Nhân tố về điều kiện tự nhiên cho sản xuất nông sản

Một phần của tài liệu giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản việt nam vào thị trường trung quốc (Trang 44 - 45)

D. Nhu cầu của nước nhập khẩu

a) Nhân tố về điều kiện tự nhiên cho sản xuất nông sản

Nhân tố này bao gồm các điều kiện về đất đai, khí hậu, vị trí địa lý của mỗi quốc gia mà từ đó tạo ra những thuận lợi hay khó khăn khách quan cho sản xuất và xuất khẩu nông sản. Các quốc gia trên thế giới như ở Mỹ La Tinh đang có vị trí đáng kể về sản xuất và xuất khẩu nông sản, đa phần là những quốc gia có điều kiện đất đai, khí hậu, nguồn nước khá thuận lợi cho sản xuất nông sản.

Sản xuất nông nghiệp nói chung, chịu sự tác động rất lớn của các yếu tố tự nhiên như: thời tiết, thiên tai, lũ lụt, do đó, mức độ rủi ro trong kinh doanh xuất khẩu hàng nông sản rất lớn, đôi khi không lường trước được và không tránh khỏi những tổn thất và thiệt hại ngay cả khi được mùa thu hoạch. Mặt khác, do sự khác biệt và không ổn định về thời tiết, khí hậu giữa các vùng miền cũng như khả năng khắc phục những khó khăn của điều kiện tự nhiên ở các quốc gia, các vùng, các địa phương khác nhau khiến cho khả năng cung cấp nông sản làm nguyên liệu không ổn định. Do đó có thể lúc này, nơi này việc sản xuất và xuất khẩu một vài loại nông sản gặp khó khăn, nhưng ở nơi khác lại là thuận lợi, do vậy nếu một quốc gia hoặc doanh nghiệp nắm bắt được tính bất ổn về thời tiết thì không những hạn chế được rủi ro, tổn thất mà còn nâng cao được hiệu quả xuất khẩu nông sản.

Việt Nam là một quốc gia có lợi thế về điều kiện tự nhiên để sản xuất và xuất khẩu nông sản. Việt Nam có nhiều tiềm năng về đất, với diện tích 330.363 km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp có khoảng 10,5 triệu ha gồm nhiều loại thổ nhưỡng có giá trị kinh tế cao như đất đỏ bazan, đất phù sa rất thích hợp để phát triển các cây công nghiệp như cà phê, cao su, chè và các loại cây lương thực, cây ăn quả, rau màu, với tài nguyên đất đai, khí hậu và địa hình đa dạng nên sản xuất nông nghiệp khá thuận lợi.

Trong xu thế toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới, hầu hết các yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp đều đã được quốc tế hóa, giá cả gần như trên cùng một mặt bằng thì yếu tố lao động đã trở thành yếu tố quan trọng trong cạnh tranh,

Việt Nam với nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ là một yếu tố mang lợi thế so sánh. Với một cơ cấu dân số trẻ trong đó gần 50% dân số đang ở độ tuổi lao động là một lực lượng lao động dồi dào cung cấp cho sản xuất nông nghiệp. Theo nguyên lý lợi thế so sánh: một nước sẽ sản xuất và xuất khẩu những loại hàng hóa mà việc sản xuất ra chúng cần sử dụng nhiều yếu tố rẻ và sẵn có của nước đó. Ngành sản xuất, chế biến nông sản sử dụng rất nhiều lao động trong tất cả các khâu từ gieo trồng, chăm sóc, chế biến. Bởi vì, về cơ bản sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn mang nặng tính chất thủ công, do đó đòi hỏi số lượng lao động lớn. Tuy nhiên yếu tố lao động nhiều và rẻ sẽ bị dần mất đi cùng với quá trình hội nhập kinh tế. Thêm vào đó, lao động nước ta, đặc biệt là lao động nông thôn chưa thể xóa bỏ được tập quán sản xuất nhỏ và tùy tiện, vì vậy lực lượng lao động này cần phải được không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng và trình độ lao động.

Một phần của tài liệu giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản việt nam vào thị trường trung quốc (Trang 44 - 45)