.916 tỷ USD), với thu nhập bình quân của cư dân thành phố đạt 17.175 Nhân dân tệ (tương đương 2.525 USD), của cư dân nông thôn là 5.153 Nhân dân tệ (tương đương 757 USD). Nếu tiếp tục phát triển như hiện nay, đến năm 2020 Trung Quốc sẽ chiếm từ 12 - 15% GDP toàn cầu và thách thức vị trí số một thế giới về kinh tế của Mỹ trong vài thập kỷ tới.

Sau khi gia nhập WTO, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư của Trung Quốc với các nền kinh tế thế giới đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt Trung Quốc đã tận dụng triệt để những cơ hội của WTO để phát triển. Cán cân thương mại của Trung Quốc luôn thặng dư ở mức cao vì là thị trường thu hút lượng đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới hiện nay. Sau hơn 30 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã giành được những thắng lợi hết sức to lớn, kinh tế phát triển thần tốc và ảnh hưởng quốc tế ngày càng sâu rộng.

Hiện nay, Trung Quốc có tổng kim ngạch mậu dịch lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ (năm 2008, đạt 2.561 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm gần đây đạt 15%/năm, đặc biệt là sau khi gia nhập WTO mức tăng trưởng trung bình lên

tới 30,5%/năm làm cho kim ngạch mậu dịch tăng đột biến gấp hơn 3 lần chỉ trong vòng 5 năm (2002 - 2006). Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao trên thị trường thế giới như đồ điện tử, may mặc, đồ chơi trẻ em và nhiều hàng hoá tiêu dùng khác. Trung Quốc có thặng dư thương mại với hầu hết các nước trên thế giới, trong đó nhiều nhất là với Mỹ, EU. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng nhanh đạt hơn 3.000 tỷ USD, đứng đầu thế giới.

Trung Quốc thực hiện cải cách có trọng điểm và trật tự, tài chính và tiền tệ lành mạnh, giữ vững ổn định chính trị xã hội. Chính phủ Trung Quốc chú trọng phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân. Quá trình cải tổ bắt đầu bằng việc bãi bỏ dần hình thức hợp tác xã trong nông nghiệp và tiến tới tự do hoá về giá cả, phi tập trung về tài chính, tăng quyền chủ động cho doanh nghiệp nhà nước, đa dạng hoá trong lĩnh vực ngân hàng, phát triển thị trường chứng khoán, thúc đẩy thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, mở cửa cho thương mại và đầu tư nước ngoài.

Quá trình này được tiếp tục với một số chính sách quan trọng vào năm 2005, bao gồm việc bán cổ phần của ngân hàng lớn nhất Trung Quốc cho các nhà đầu tư nước ngoài và điều tiết tốt tỉ giá ngoại tệ và thị trường trái phiếu. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và những thành quả đạt được đã nâng thu nhập GDP tăng lên gần 10 lần so với năm 1978. Mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn trên thế giới nhưng thu nhập bình quân đầu người vẫn ở dưới mức trung bình và còn 150 triệu người sống dưới mức nghèo khổ. Tốc độ phát triển kinh tế cao, đặc biệt là các tỉnh duyên hải nhưng khoảng cách chênh lệch thu nhập càng ngày càng tăng giữa các vùng, miền.

Trung Quốc cũng đang gặp phải nhiều khó khăn thách thức, nhiều vấn đề tích tụ trong hơn 30 năm cải tổ đã tạo áp lực lớn đối với quá trình cải cách mở cửa. Hiệu quả kinh tế thấp, chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, tình trạng tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, hệ thống tư pháp bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, sức ép về an ninh chiến lược đối với Trung Quốc ngày càng tăng như vấn đề Bắc Triều Tiên, Đài Loan.

Trước tình hình trên, Trung Quốc phải từng bước điều chỉnh chiến lược chuyển từ chiến lược tăng tốc do Đặng Tiểu Bình đề ra trước đây sang chiến lược

trỗi dậy ôn hoà và chỉnh đốn lại toàn diện các mặt Đảng, chính quyền, kinh tế, xã hội, đối ngoại.

Trung Quốc tập trung điều chỉnh phương thức tăng trưởng kinh tế, lấy hiệu quả, chất lượng làm mục tiêu, kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hoá - xã hội, giữa con người với tự nhiên, giữa thành thị với nông thôn, giữa các vùng kinh tế, cải cách và mở cửa phù hợp với các tiêu chí của WTO. Tăng cường kiểm soát vĩ mô, ngăn chặn đầu tư mù quáng, tiếp tục đặt nông nghiệp lên vị trí ưu tiên hàng đầu, đi sâu cải cách lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn gắn với việc giải quyết các vấn đề nổi cộm nhất ở khu vực nông thôn hiện nay để thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền. Với việc thực hiện quy hoạch 5 năm lần thứ 11, Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ mang tính cách mạng để thay đổi phương thức tăng trưởng kinh tế từ thô sang tinh, coi đây là thời kỳ then chốt nhất của công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc từ nay đến năm 2020.

Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc đã tạo ra những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Trung Quốc phát triển là cơ hội tốt cho Việt Nam nếu chúng ta biết tận dụng cơ hội này. Việt Nam có thể khai thác thị trường rộng lớn của Trung Quốc để tham gia vào hệ thống thương mại toàn cầu và là địa chỉ cho các công ty Trung Quốc đến đầu tư.

Tuy nhiên cũng có thể nhận thấy những thách thức từ sự phát triển của Trung Quốc. Chênh lệch về trình độ phát triển, hàng hóa mang tính tương đồng cao, hai nước đang trong thời kỳ công nghiệp hóa nên sức ép cạnh tranh của Trung Quốc đối với Việt Nam rất lớn. Xét về khả năng cạnh tranh, Việt Nam luôn thấp hơn Trung Quốc. Năm 2008, theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam đứng thứ 70, Trung Quốc đứng thứ 30 trong số 134 nước được xếp hạng. Các chỉ số khác như xuất khẩu hàng công nghiệp trên đầu người, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên đầu người, Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Năm 2008, GDP/người của Trung Quốc là 3.000 USD, Việt Nam là 800 USD; kim ngạch xuất khẩu/người của Trung Quốc là 1.500 USD, Việt Nam là 600 USD; vốn FDI/người của Trung Quốc là 120 USD, Việt Nam là 28 USD.

Chênh lệch về trình độ phát triển sẽ hạn chế khả năng thâm nhập của hàng hóa Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Cạnh tranh trong thu hút đầu tư cũng rất khó khăn, dòng vốn FDI vào các ngành công nghiệp có công nghệ thấp và gây ô nhiễm đang có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc đến Việt Nam và ngày càng gia tăng. Sự phát triển kinh tế quá nóng của Trung Quốc hiện nay cũng có thể gây nên những tác động tiêu cực đối với Việt Nam như cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường qua biên giới, tình trạng buôn lậu, tranh chấp thương mại…

Một phần của tài liệu giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản việt nam vào thị trường trung quốc (Trang 59)