Khái niệm hỗ trợ nuôi trồng thuỷ sản xuất khẩu

Một phần của tài liệu Hỗ trợ nuôi trồng thủy sản xuất khẩu ở khu vực nam trung bộ (Trang 41)

2 Tốc độ tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu

2.1.1. Khái niệm hỗ trợ nuôi trồng thuỷ sản xuất khẩu

Theo Từ điển tiếng Việt (2006), "hỗ trợ" là giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ thêm vào [123, tr.457]. Như vậy, khái niệm hỗ trợ được hiểu là sự trợ giúp từ bên ngoài, từ chủ thể này cho chủ thể khác. Thống nhất với cách hiểu đó, hỗ trợ NTTS XK ở đây được hiểu là hỗ trợ từ các tổ chức bên ngoài cho người NTTS xuất khẩu. Trên thực tế, có nhiều chủ thể hỗ trợ người NTTS XK như Chính phủ, Hiệp hội thuỷ sản, DN, trong đó trợ cấp từ Chính phủ và hỗ trợ của Hiệp hội thuỷ sản, Hội nông dân và các DN có vai trò quan trọng. Trong các tài liệu khoa học đã có, quan niệm về hỗ trợ của các chủ thể kinh tế đối với người NTTS cũng khác nhau.

Hỗ trợ của Chính phủ thường được gọi dưới tên một thuật ngữ có tính chuyên môn là trợ cấp [99, tr.283]. Trợ cấp là một khoản tiền do Chính phủ trả cho các DN hoặc gia đình mà không cần nhận lại một sản phẩm hoặc dịch vụ nào. Quan niệm của nhóm tác giả này giới hạn sự hỗ trợ ở trợ cấp tài chính nên khá hẹp, khó được sử dụng trong luận án này.

Theo quan điểm của nhóm chuyên gia do FAO mời làm tư vấn trong Hội nghị Tư vấn tổ chức tại Rome tháng 12 năm 2012, trợ cấp thuỷ sản là hành động hoặc không hành động của Chính phủ nhằm hỗ trợ phát triển ngành thuỷ sản trong một bối cảnh chính sách kinh tế cụ thể. Theo quan niệm này, hỗ trợ hay trợ cấp của Chính phủ cho người NTTS XK chủ yếu được hiểu là sự chuyển giao tài chính từ các cơ quan của Chính phủ cho người làm nghề NTTS để họ có thể vượt qua khó khăn hoặc có thể bán được sản phẩm của họ trên thị trường. Hàm ý chính của quan niệm này là xác định được đâu

là những hỗ trợ hợp lý và không hợp lý theo quan điểm của những người nghiên cứu do FAO triệu tập để lấy đó làm cơ sở khuyến nghị hành động cho các nước trong điều kiện toàn cầu hoá. Các quan niệm này gần gũi với cách tiếp cận trong luận án, nhưng vẫn có phạm vi hẹp hơn những hỗ trợ mà tác giả luận án muốn đề cập.

Quan niệm hỗ trợ của Nhà nước đối với người NTTS trong luận án này là tất cả những hoạt động của Nhà nước nhằm giúp đỡ người NTTS trên các phương diện tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi; trợ giúp về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản lý; cung cấp thông tin thị trường; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, cung ứng đầu vào, phòng dịch…

Hỗ trợ của các DN đối với người NTTS ít được các tài liệu khoa học đề cập tới bởi vì, trong kinh tế thị trường, DN theo đuổi mục đích tối đa hoá lợi nhuận nên không có nghĩa vụ tài trợ cho các chủ thể kinh tế khác. Tuy nhiên, để ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào hoặc ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra [139], các DN chế biến thuỷ sản và DN cung cấp vật tư, con giống cho người NTTS, nhất là các DN thuộc sở hữu của Nhà nước, có thể chủ động thiết lập các quan hệ liên kết giữa DN và người NTTS theo chuỗi giá trị ngành, trong đó người NTTS có lợi ích nhiều hơn so với người không liên kết. Hình thức liên kết như vậy cũng được coi là một hình thức hỗ trợ của DN cho người NTTS.

Hỗ trợ của các tổ chức kinh tế, xã hội, nghề nghiệp đối với người NTTS phụ thuộc vào bản chất, tôn chỉ và mục đích hoạt động của các tổ chức này. Vai trò lớn nhất trong hỗ trợ người NTTS là hiệp hội thuỷ sản, hội nông dân. Các chương trình hỗ trợ của hai tổ chức này phụ thuộc vào năng lực tài chính và khả năng tổ chức của những người tham gia. Các hình thức hỗ trợ thường là trao đổi kinh nghiệm, vận động các hội viên tương trợ lẫn nhau, cung cấp thông tin, đào tạo nâng cao năng lực cho người NTTS, hành động tập thể vì lợi ích chung...

Tóm lại, trong luận án này hỗ trợ người NTTS XK được hiểu là sự giúp đỡ dưới mọi hình thức của Nhà nước đối với người NTTS XK nhằm không những phát triển NTTS của Việt Nam tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của đất nước, mà còn tạo điều kiện cho người NTTS XK trở thành thành viên nuôi trồng thuỷ sản chuyên nghiệp trên thị trường thế giới, có mức thu nhập tương xứng công lao động trên thế giới đối với nghề NTTS.

Một phần của tài liệu Hỗ trợ nuôi trồng thủy sản xuất khẩu ở khu vực nam trung bộ (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)