NTTS là khái niệm chỉ hai hoạt động "nuôi" và "trồng" các đối tượng thuỷ sản, gồm nuôi các loài động vật như cá, tôm, cua, ếch và trồng các loại thực vật như rong câu chỉ vàng, rong sụn trong môi trường nước ngọt, mặn và lợ. Nói cách khác, NTTS bao hàm mọi hoạt động có liên quan đến nuôi dưỡng sinh vật sống trong môi trường nước nhằm mục đích tăng cường hỗ trợ, cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn sinh vật sống và phục vụ tốt nhu cầu của con người.
Như vậy, NTTS XK là chỉ tất cả những hoạt động nuôi dưỡng sinh vật sống trong môi trường nước theo một quy trình, điệu kiện đã được đặt ra nhằm đảm bảo phục vụ cho mục đích XK.
Ngày nay nghề NTTS XK đã phát minh ra nhiều hình thức nuôi trồng phong phú, trong đó có phương thức nuôi hiện đại như: nuôi ao, nuôi lồng bè, có phương thức bán tự nhiên như: nuôi bãi triều, nuôi trên ruộng trồng lúa…
- Nuôi ao: là loại hình nuôi các loài thuỷ sản trong ao đất (ao nằm trên đất liền). Có nhiều loại ao khác nhau được thiết kế cho nuôi thuỷ sản như ao cho cá đẻ, ao trú đông, ao ươm cá bột, ao nuôi tôm, ao nuôi cá thương phẩm (nuôi thịt).
- Nuôi bè: là loại hình nuôi các loài thuỷ sản trong bè. Bè chủ yếu làm bằng tre, gỗ để nỗi trên sông, hồ, biển, bên dưới có lưới quây để nuôi cá tra, cá basa, cá mè... Kích cỡ các bè rất khác nhau, từ 100m3
đến 1000m3/bè.
- Nuôi lồng: là loại hình nuôi các loài thuỷ sản trong các lồng làm bằng lưới với kích cỡ rất khác nhau từ 10m3
đến 1.000m3/lồng (trường hợp là nuôi lồng ngoài biển). Tuy nhiên nuôi lồng cũng có thể chỉ hình thức nuôi trong lồng làm bằng gỗ, tre, nứa... kích thước nhỏ.
Căn cứ vào địa hình, thổ nhưỡng, tính chất nuôi trồng, NTTS XK được chia thành nuôi trồng chuyên canh, luân canh và xen canh hỗn hợp.
- Nuôi trồng chuyên canh: là hình thức nuôi, trồng một loại thuỷ sản duy nhất trong vùng nuôi trồng. Hiện nay hình thức này được sử dụng nhiều do có thể cung cấp sản phẩm chất lượng cao và quy mô sản lượng lớn, người nuôi có thể áp dụng các kỹ thuật đáp ứng những yêu cầu cao về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Nuôi trồng luân canh: là hình thức nuôi trồng xen kẽ các đối tượng nuôi trồng trong vùng nuôi ở các thời điểm khác nhau như: tôm - trồng lúa, cá - trồng lúa, tôm - cá rô phi… Nuôi luân canh có ưu điểm là giải quyết tốt vấn đề bảo vệ môi trường, ít dịch bệnh, giảm rủi ro mùa vụ, nhưng khó áp dụng các kỹ thuật hiện đại. Loại hình này thường áp dụng ở vùng nuôi nước lợ, yêu cầu người nuôi phải có kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng tổng hợp, phải có kinh nghiệm thích ứng với điều kiện tự nhiên từng vùng.
- Nuôi xen kẽ, hỗn hợp: là nuôi, trồng thuỷ sản tổng hợp nhiều loại trong cùng một thời gian. Hình thức này tận dụng được ao, hồ nuôi, tận dụng được nguồn thức ăn giữa các loại nuôi trồng. Hình thức này giảm được chi phí, xử lý tốt môi trường, giảm rủi ro, nhưng kỹ thuật nuôi phức tạp.
Xét theo kỹ thuật nuôi, có các hình thức NTTS sau:
- Nuôi trồng TC là hình thức đầu tư giống, thức ăn, các thiết bị hỗ trợ đòi hỏi vốn lớn, công nghệ cao có khả năng tạo ra năng suất, sản lượng lớn, chất lượng cao, đồng nhất, phù hợp với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhưng để nuôi trồng TC người nuôi trồng phải có vốn lớn, có tri thức khoa học và kinh nghiệm nuôi trồng, kiểm soát được thị trường... Đây là các yêu cầu mà nhiều cơ sở NTTS ở nước ta khó đáp ứng. Hiện nay, một số cơ sở NTTS đã khắc phục các khó khăn này bằng cách nuôi BTC đòi hỏi vốn và kỹ thuật ít hơn.
- Nuôi trồng quảng canh là hình thức kết hợp giữa nuôi trồng tự nhiên với đầu tư có mức độ và khoanh vùng bảo vệ. Hiện nay, nông dân nước ta áp dụng khá phổ biến hình thức nuôi trồng này do chúng có thế mạnh là có thể
dựa vào con giống và thức ăn sẵn có trong tự nhiên, đầu tư ít, kỹ thuật nuôi không cao. Tuy nhiên, hình thức nuôi này có nhược điểm là năng suất thấp, chất lượng không đều, khó chủ động quy mô sản phẩm đầu ra, đòi hỏi diện tích nuôi lớn... Để khắc phục các nhược điểm này, nhiều cơ sở NTTS áp dụng hình thức nuôi trồng QCCT dựa trên phương pháp nuôi quảng canh là chủ yếu có bổ sung thêm công việc cải tạo ao, hồ, đầu tư thêm giống, tăng mật độ nuôi trồng và bổ sung thêm thức ăn nhưng không đáng kể. Phương thức nuôi này đã đem lại những thay đổi theo hướng tích cực như chi phí đầu tư ban đầu ít, tận dụng diện tích mặt nước tự nhiên. Những nhược điểm vẫn còn tồn tại là năng suất thấp, dư lượng kháng sinh cao và khó kiểm soát ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.
- Nuôi trồng BTC là hình thức lai ghép giữa nuôi trồng TC và nuôi trồng quảng canh với mức độ áp dụng công nghệ nuôi trồng cao hơn hình thức nuôi QCCT. Giống nuôi và thức ăn nuôi chủ yếu trong hình thức này chủ yếu là nhân tạo. Hình thức này đòi hỏi khá nghiêm khắc về kỹ thuật nuôi, như phải xây dựng và xử lý ao, hồ theo tiêu chuẩn nuôi hiện đại, chủ động xử lý môi trường nước, chủ động cho ăn theo quy trình độ tuổi. Người nuôi BTC phải am hiểu kỹ thuật nuôi, có kinh nghiệm về tổ chức NTTS.
- Nuôi công nghiệp (nuôi siêu TC) là hình thức nuôi trồng tiên tiến nhất hiện nay, thành quả của việc áp dụng kết hợp giữa phương thức sản xuất công nghiệp với kỹ thuật nuôi TC hiện đại. Dựa trên cơ sở nuôi TC nhưng hình thức nuôi này đã phần nào thoát khỏi sự phụ thuộc vào thiên nhiên và cho phép tạo ra các điều kiện sống tốt nhất có thể cho đối tượng nuôi về các mặt môi trường sống, giống, thức ăn, chủ động phòng dịch... Xét về năng suất, quy mô, chất lượng và hiệu quả thì nuôi trồng công nghiệp có ưu thế vượt trội so với các hình thức nuôi trồng khác. Nhưng khó khăn khi áp dụng hình thức nuôi này là vốn đầu tư ban đầu lớn, người nuôi không những phải làm chủ kỹ thuật nuôi hiện đại mà còn phải có thị trường đủ lớn. Đây là những trở ngại mà các nông hộ ở Việt Nam khó vượt qua.