Nói đến văn hóa là nói đến con người, chỉ có con người mới có văn hóa và sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới. Và cũng dễ thấy rằng môi trường sống của con người không chỉ là môi trường tự nhiên mà còn là môi trường xã hội. Hơn thế nữa, đó còn là môi trường văn hóa - môi trường sống đặc thù chỉ
có ở cộng đồng người - cộng đồng xã hội mà thôi. Các nhà nghiên cứu văn hóa nói chung và triết học văn hóa nói riêng đã sử dụng phạm trù “môi trường văn hóa” để thể hiện mối quan hệ giữa con người và văn hóa.
Vậy môi trường văn hóa là gì?
Trong cuốn “Cơ sở lý luận văn hóa Mác - Lênin”, các tác giả quan niệm: “Môi trường văn hóa là một tổng thể ổn định những yếu tố vật thể và nhân cách, nhờ đó các cá thể tác động lẫn nhau. Chúng ảnh hưởng tới hoạt
động khai thác và sáng tạo giá trị văn hóa, tới nhu cầu tinh thần, hứng thú và
định hướng giá trị của họ. Môi trường văn hóa không chỉ là tổng hợp những
yếu tố văn hóa vật thể mà còn có những con người hiện diện văn hóa” (4)
GS.TS. Huỳnh Khái Vinh nhấn mạnh: “Với tính chất là tổng thể (các hoạt động và sinh hoạt của con người các và giá trị vật chất tinh thần cũng như điều kiện và cơ chế vận hành các hoạt động hiện và giá trị vật chất ấy), môi trường văn hóa luôn luôn can thiệp và quy định các hoạt động sống, cách thức sống và cả lẽ sống của con người. Cái cốt lõi tạo nên khuôn mẫu và
32
chiều hướng vận động của môi trường văn hóa là chuẩn mực giá trị xã hội”. (5)
Từ góc nhìn giá trị học, GS. TS Đỗ Huy nhấn mạnh vai trò của con người khi đưa ra định nghĩa: “Môi trường văn hóa chính là sự vận động của các quan hệ của con người trong các quá trình sáng tạo, tái tạo, đánh giá, lưu giữ và hưởng thụ các sản phẩm vật chất và tinh thần của mình” (6)
Nếu tiếp cận văn hóa dưới góc độ giá trị, coi văn hóa là quá trình sáng tạo các giá trị và chuẩn mực của con người theo hướng chân, thiện, mỹ trong tiến trình lịch sử trong mối quan hệ tương tác biện chứng giữa một bên là hoạt
động nhận thức và cải tạo thế giới của con người với một bên là ảnh hưởng của các điều kiện khách quan, thì môi trường sống của con người bao quát toàn bộ luật trong xã hội và môi trường tự nhiên được con người “văn hóa” tạo thành một môi trường đặc hữu chỉ có trong cộng đồng xã hội là môi trường văn hóa. Nói cách khác, trong quá trình phát triển lịch sử xã hội, quan hệ giữa văn hóa và con người còn hình thành một môi trường mà ở đó mỗi người xác định được “tọa độ văn hóa” của mình trong không gian, thời gian rộng lớn của nền văn hóa cộng đồng dân tộc và nhân loại, thấy được sự hữu hạn của cá nhân trong cuộc “nhập thân văn hóa” và đồng sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới.
Từ sự phân tích trên, có thể nhận thấy môi trường văn hóa được thiết lập từ tổng thể các quan hệ giữa văn hóa với con người. Theo đó, văn hóa thấm sâu vào tất cả các phẩm chất, năng lực, hành vi của mỗi cá nhân trong
đó học vấn và kinh nghiệm được coi là “chìa khóa” để con người nhận thức, giải thích và cải tạo thế giới khách quan theo ý chí chủ quan của mình. Và đến lượt nó, sự phát triển những giá trị của từng cá nhân lại đóng góp phần làm giàu thêm văn hóa cộng đồng, làm cho văn hóa là một dòng chảy không ngừng.
Tiếp thu những định nghĩa và quan niệm của các nhà nghiên cứu, có thể quan niệm: Môi trường văn hóa là giới hạn cụ thể xác định trong mối
33
quan hệ biện chứng giữa môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, chỉ toàn bộ không gian diễn ra các hoạt động văn hóa của cộng đồng để tạo nên các giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần tác động đến con người trong một thời gian cụ thể. Trong môi trường này, thông qua các quan hệ văn hóa và cùng với hệ thống thiết chế văn hóa, các cá nhân tác động lẫn nhau, cải biến nhau hướng tới các giá trị và chuẩn mực xã hội mang tính Chân, Thiện, Mỹ. Và do đó, con người có quan hệ trực tiếp với nhau là nhân tố quan trọng nhất quyết định đến chất lượng của môi trường văn hóa.
Theo quan niệm trên thì bản chất của môi trường văn hóa là kết hợp hài hòa giữa môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, là sự vận động của các mối quan hệ văn hóa trong hoạt động giao tiếp, ứng xử của cá nhân trong cộng đồng và với chính bản thân mình. Về phạm vi tác động, có môi trường văn hóa mang tính nhân loại, mang tính quốc gia, đồng thời cũng có những môi trương văn hóa mang tính vùng, miền, khu vực, địa phương... được quy
định bởi những điều kiện địa lý tự nhiên, lịch sử, tâm lý, truyền thống, phong tục tập quán, lối sống... riêng của nơi đó. Như vậy, có thể nói việc phân chia thành ba dạng môi trường (tự nhiên, xã hội và văn hóa) chỉ là thao tác để dễ
tìm hiểu và nhận dạng, còn về bản chất, khi nói xây dựng môi trường văn hóa
ở một không gian và thời gian xác định thì việc làm này cũng bao hàm nhiệm vụ xây dựng môi trường cảnh quan tự nhiên và xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tốt đẹp.