Nhu cầu nông sản của Trung Quốc rất lớn và đa dạng

Một phần của tài liệu giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản việt nam vào thị trường trung quốc (Trang 67 - 68)

D. Nhu cầu của nước nhập khẩu

2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 Nhập khẩu của

2.2.1.1. Nhu cầu nông sản của Trung Quốc rất lớn và đa dạng

Sau khi gia nhập WTO, quy mô thương mại nông sản của Trung Quốc ngày một lớn. Theo tờ Quốc tế thương báo ra ngày 31/5/2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản của Trung Quốc từ 26,82 tỷ USD năm 2000 đã tăng lên đến 120,8 tỷ USD năm 2010. Trong đó nhập khẩu từ 11,2 tỷ USD năm 2000 tăng lên đến 71,92 tỷ USD năm 2010. Trong các năm 2003 và 2004, xuất nhập khẩu nông sản của Trung Quốc đã vượt qua mức 40 tỷ USD và 50 tỷ USD, trở thành nước lớn về thương mại nông sản trên thế giới. Từ năm 2004, thương mại nông sản của Trung Quốc bắt đầu xuất hiện nhập siêu với quy mô 4,84 tỷ USD, đến 2010, nhập siêu nông sản của Trung Quốc đã đạt tới 23 tỷ USD.

Nhìn tổng thể 10 năm gần đây, xu hướng biến đổi kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Trung Quốc hoàn toàn nhất quán với xu hướng biến đổi của kim ngạch thương mại nói chung của Trung Quốc. Trừ năm 2009, kim ngạch nhập khẩu nông sản của Trung Quốc có giảm đôi chút do ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu, còn lại các năm đều tăng trưởng liên tục.

Trung Quốc đã thực hiện tốt Quy hoạch 5 năm lần thứ 11 (2006 - 2010) đối với ngành ngoại thương. Năm 2010, thương mại hàng hoá đạt hơn 2.927 tỷ USD, cải thiện cơ cấu và hiệu quả xuất nhập khẩu, duy trì cân bằng cán cân thương mại.

Gia nhập WTO cùng với chính sách cải cách mở cửa, Trung Quốc đang thu hút ngày càng nhiều đầu tư nước ngoài và trở thành công xưởng lớn nhất thế giới nên có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với tất cả các loại khoáng sản, nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, cho gia công xuất khẩu.

Thêm vào đó, do nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao trong một thời gian dài đã tạo ra sự biến đổi toàn diện trong đời sống của nhân dân Trung Quốc. Năm 2009, GDP của Trung Quốc đạt 33.535 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 4.916 tỷ USD) và đứng vị trí thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Nhật Bản, với thu nhập bình quân của cư dân thành phố đạt 17.175 Nhân dân tệ (tương đương 2.525 USD), của cư dân nông thôn đạt 5.153 Nhân dân tệ (tương đương 757 USD). Thu nhập của nông dân Trung Quốc có bước đại nhảy vọt nếu so với quá khứ. Tiêu dùng thực phẩm bình quân trên đầu người Trung Quốc tăng hơn 7%/năm. Điều này đã thúc đẩy nhập khẩu ngày càng nhiều hàng nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân Trung Quốc.

Nhu cầu của thị trường Trung Quốc về các loại hàng hóa nói chung rất đa dạng và có sự khác biệt giữa các vùng, miền. Các tỉnh Đông Bắc và khu vực miền Trung có nhu cầu thường xuyên về rau quả nhiệt đới, thực phẩm, đồ uống chế biến từ hoa quả nhiệt đới. Miền Tây Nam Trung Quốc địa hình miền núi hiểm trở nên có nhu cầu về thuỷ hải sản do không có biển. Miền Đông và các đặc khu kinh tế cần nhiều loại sản phẩm như đồ gỗ, thuỷ hải sản tươi sống và hoa quả nhiệt đới cao cấp. Các tỉnh phía Nam và các tỉnh giáp biên giới Việt Nam có nhu cầu về than, khoáng sản do việc vận chuyển từ phía Bắc xuống không hiệu quả.

Bên cạnh đó, do tốc độ phát triển kinh tế không đồng đều, các tầng lớp dân cư thu nhập rất khác nhau, có nơi thu nhập cao bằng các nước phát triển đạt khoảng 18.000 - 20.000 USD/người/năm, nhưng có nơi thu nhập chỉ đạt 350 - 400 USD/người/năm nên nhu cầu về các loại hàng hóa rất khác nhau. Trên thị trường Trung Quốc tồn tại các loại hàng hóa có chất lượng, quy cách khác xa nhau, giá cả chênh lệch hàng chục, thậm chí hàng trăm lần; nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng lan tràn. Hơn nữa, do đầu tư trùng lặp nên sản phẩm dư thừa, chậm luân chuyển lên đến hàng trăm tỷ USD.

Một phần của tài liệu giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản việt nam vào thị trường trung quốc (Trang 67 - 68)